Phụ huynh rất cần... giáo dục

Thời gian qua, tôi có được tham gia nhóm nghiên cứu về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Với một mẫu hơn 8000 người, và tiến hành các phỏng vấn sâu, thực tế tại địa phương, nhà trường, kết quả phân tích bước đầu khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Vì hóa ra, những gì chúng tôi “suy đoán” lại phổ biến như thế này: Phụ huynh có quan tâm đến giáo dục con cái, đại đa số còn cho rằng: “việc quan trọng nhất của cha mẹ là giáo dục con” nhưng phần lớn trong số họ lại không biết thực hiện việc giáo dục sao cho đúng.

Nhiều người bạn của tôi, những người nghiên cứu giáo dục lâu năm thì còn thẳng thắn cho rằng: “Cần phải giáo dục phụ huynh trước rồi mới đến giáo dục các con”.

Mới đây, tôi có một cuộc trò chuyện với một nhóm phụ huynh có con học tiểu học, trong đó không ít người trong số họ là giáo viên. Khi tôi hỏi:

- Các anh chị có dùng facebook không?

- Các anh chị có lập facebook hay website lấy tên con mình không?

Câu trả lời là, rất nhiều cha mẹ lập trang cá nhân bằng tên con của mình, hoặc đồng ý cho con lập trang cá nhân (có người còn lập cho con). Họ nói với tôi rằng mục đích của việc này là để lưu giữ lại kỉ niệm về con hoặc rất yêu con nên lấy luôn tên con làm nickname (tên trên facebook). Nhưng khi tôi nói với họ rằng: facebook có quy định về độ tuổi lập trang cá nhân (ít nhất là 13 tuổi) nên nếu con của chúng ta mới 9 tuổi (có trường hợp ít tuổi hơn) đã lập facebook thì với thế giới đó là một lời nói dối và còn vấn đề rò rỉ thông tin, về những sự việc lợi dụng hình ảnh của trẻ em cho những việc xấu rất khó kiểm soát thì tất nhiên không còn xa lạ.

Lập facebook cho con sẽ khiến hình ảnh của con bị lợi dụng
Lập facebook cho con sẽ khiến hình ảnh của con bị lợi dụng

Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy nhiều hành động của bậc cha mẹ trực tiếp ảnh hưởng đến sự an toàn của con mà họ không mấy khi để ý. Nhưng những nghiên cứu khoa học mà tôi được biết còn đề cập đến rất nhiều nhận thức sai lệch, hành vi thiếu chuẩn mực của cha mẹ khiến cho việc giáo dục con cái họ gặp khó khăn.

Tôi còn nhớ những buổi sáng thức giấc ở nơi xa trên đất nước Việt Nam, tôi thấy ở nông thôn hay thành thị thì đều có sự tấp nập của những người đi mua đồ ăn sáng. Rồi kế đó, là những chiếc xe máy, có đứa trẻ ngồi đằng trước hoặc đằng sau, đứa trẻ sẽ cầm một gói xôi, một chiếc bánh mì. Bữa sáng ở dọc đường đã trở nên quen thuộc như thế. Ít người biết rằng, ở trong một vài ngôi nhà nhỏ, có những đứa trẻ cùng thức dậy, cùng chuẩn bị bữa sáng với cha mẹ của mình. Họ có với nhau chừng 60 phút, cùng trò chuyện, cùng nhắc nhở nhau, cùng làm với nhau. 60 phút ấy là một môi trường giáo dục tuyệt vời nhất, của một nề nếp, một kỉ luật của bản thân và cùng rèn luyện kĩ năng quản lí thời gian.

