Giáo dục ở Đức (Kỳ 1): Giáo dục phải tạo ra con người bình thường

Bài viết là những ghi chép cá nhân giúp bạn có một bức tranh tương đối đầy đủ về nền giáo dục mà nhiều phụ huynh quan tâm.

Do hoàn cảnh, dẫu chỉ từng là giáo viên trung học phổ thông, tôi có dịp quan sát rất tường tận cách thức nuôi dạy trẻ từ nhà tới trường ở Đức. Nếu có những cách giáo dục định danh được bằng tên quốc gia, kiểu Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Israel… thì cách nuôi dạy trẻ mà tôi thấy từng ngày qua việc học hành của con mình có thể gọi là cách giáo dục kiểu Đức.

Người Đức nổi tiếng vì tinh thần kỷ luật, ý chí làm việc đến cùng ngay cả trước mắt là thất bại. Đơn cử như cách hành xử của nhiều vị tướng lĩnh... phát xít khi làm các thủ tục đầu hàng quân đồng minh để tránh bước sụp đổ cuối cùng cho dân tộc trước khi tự đòm một phát vào đầu, hay lối chơi hết mình lúc cầm chắc thua của các cầu thủ rồi sau đó mới lăn ra sân cỏ ôm mặt khóc rưng rức.

Đặc tính này là do gene hay do giáo dục. Nghĩ chán, tôi tự giải thích cho mình rằng giáo dục có thể làm biến đổi gene.

Chúng ta hay nói về triết lý giáo dục. Xa vời, nhưng thật ra cụ thể là mục đích giáo dục. Bản chất việc xác định mục đích giáo dục là quan niệm về con người. Giáo dục Đức hướng tới việc đào tạo ra những con người bình thường, độc lập, có khả năng chịu trách nhiệm cá nhân.

Giáo dục Đức hướng tới việc đào tạo ra những con người bình thường, độc lập ngay từ bậc mầm non (Ảnh minh họa)
Giáo dục Đức hướng tới việc đào tạo ra những con người bình thường, độc lập ngay từ bậc mầm non (Ảnh minh họa)

Một bác sĩ tâm lý di cư từ Ba lan về lại Đức từng bảo tôi rằng điều này có thể thấy cả ở những người đang tạm thời có vấn đề về thần kinh do các tác nhân như rượu bia. Một người uống rượu đi xe đạp loạng choạng ngoài đường bị cảnh sát giữ lại, anh ta sẽ nói thật uống bao nhiêu chai. Có tự đi tiếp được không hay phải để cảnh sát hộ tống về nhà, anh ta cũng sẽ nói thật. Và anh ta sẽ chấp nhận bị phạt, không phàn nàn.

Ở Ba Lan thì khác, người bị hỏi đầu tiên sẽ cười bảo rằng uống có mấy giọt, vì nể bạn, vì vui quá, vì đám cưới vì đám ma, rồi sau đó sẽ năn nỉ bỏ qua, “ngày trước thì chúng tao còn xin phạt tiền không biên lai” - anh bác sĩ cười. Tôi giật mình. Chúng ta, người Việt Nam cũng không khác.

Tinh thần chịu trách nhiệm này tôi có dịp nhìn từng ngày khi đưa con đi mẫu giáo. Cháu trai lớn của chúng tôi học mẫu giáo ở một bang bên Tây Đức. Người ta chỉ nhận trẻ ba tuổi với điều kiện trẻ tự mặc được quần áo, đã bỏ bỉm, biết thắt dây giầy. Lớp học gồm các cháu ở độ tuổi từ ba đến sáu. Vào lớp, trẻ tự cởi áo treo lên mắc, thay giầy xếp gọn ở ngăn riêng. Giờ ra chơi, trẻ tự mặc quần áo ấm, đi giày, cháu lớn giúp cháu bé làm cho nhanh, còn giáo viên ngồi trên ghế… nhìn.

Giờ tan học, đi đón con thấy một lũ trẻ đóng bộ xong xuôi ngồi hát cùng cô giáo.

Cháu út đi mẫu giáo từ trước khi tròn hai tuổi ở Berlin, khi vẫn còn dùng bỉm. Lớp chỉ gồm trẻ cùng tuổi. Vào lớp, bữa trưa, mỗi đứa một đĩa, một thìa, một cốc, tự ăn tự uống, không cô nào đút cho cháu nào. Ba mươi phút sau cô dọn bàn, còn đám trẻ tự xếp hàng vào toilet rửa tay, đánh răng, đi tè, rồi cùng nhau vừa bê vừa kéo nệm ngoài hành lang vào phòng ngủ trưa.

