![]() |
Trao quyền cho đại học trong tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài khoa học. Ảnh minh họa: ITN |
Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo đang trở thành trụ cột phát triển quốc gia, Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đã đưa ra một loạt đề xuất nhằm trao quyền chủ động mạnh mẽ hơn cho các trường đại học trong việc thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài khoa học cả trong và ngoài nước. Đây được xem là bước đi chiến lược để giáo dục đại học Việt Nam thực sự trở thành trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo là đề xuất trao quyền cho các trường đại học tự quyết về chế độ đãi ngộ, bổ nhiệm và sử dụng nhân lực khoa học, thay vì phải tuân theo các khung quy định cứng như trước đây. Theo đó, các trường có thể chủ động xây dựng chính sách đãi ngộ theo năng lực, vị trí và đóng góp thực tế của từng cá nhân, không phân biệt quốc tịch hay nơi cư trú.
Không chỉ dừng ở việc “mở cửa” thu hút giáo sư, tiến sĩ trong nước, dự luật còn cho phép các trường bổ nhiệm và sử dụng nhà khoa học người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài vào các vị trí chuyên môn hoặc quản lý. Đây là một thay đổi đáng chú ý, bởi trước đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học trong nước gặp khó khăn khi tiếp nhận chuyên gia quốc tế do vướng mắc về thủ tục, cơ chế lương thưởng và quyền lợi lâu dài.
Bên cạnh đó, các trường được quyền định giá, sở hữu, khai thác và phân chia lợi ích từ kết quả nghiên cứu một yếu tố quan trọng giúp khuyến khích nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn và thị trường.
Không chỉ tập trung vào con người, dự thảo còn mở rộng quyền cho các trường trong việc thành lập tổ chức nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ ngay trong khuôn viên trường đại học. Các đơn vị này có thể sử dụng các nguồn lực hợp pháp, trong đó có hợp tác công – tư, để triển khai hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ.
Dự luật khuyến khích việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời cho phép xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế và phát triển hệ thống thông tin khoa học, tạp chí chuyên ngành, tài sản trí tuệ ngay trong nhà trường.
Tư duy mới này phù hợp với xu hướng quốc tế nơi mà đại học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là trung tâm tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Một trong những mục tiêu cụ thể mà Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng từ dự thảo là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, đồng thời mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, vật liệu mới...
Đây là phản ứng cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ. Theo số liệu năm 2024 của Bộ, chỉ có 9% và 12% thí sinh nhập học vào các ngành Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin con số quá thấp so với nhu cầu phát triển hiện nay và trong tương lai gần.
Việc giao quyền tự chủ tuyển dụng, đồng thời gắn với cơ chế tài chính minh bạch, sẽ giúp các trường có khả năng thu hút giảng viên, nhà nghiên cứu đầu ngành, thay vì để họ "rơi" vào các cơ sở đào tạo quốc tế có điều kiện làm việc và đãi ngộ tốt hơn.
Cùng thời điểm, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng Đề án trọng dụng nhân tài, trình Chính phủ trong tháng 9. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhân tài chỉ thực sự phát lộ khi được đặt trong môi trường đủ thách thức và trọng dụng. "Chính những việc lớn sẽ là thỏi nam châm thu hút người tài," ông nhấn mạnh.
Theo đó, Nhà nước sẽ kiến tạo một môi trường rộng mở, nơi những ý tưởng mới được chấp nhận rủi ro, mô hình mới được thử nghiệm, và người tài được tự do thể hiện năng lực. Đây là điểm mấu chốt để giữ chân trí thức, đặc biệt là những người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài có nguyện vọng đóng góp cho quê hương.
Tự chủ đại học không còn là lựa chọn, mà là đòi hỏi tất yếu nếu Việt Nam muốn tăng tốc đổi mới sáng tạo và bước vào nhóm quốc gia phát triển dựa trên tri thức. Việc trao quyền cho các trường trong sử dụng và phát triển nhân lực không chỉ là bước đi về cơ chế, mà còn thể hiện niềm tin của Nhà nước đối với cộng đồng học thuật.
Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tế, đòi hỏi phải có những hướng dẫn cụ thể, đồng bộ giữa các luật liên quan từ quản lý công, tài chính công đến lao động và sở hữu trí tuệ. Bài toán không chỉ nằm ở việc "mở" quyền, mà còn ở chỗ hỗ trợ các trường đủ năng lực thực hiện quyền đó một cách hiệu quả và minh bạch.
Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, giảng viên, sinh viên và các tổ chức liên quan. Trong bối cảnh thế giới cạnh tranh gay gắt về chất xám, chính sách cởi mở và thực chất chính là nền tảng để Việt Nam tiến xa trên bản đồ đổi mới toàn cầu.
Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.