Cùng thưởng thức bữa sáng là môi trường giáo dục tuyệt vời nhất
Cùng thưởng thức bữa sáng là môi trường giáo dục tuyệt vời nhất

 Ai cũng biết đó là sự khởi đầu hoàn hảo, nhưng hình như không đủ quyết tâm để làm hoặc nhận thức ra nó quan trọng thế nào đến nỗi cần được giáo dục. Hay việc ăn sáng vội vàng có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, nhất là cái dạ dày, cái hệ thần kinh của các em, chứ chưa nói đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo tác giả Shiomi Yoshikazu trong bài viết “Tình hình trẻ em và những vấn đề trong giáo dục đạo đức” (https://ci.nii.ac.jp/naid/110006240668) đã thống kê và chỉ ra những thói quen sinh hoạt của học sinh như đi học muộn, không ăn sáng (tỷ lệ này chiếm khoảng ¼ ở Nhật Bản).

Đặc biệt, hiện nay trong xã hội khi mà các thiết bị điện tử len lỏi vào tận ngõ ngách các gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của con người. Tình trạng học sinh đi ngủ muộn sẽ dẫn tới hiện tượng bỏ ăn sáng, mệt mỏi, dễ chán nản, học không tập trung,... Đó là những hành vi rất cụ thể minh chứng cho việc thiếu nề nếp dẫn đến vi phạm kỉ luật, dần dần sẽ lệch lạc về đạo đức.

Trong khi đó, trong nghiên cứu của chúng tôi, đa số các nhà trường chưa biết cách phối hợp với phụ huynh trong việc thực hành giáo dục học sinh đặc biệt là nề nếp, tuân thủ kỉ luật. Lâu nay, khi nói đến kỉ luật, chúng ta thường nghĩ ngay đến những biện pháp mang tính áp đặt mà nhà trường yêu cầu học sinh thực hiện, để phạt khi học sinh vi phạm. Nhưng thực ra, tuân thủ kỉ luật là một phẩm chất đạo đức quan trọng của một con người. Có một số trường học đã chủ động mô tả những hành vi không phù hợp, những mức độ cần đánh giá kỉ luật, đạo đức học sinh. Nhà trường cũng làm rõ cách thức giáo dục đạo đức, lối sống thông qua hành vi học sinh cùng những tiêu chuẩn xếp hạng. Từ đó nhà trường tập huấn cho phụ huynh cách nhận biết, cách rèn luyện và cùng gia đình đánh giá học sinh.

Khảo sát cho thấy, phụ huynh của các trường này đã ý thức được nhiệm vụ của mình trong theo dõi, trợ giúp con em mình cũng như nhận biết được những biểu hiện tốt/ không tốt. Họ cho rằng việc làm này của nhà trường đã giúp họ biết cách thực hiện “đánh giá” con em mình cũng như phản biện lại những đánh giá của nhà trường. Mới đây, một báo cáo tổng kết về giáo dục đạo đức, phòng chống bạo lực ở Mỹ cho thấy: cần thiết phải tạo niềm tin cho phụ huynh về các biện pháp kỉ luật tích cực trong giáo dục.

Nghiên cứu tổng duyệt trên 37 nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy các chương trình tập huấn cho phụ huynh giúp giảm thiểu và phòng ngừa việc ngược đãi con cái đã giúp cải thiện những hành vi vi phạm đạo đức ở học sinh.

Câu chuyện mà cha mẹ quan tâm nhất khi định hướng việc học cho con mà hầu hết những người được hỏi trả lời chúng tôi rằng: học tốt để làm người, để có công việc tốt. Nhưng khi được hỏi: thế nào là người tốt, thế nào là công việc tốt thì họ sẽ lựa chọn: công việc ổn định, kiếm được nhiều tiền. Có lẽ vì thế mà những người hoạch định chính sách phân luồng giáo dục đã lo lắng đến mức có người cho rằng sẽ thất bại, vì cha mẹ học sinh chỉ muốn con học những nghề đang thịnh hành chứ không phải những nghề sẽ thịnh hành, hay là những kĩ năng cơ bản cho lao động, những phẩm chất cần cho bất cứ người lao động nào: bền bỉ, trách nhiệm, kỉ luật, hợp tác. Rất ít cha mẹ hay thầy cô giáo hiểu rõ và thực hành giáo dục hướng đến những điều này. Thế cho nên, chỉ mươi năm sau, khi chúng ta không còn nghèo đói, chúng ta cho con cái đến được giảng đường đại học, nhưng chúng sẽ chán học ngay khi thấy học khó, đòi hỏi tự học, chúng sẽ chọn việc gì kiếm được tiền, rất thực dụng, điều đó không sai, nhưng chắc rằng, sẽ có không ít người tiếc cho cái ước mơ thành người, cái cơ hội rèn luyện. Những ai đã trải qua, đều biết, nếu mình học được, làm được đến đầu đến đũa thì chắc hẳn mọi thứ đã thật tuyệt hơn rất nhiều.

Vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới thịnh hành “giáo dục cho người lớn” không chỉ vì đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, mà đó còn là một cách để khớp nối “giáo dục hệ thống” cho việc giáo dục trẻ em bớt đi rào cản từ gia đình. Ở một khía cạnh khác, các nhà trường, tổ chức giáo dục cũng cần thực hiện việc “giáo dục cha mẹ học sinh” đúng như cách tạo ra cộng sự đắc lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

“Giáo dục cho người lớn” không chỉ vì đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, mà đó còn là một cách để khớp nối “giáo dục hệ thống” cho việc giáo dục trẻ em bớt đi rào cản từ gia đình
“Giáo dục cho người lớn” không chỉ vì đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, mà đó còn là một cách để khớp nối “giáo dục hệ thống” cho việc giáo dục trẻ em bớt đi rào cản từ gia đình

Chẳng hạn ở Nhật, mỗi phụ huynh đều được phát cuốn “Sổ tay giáo dục”, ở đó có những thông tin cần thiết để cha mẹ học cách nuôi, cách dạy con. Nhà trường cũng thực hiện một số giờ học mở để cha mẹ học sinh cùng tham gia. Họ cho rằng đó là cách làm khiến cha mẹ hiểu ở trường các con đang học thế nào và cha mẹ cần làm gì để phù hợp với việc học đó.

Ở Việt Nam, dù truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người, khiến cho nhu cầu đến trường, nhu cầu được học có ở mọi người, nhưng thói quen “trăm sự nhờ thầy” lại khiến cho việc dạy học trở nên đơn phương nhà trường thực hiện. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xuất hiện nhiều xu hướng giáo dục, chúng tôi lại bắt gặp những bậc cha mẹ có quan điểm giáo dục trái với những gì nhà trường đang theo đuổi. Những đứa trẻ lớn lên trong sự “nhào nặn” đầy mâu thuẫn hay thiếu hụt sự hài hòa đều gây ra những bất ổn tâm lí cho chính chúng và xã hội.

Mới đây, khi các thống kê cho thấy tệ nạn xã hội vị thành niên tăng; năng suất lao động của người Việt thấp,… được công bố, hầu hết ai biết đều buồn, có đôi chút chua xót. Nhưng từ góc độ giáo dục, chúng ta dễ dàng nhận ra những việc nho nhỏ hàng ngày để rèn thành thói quen, thành nhân cách đang bị bỏ trống. Để bắt đầu quá trình giáo dục hữu ích cho thế hệ con cái, cha mẹ của chúng cần được học lại, cần được “giáo dục lại”, điều đó gợi ý rất nhiều cho công việc của mỗi nhà trường, mỗi người làm cha mẹ ngày nay.Có thể nhận thấy hầu hết các bậc cha mẹ đều cần được “giáo dục” lại những vấn đề rất cơ bản như: xây dựng mục tiêu, kế hoạch giáo dục cho con, thái độ sống; cách chăm sóc cho sức khỏe, cho sự an toàn của bản thân; huấn luyện nề nếp, kỉ luật cho con, đánh giá con; làm bạn cùng con, hướng dẫn con học (từ những kĩ năng cơ bản tự học, tự đọc, trao đổi với người khác, …); định hướng nghề nghiệp …

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Hơn 22 triệu học sinh bước vào năm học mới

Hơn 22 triệu học sinh bước vào năm học mới

Sáng ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới, tăng khoảng 400.000 so với năm học trước.