Không chỉ là phim về chiến tranh, “Mưa đỏ” là cầu nối cảm xúc giữa thế hệ hôm nay và những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Điện ảnh hóa một biểu tượng lịch sử
Dựa trên trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972, "Mưa đỏ" không kể lại chiến tranh theo cách hô hào, mà lặng lẽ khắc họa những con người – những chàng trai mười tám đôi mươi đã ngã xuống trong âm thầm. Với kịch bản do nhà văn Chu Lai chắp bút, bộ phim mang đến một ngôn ngữ điện ảnh đậm chất sử thi nhưng không kém phần nhân văn.
Từng chi tiết nhỏ như khẩu phần ăn, chiếc áo mưa bó hành trang, cách người lính gọi mẹ giữa bom đạn – tất cả được phục dựng công phu, tạo nên một không gian ký ức chân thực và nghẹn ngào. Ở đó, người xem không chỉ nhìn thấy chiến tranh, mà còn cảm nhận được nỗi cô đơn, tình đồng đội, và lòng yêu nước, sự hy sinh thầm lặng đến đau lòng.
![]() |
Phim trường “Mưa đỏ” được xây dựng công phu tại xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) |
Chính thức hoàn thiện và hứa hẹn sẽ ra mắt vào dịp kỉ niệm 80 năm quốc khánh Việt Nam 2/9, bộ phim với những hé lộ đầu tiên đã mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt là với các cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.
Cựu binh Nguyễn Văn Hội chia sẻ: "Tôi nhìn thấy đồng đội mình trong đó. Mỗi hình ảnh như một lát cắt của đời lính mà chúng tôi đã đi qua. Có người chỉ kịp gọi 'Mẹ ơi, chị ơi!' rồi chìm xuống sông."
Những lời nói giản dị nhưng đầy sức nặng, như một sự công nhận rằng bộ phim đã chạm tới sự thật. Ông Đào Văn Phê, một cựu chiến binh khác, cũng nghẹn ngào: “Các diễn viên thể hiện khá đúng tinh thần người lính năm xưa. Chúng tôi xem phim và thấy được chính mình trong đó.”
![]() |
Dàn diễn viên giao lưu gặp gỡ cùng các cựu chiến binh chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị |
Bản lĩnh của người làm phim thời bình
Đạo diễn Đặng Thái Huyền, với nhiều năm kinh nghiệm trong dòng phim chiến tranh – chính luận, chia sẻ rằng "Mưa đỏ" là dự án khó khăn nhất mà chị từng thực hiện. Không chỉ khó về kỹ thuật chiến trường, bối cảnh, mà còn là bài toán về cảm xúc: làm sao để khơi dậy sự đồng cảm mà không cần lời thoại kêu gào.
Chị xúc động chia sẻ: “Chúng tôi làm phim không phải để kể lại chiến tranh, mà để sống lại tinh thần của những người đã hy sinh vì đất nước.”
Chính vì vậy, từng ánh mắt nhân vật, từng khoảng lặng xen giữa tiếng súng, đều được chị chăm chút như những nốt nhạc trầm trong một bản giao hưởng về sự hy sinh. "Mưa đỏ" là nỗ lực của cả ê-kíp để không phản bội lịch sử, và càng không được làm nhạt nhòa ký ức.
![]() |
Ekip đoàn làm phim Mưa đỏ |
Không dừng lại ở một tác phẩm nghệ thuật, "Mưa đỏ" còn là một tài sản văn hóa – tinh thần quý giá, giống như lời khẳng định của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thủy – Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn – nhấn mạnh: "Phim không chỉ để xem, mà để cảm, để nhớ và để sống có trách nhiệm hơn."
![]() |
Nhà sản xuất bộ phim tri ân các cựu chiến binh chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị |
Sự kết nối thế hệ được thể hiện rõ qua dàn diễn viên trẻ của bộ phim những người chưa từng trải qua chiến tranh nhưng vẫn hóa thân trọn vẹn vào vai lính trận. Họ không chỉ diễn, mà còn sống với nhân vật, với tinh thần của một thế hệ từng sống và hysinh cho đất nước. Diễn viên Đỗ Nhật Hoàng trải lòng: “Tôi không biết mình có đủ khả năng để tái hiện được hết tinh thần của những người lính không. Nhưng khi thấy ê-kíp tin mình, tôi hiểu mình phải tin vào chính mình. Tôi cảm thấy tự hào vì đã được dùng hình ảnh của mình trong bộ phim này để tri ân lịch sử.” Chính tinh thần đó đã giúp những gương mặt trẻ mang hơi thở hôm nay, hóa thân thuyết phục vào thời quá khứ. Cảm xúc không đến từ sự giả lập, mà từ trái tim chân thành đặt vào từng bước chân hành quân trên màn ảnh.
![]() |
Dàn diễn viên của Mưa đỏ |
Với "Mưa đỏ", người xem không chỉ lặng người trước những thước phim được giới thiệu, mà còn mang theo lòng biết ơn và suy ngẫm. Trong một thời đại mà ký ức có nguy cơ bị lãng quên, bộ phim đã làm được điều quan trọng nhất: khiến người ta nhớ. Và nhớ bằng cả lý trí lẫn trái tim.
Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, "Mưa đỏ" không chỉ là một bộ phim sắp ra mắt – mà là nén tâm nhang tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Đó là cách điện ảnh gìn giữ lịch sử – bằng cảm xúc, bằng sự tử tế và bằng sự thật.
“Gặp gỡ tháng 3”: Những đời thường bình dị mang sắc màu mới của ước mơ
200 bức tranh được thể hiện với nhiều phong cách, là những hình ảnh đời thường quen thuộc.