Miền Bắc chủ động bình ổn thị trường đảm bảo nguồn cung trước bão Wipha

Trước diễn biến phức tạp của bão Wipha, các địa phương miền Bắc chủ động triển khai biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (tên quốc tế là Wipha), dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nhiều hệ thống bán lẻ lớn đã khẩn trương kích hoạt các phương án ứng phó toàn diện. Mục tiêu chính là tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo nguồn cung liên tục và ổn định giá cả, đồng thời hỗ trợ cộng đồng vượt qua giai đoạn thời tiết cực đoan một cách an toàn nhất.

Theo đó, toàn bộ hệ thống Co.opmart tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang cùng gần 40 cửa hàng Co.op Food ở miền Bắc, trực thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), đã được đặt vào trạng thái sẵn sàng cao nhất. Các biện pháp được triển khai đồng bộ nhằm ứng phó với cơn bão Wipha bao gồm:

Đầu tiên, hệ thống đã tăng mức dự trữ hàng hóa thiết yếu lên gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường, đặc biệt tập trung vào các nhóm sản phẩm quan trọng như gạo, mì ăn liền, trứng, thịt, rau củ, gia vị, nước uống, sản phẩm vệ sinh và các vật dụng ứng phó khẩn cấp.

Các Trung tâm phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc đã lập kế hoạch vận chuyển, điều tiết nguồn hàng kịp thời cho hệ thống siêu thị và cửa hàng tại khu vực miền Bắc. Đáng chú ý, 800 điểm bán trên toàn quốc cũng được biến thành những kho vệ tinh, giúp dự trữ nguồn hàng một cách thống nhất và hiệu quả.

Co.opmart điều phối phục vụ khách hàng trực tiếp tại siêu thị và mua hàng trực tuyến.
Co.opmart điều phối phục vụ khách hàng trực tiếp tại siêu thị và mua hàng trực tuyến.

Saigon Co.op đặt ưu tiên cao cho việc đảm bảo vận hành an toàn. Các cơ sở vật chất bên ngoài siêu thị như bãi xe, cửa kho, mái che, trang thiết bị ngoài trời đều được gia cố cẩn thận. Hệ thống điện và máy phát dự phòng được kiểm tra kỹ lưỡng để sẵn sàng hoạt động.

Bên cạnh đó, phương án di chuyển và trưng bày hàng hóa cũng được điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện thời tiết. Tại các siêu thị, hoạt động kinh doanh và phục vụ khách hàng vẫn duy trì ổn định, với lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trước bão.

Ngoài ra, hệ thống cũng chủ động phối hợp với các nhà cung cấp chiến lược để dự trữ thêm nguồn hàng thiết yếu tại các trung tâm phân phối. Với kinh nghiệm dày dạn ứng phó với tình hình thời tiết xấu, Saigon Co.op còn tăng cường nguồn hàng từ các vùng nguyên liệu và nguồn hàng sẵn có tại địa phương, đặc biệt là các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm các loại và rau củ quả. Công tác điều phối vận chuyển được thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo không để đứt gãy nguồn cung.

Để tạo thuận tiện tối đa cho khách hàng, Co.opmart và Co.op Food duy trì dịch vụ giao hàng tận nhà. Khách hàng có thể truy cập vào website cooponline.vn, gọi số điện thoại hotline 1900555568, hoặc liên hệ qua số Zalo của từng siêu thị để được hướng dẫn đặt hàng và giao nhận.

Tương tự Saigon Co.op, hệ thống MM Mega Market Việt Nam cũng đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống bão tại các trung tâm phân phối ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, bao gồm MM Mega Market Hạ Long (Quảng Ninh), Hồng Bàng (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), cùng các trung tâm tại Hà Nội và Depot Thanh Hóa, Đồng Hới (Quảng Bình).

Theo đại diện của MM Mega Market, mức dự trữ hàng hóa thiết yếu đã được nâng lên từ 30% đến 50% so với bình thường. Riêng nhóm rau củ quả được tăng sản lượng gấp 1,5 lần, trong khi nhóm thực phẩm khô, nước uống, đèn cầy và các mặt hàng phòng chống thiên tai tăng gấp 2,5 lần.

Song song với việc bổ sung hàng hóa, MM Mega Market còn tổ chức kiểm tra, gia cố mái nhà, hệ thống điện, máy phát dự phòng; bố trí bao cát, nạo vét cống rãnh và sắp xếp hàng hóa trong kho để đảm bảo an toàn tối đa. Một ban điều hành ứng phó khủng hoảng và đội ngũ ứng trực 24/24 cũng đã được thành lập để kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh khi bão đổ bộ.

Tập đoàn Central Retail Việt Nam, đơn vị sở hữu chuỗi GO!, Tops Market, cũng cho biết các hệ thống siêu thị của họ được "châm hàng" liên tục, tăng lượng hàng hóa thiết yếu và đa dạng nguồn hàng để tránh đứt gãy nguồn cung. Đặc biệt, giá bán được duy trì ổn định, và có nhiều chương trình khuyến mãi nhằm hỗ trợ sức mua của người dân trong giai đoạn này.

Trước đó, vào ngày 20/7, Bộ Công thương đã có công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp triển khai ngay phương án ứng phó bão số 3. Trong đó, Bộ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra khan hiếm, đầu cơ tăng giá, đặc biệt tại các khu vực ven biển, vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ bị chia cắt do mưa bão.

Công điện cũng chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi để rà soát và tăng dự trữ các mặt hàng như lương thực, nước sạch, đèn chiếu sáng, thiết bị cứu hộ, đồng thời đảm bảo an toàn kho bãi và hệ thống điện. Các địa phương cũng được yêu cầu cập nhật tình hình cung ứng về Bộ để có sự điều phối kịp thời.

VIÊN VIÊN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Hải Phòng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Hải Phòng

Sáng 21/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại TP. Hải Phòng.