Tại hội trường trang trọng của Trường Đại học Sư phạm Herzen, một trong những ngôi trường lâu đời và uy tín nhất của nước Nga, vở kịch “Lá đơn thứ 72” đã chính thức ra mắt khán giả trong một đêm diễn xúc động và giàu cảm xúc.
![]() |
Từ nhiều ngày trước, cộng đồng người Việt tại Saint Petersburg đã háo hức chờ đón vở diễn. Thông tin về vở kịch đã lan toả qua báo chí, mạng xã hội, và đặc biệt là những lời kể đầy cảm xúc của khán giả Moscow sau buổi diễn đầu tiên. Và khi đêm diễn diễn ra, không khí hội trường như lặng đi trong từng nhịp thở của câu chuyện được tái hiện trên sân khấu,một câu chuyện có thật, đau đáu và nhân văn, về công lý, niềm tin và sự kiên trì không mệt mỏi. Nhiều người cho biết, rất lâu rồi họ mới lại được xem kịch, lại là kịch đến từ quê nhà.
![]() |
NSƯT Văn Hải trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh |
“Lá đơn thứ 72” được xây dựng dựa trên tư liệu có thật từ luật sư Nguyễn Trọng Tỵ ,nguyên Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao. Vụ án của ông Đỗ Văn Chồi, người đảng viên lương thiện bị kết tội oan và đã gửi đến 72 lá đơn kêu oan trong suốt 8 năm cải tạo là trung tâm của vở diễn. Chỉ đến khi lá đơn thứ 72 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận và chỉ đạo xử lý, thì công lý mới được phục hồi, ông Chồi mới được minh oan.
![]() |
NSND Lệ Ngọc trong cảnh diễn đến thăm chồng -ông Đỗ Văn Chồi |
Câu chuyện ấy không cũ. Nó vẫn còn nguyên giá trị hôm nay, không chỉ với người Việt Nam, mà còn với mọi người trên thế giới, nơi mà công lý luôn cần sự tỉnh táo, nhân văn và dũng khí để bảo vệ.
![]() |
Đại diện lãnh đạo Sân khấu Lệ Ngọc và Trường Đại học Sư phạm Herzen trao, nhận quà lưu niệm. |
Với dàn diễn viên kỳ cựu, biểu cảm sâu sắc và nhập vai đầy cảm xúc, đặc biệt là phần thể hiện của NSƯT Văn Hải trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, vở diễn đã thực sự chạm đến trái tim người xem. Sau buổi diễn, NSƯT Văn Hải xúc động chia sẻ: “Đây là một đêm diễn đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề của tôi. Tôi đã ngồi trên bộ bàn ghế mây ấy suốt hơn 3 năm, trong 350 buổi diễn vở kịch Lá đơn thứ 72. Hôm nay, chúng tôi trao tặng lại bộ bàn ghế ấy cho Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Nga, như một món quà văn hóa. Nhà trường đã quyết định trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam, một điều khiến tôi vô cùng xúc động".
![]() |
Chứng kiến món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa được trao tặng, không chỉ khán giả Việt Nam, mà cả người dân Nga cũng xúc động và bày tỏ sự trân trọng sâu sắc với tinh thần nhân văn và lòng tri ân của đoàn nghệ sĩ Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh nước Nga đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn bởi chiến sự, sự hiện diện của đoàn kịch Lệ Ngọc tại đây, biểu diễn hoàn toàn miễn phí, bằng kinh phí tự chủ là một hành động “dũng cảm” và đầy tâm huyết. Không chỉ mang nghệ thuật ra thế giới, họ còn mang theo trái tim của sân khấu Việt Nam, của tình yêu nước, yêu công lý và yêu con người.
![]() |
Khán giả Nga chụp ảnh lưu niệm với dàn diễn viên "Lá đơn thứ 72" |
"Lá đơn thứ 72" đã khép lại hành trình lưu diễn tại Liên bang Nga, nhưng dư âm mà nó để lại thì vẫn còn lan toả. Những tràng pháo tay không ngớt, những giọt nước mắt xúc động, những lời cảm ơn vang vọng khắp hội trường... tất cả như một lời khẳng định: Sân khấu Việt Nam vẫn có thể lay động và kết nối trái tim khán giả khắp năm châu.
![]() |
Cộng đồng người Việt tại Nga chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ |
Chuyến đi lần này cũng đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu văn hóa giữa Sân khấu Lệ Ngọc và các trường đại học tại Nga, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Nga ngày càng bền chặt, sâu sắc.
“Lá đơn thứ 72” gây xúc động tại Moskva
Tối 17/7 vừa qua, tại thủ đô Moskva , vở kịch “Lá đơn thứ 72” của Sân khấu Lệ Ngọc đã có buổi công diễn đầu tiên, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả Việt và Nga.