Nhiều năm rồi ở Việt Nam, việc dạy chữ cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Nhưng dù bị phản đối, việc mở lớp dạy trẻ vừa qua mẫu giáo lớn biết đọc biết viết trước khi vào lớp 1 vẫn rất phố biến. Kỳ 3 của câu chuyện giáo dục nhìn từ nước Đức có thể đưa ra những ý kiến để chúng ta tham khảo.
Căn cứ vào sự phát triển thể chất và trí tuệ, tròn 6 tuổi (mặc định sinh ra là 0 tuổi) tính từ ngày 01 tháng 7 trẻ em Đức sẽ đi học (tính theo cách của người Việt thì là 7 tuổi). Ở một vài bang hay thành phố khác, người ta xét độ tuổi theo năm, bắt đầu từ ngày 01 tháng 1. Tùy theo nhu cầu cải cách và sự phát triển của từng đứa trẻ, độ tuổi này có thể xê dịch, trong những trường hợp quá cá biệt, giám định y tế là bắt buộc.
Berlin mấy năm trước chủ trương cho trẻ đi học từ 5 tuổi, tính từ ngày 01 tháng 1 hàng năm. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm chủ trương này bị bãi bỏ, do điều tra xã hội học cho thấy nhiều trẻ không đủ sức theo học.
Thế nào là đủ “sức” đi học với một đứa trẻ?
Valentin là con trai của một luật sư và một bác sĩ chuyên ngành tâm lý trẻ em, học cùng mẫu giáo với con tôi. Khi con tôi được tư vấn phải đi học sớm qua kiểm tra của giáo viên mầm non và tiểu học, được giám định y tế xác nhận đạt chuẩn thể chất, trí tuệ, tâm lý và đến trường lúc 5 tuổi, Valentin lên 7, vẫn ở lại mẫu giáo. Bố Valentin giải thích rằng muốn cho con kéo dài thời thơ ấu để nhẹ bớt một phần cuộc đời sẽ phải làm việc lâu dài. Mẹ Valentin thực tế hơn: “con tao chưa đủ chín để đi học”.
Xác định một đứa trẻ có khả năng đi học hay chưa rất đơn giản theo giải thích của mẹ Valentin: Hãy quan sát xem con có khả năng tập trung trong khoảng 30 phút hay không khi nghe một câu chuyện, chơi một trò chơi như xếp hình, lắp lego, vẽ. Nếu trẻ không thể ngồi yên trong khoảng thời gian đó, trẻ sẽ không thể theo được giờ giảng của thầy cô.
Nếu trẻ có khả năng tập trung 30 phút khi nghe một câu chuyện, đồng nghĩa với việc trẻ đã sẵn sàng để đi học. |
Có một vấn đề tôi thắc mắc: Nhỡ đứa trẻ quá phát triển trí tuệ đến mức những giờ giảng thông thường cung cấp kiến thức phổ cập làm nó buồn chán đến mức không thể tập trung? Câu trả lời từ cô bạn bác sĩ tâm lý trẻ em là: Rất nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn khi nghe con hỏi tại sao.
Có hai khả năng xảy ra: một là trẻ thông minh, hay tò mò muốn biết, hai là trẻ không có khả năng nắm bắt suy nghĩ của chính mình, không thể tập trung, nên hỏi vậy nhưng lại tự rời bỏ quá trình được giải thích. Đây là trường hợp của Valentin. Qua nhà cậu bé, tôi thấy cậu được mẹ rèn để có thể đến trường khi lên 8: Mỗi ngày Valentin được nhận một bài tập để làm một mình, lúc thì xếp một hình, lúc lắp lego, lúc vẽ hay tô màu, lúc nghe kể chuyện, và thời lượng để làm bài tập đó tăng dần, từ 10 phút lên 15 phút, rồi lên 30 phút. Hôm Valentin tô gần xong một bức tranh trong 30 phút và đem khoe mẹ, cô bác sĩ tâm lý vui mừng: Con tao chắc chắn sang năm đi học được!