Cô giáo làm đúng một việc là lấy giùm cái nệm ở giá trên nếu trẻ không tự lấy được. Nhìn con với bạn cứ như hai con kiến bám vào cái nệm, đứa kéo đứa đẩy mãi không tới được cửa phòng, thương thắt ruột, nhưng tôi biết là không được giúp. Mọi sự can thiệp dẫu từ thiện ý như vậy đều có thể phá vỡ quá trình giáo dưỡng của cô.

Học sinh cùng học và chơi với nhau trong một lớp học ở Đức (Ảnh minh họa: Marius Becker/Corbis).
Học sinh cùng học và chơi với nhau trong một lớp học ở Đức (Ảnh minh họa: Marius Becker/Corbis).

Toàn bộ quá trình giáo dục mầm non này diễn ra chủ yếu qua việc chỉ dạy và thực hành từng ngày, cực kỳ kiên nhẫn và … kiên quyết. Ba tuổi trẻ tập thể thao trong phòng tập của trường. Lên lớp lớn hơn, năm tuổi, nhà trường thuê phòng tập ở một trường tiểu học cách đó hai cây số, mưa nắng nóng lạnh gì cũng đến giờ là cô dắt đi.

Những kế hoạch được thông báo từ đầu năm, trừ khi có cảnh báo gì đó từ cơ quan khí tượng hay cảnh sát, còn họ không khi nào thay đổi. Thế nên tôi mới có dịp nhìn thấy một đám trẻ con mặc áo mưa màu cam lẫm chẫm đi trong ngày tuyết bời bời âm 7 độ trên phố, đúng lịch dã ngoại của trường. Ngoài sức tưởng tượng. Đưa con đến trường cứ đinh ninh lạnh thế và tuyết dày thế thì người ta sẽ đổi lịch, con sẽ được chơi trong phòng ấm.

Nhiều gia đình người nước ngoài không duy trì nền nếp được dạy được tập ở trường cho con mình khi về nhà. Còn tôi, ngộ ra chỉ cần giúp con giữ đúng hướng này là con sẽ độc lập đúng lứa tuổi, còn mình thì nhàn thân.

Các cô dạy con bài học về tình yêu thương (Ảnh minh họa)
Các cô dạy con bài học về tình yêu thương (Ảnh minh họa)

Điều kiện vật chất của Tây khác của ta, song nhiều gia đình trẻ ở ta điều kiện vật chất có khi còn hơn ở Tây. Vậy con trẻ Việt tại sao không độc lập bằng trẻ con Tây ở mọi cấp học? Nguyên do liệu có nằm trong cách chúng ta muốn con mình thành người như thế nào? Nếu muốn con mình là bất động sản để tự hào về khả năng đầu tư, nếu coi con mình là công tử tiểu thư, ta sẽ rất tự nhiên tìm mọi cách chiều chuộng, bao bọc.

Tôi từng thấy nhiều gia đình mời khách đi ăn cũng đưa theo người giúp việc chăm con, đút cho con ăn. Đáng ngại, không chỉ ở chuyện trẻ không thể tự làm được cái việc tự nhiên đã dạy con người là đút thức ăn vào mồm, trẻ sẽ lẫn lộn trong ứng xử, nhầm lẫn nghĩa bình đẳng và thân thiện.

Là người bình thường, tôi muốn con tôi thành người thật bình thường. Nếu con chúng ta có hơn con nhà khác ở điểm nào thì chỉ duy nhất một điều: chúng ta có nghĩa vụ nuôi, dạy, đầu tư tiền bạc và tâm sức mà không trông chờ vào ai, cũng không ai được quyền can thiệp nhân danh bất kể tình yêu thương kiểu gì.

Nhà giáo thì ai chẳng yêu trẻ, đặc biệt là các cô nuôi dạy trẻ. Các cô giáo dạy con tôi ở mẫu giáo dạy tôi một bài học về tình yêu thương: phải lý tính!

Bài viết trên đây của nhà văn Lê Minh Hà gửi từ nước Đức - không phải là một nghiên cứu giáo dục hay xã hội học mà là ghi chép các quan sát và cảm nhận riêng của một bà mẹ già vẫn còn con nhỏ - như cách chị nói. Tạp chí Phụ nữ Mới sẽ đăng từng phần một để bạn đọc có một bức tranh tương đối đầy đủ về một nền giáo dục mà nhiều bậc làm cha mẹ Việt Nam đang quan tâm.

Lê Minh Hà

Vai trò của hứng thú và trải nghiệm trong giáo dục

Vai trò của hứng thú và trải nghiệm trong giáo dục

Các nghiên cứu giáo dục đều rất coi trọng vai trò của hứng thú trong việc học của con trẻ. Nếu không có hứng thú sẽ không có đam mê, sáng tạo.