Tôi cũng từng theo mẹ Valentin đi dự giờ cô dạy cho những trẻ không bị tàn tật nhưng có vấn đề về tâm lý. Có cháu xem một bức tranh phong cảnh có tiếng động đi kèm nhưng không mô tả được âm thanh, không liên kết được sự vật sự việc để đưa ra các phỏng đoán không gian thời gian. Có cháu không làm sao phân biệt được màu sắc, không làm nổi một bài tập cực kỳ đơn giản là lắp một hình trụ bằng lego theo trật tự màu được đưa trước. Dự mấy giờ giảng như thế, tôi giật mình khi nhớ lại ngày đi học và đi dạy. Thực tế là giáo viên chúng ta không thật sự tận tường tâm lý lứa tuổi của học trò mình. Do đó, không ít học sinh bị coi là ù lỳ, láo hỗn, ngu lâu, không thể dạy dỗ.
Những học sinh đủ điều kiện theo học phổ thông đúng lứa tuổi thì sao?
Một quy định bất thành văn là: Không được phép dạy trước cho con các kiến thức cụ thể nó sẽ học ở trường. Vì dạy trước sẽ dập tắt niềm hứng khởi được biết của đứa trẻ khi đến lớp. Những hậu quả đi kèm là trẻ tưởng mình giỏi đâm kiêu ngạo, tự mình phá vỡ các quan hệ xã hội với bạn bè trong lớp bằng những ứng xử phách lối.
Dạy trước cho trẻ các kiến thức sẽ học ở trường sẽ dập tắt đam mê được biết của trẻ. |
Học sinh lớp 1 và 2 ở Đức thường không cho điểm. Con lớn nhà tôi học ở Hessen vào đúng năm cải cách đùng đùng: chương trình rút ngắn một năm, cho điểm vào cuối lớp 1; cháu út học ở Berlin theo mô hình lớp 1 lớp 2 học chung, tùy năng lực có thể học ba năm hai lớp hoặc ngược lại, năm lớp 3 họp cha mẹ học sinh còn phải bỏ phiếu xem xem có muốn con mình được chấm điểm hay chưa.
Trẻ sẽ được đánh giá như thế nào?
Một phần trong hai phần cơ bản xét định một học trò là ứng xử trong các quan hệ xã hội, được cụ thể hóa thành nhiều điểm, ví dụ thái độ làm việc, học tập, cách giao tiếp, khả năng thiết lập các quan hệ, đặc biệt có mục “sẵn sàng giúp đỡ” ... Tôi nhấn mạnh: ứng xử, không phải là đạo đức hay hạnh kiểm. Từ cấp mẫu giáo, người ta đã đặc biệt chú trọng xây dựng cho trẻ các Chuẩn về ứng xử xã hội, ở cấp học phổ thông, đây sẽ là một mặt xếp loại học sinh.
Cách ứng xử của trẻ không phải là đạo đức hay hạnh kiểm, mà là một mặt để xếp loại học sinh. |
Đi học thì trẻ nhất định phải được xem xét về học lực. Cứ nhìn kiểu trẻ được dạy dỗ và đánh giá bên này, có thể bảo “Khoai Tây con” dốt kinh khủng, dù 5 tuổi đi mẫu giáo đã phải chạy 700 mét. Ai đời những ngày đầu đi học mỗi ngày học một chữ, viết chữ đó ba dòng, mỗi dòng có lẽ được ba chữ, cả tháng mới nhận được đủ mặt chữ số từ 1 tới 10. Ai đời, lớp 1 mới ê a đánh vần, mới biết cộng trừ tới 20.
Không đứa trẻ nào được cho là giỏi hay bị coi là dốt từ phía giáo viên. Lớp 1 viết được chữ cái, đọc được từ, cộng trừ được bằng cả ngón tay ngón chân hay xúc xắc từ 1 tới 20, dùng kéo cắt được bông hoa, tự dán được mấy cái lá vào bức tranh rồi tô màu, biết phân loại rác và đôi ba điều khác là đạt!
Thế mà chỉ qua cấp tiểu học người ta đã phân loại được học sinh một cách chính xác. Phân loại đúng là con đường ngắn nhất để định hướng cho học sinh trong tương lai.
Giáo dục ở Đức (Kỳ 2): Bài học về tình yêu thương, phải lý tính
Người lớn chúng ta phải tuân thủ những giới hạn để khi trẻ hiểu các giới hạn đó, trẻ sẽ tự tin biết mình được hay phải làm gì.