Sự việc phụ huynh trường Quốc tế TP.HCM tố con bị bạn đánh gây ra nhiều thương tích trên cơ thể khiến dư luận xôn xao, chuyên gia giáo dục nói gì?
Chiều 26/5, bà T.H.T., một phụ huynh trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC-AA) ở An Phú, TP Thủ Đức đã livestream tố cáo sự việc con bị bạn cùng trường đánh, gây ra nhiều thương tích.
Trong livestream bà T.H.T chia sẻ, cách đây một tuần, nhà trường tổ chức cho các con đi du lịch Hồ Tràm. Lúc ăn, con chị giữ ghế để bạn đi lấy đồ ăn. Một học sinh lớp 8 muốn lấy ghế đó. Con trả lời “ghế có người ngồi rồi”. Em kia nói nặng lời nhưng con gái bà T.H.T. không phản ứng lại.
Thương tích của các nữ sinh sau khi bị đánh. Hình ảnh được cắt từ livestream của nhân vật |
Theo lời kể của vị phụ huynh này, ngày 26/5 con gái bà bị chính nữ sinh đó đấm vào ngực trong khuôn viên trường, giáo viên nhìn thấy nhưng không can ngăn. Ngay sau ngày đầu tiên bị đánh, con gái của bà bị sang chấn tâm lý nặng nề, và hiện tại đang trong trạng thái khó thở.
Bà T.H.T. thông tin, nhà trường trả lời bà rằng sẽ cho số điện thoại của phụ huynh học sinh kia để 2 bên tự giải quyết với lý do "việc xảy ra bên ngoài trường". Vị phụ huynh này cho rằng trong vụ việc, nhà trường thiếu tôn trọng, lắng nghe phụ huynh, không ai nhận trách nhiệm bảo vệ con họ. Bà T.H.T cho biết phải cho con tạm dừng đến trường vì lo ngại con không an toàn.
Về phía nhà trường, chiều 27/5, Andy Tay – Giám đốc điều hành, ông Nathan Swenson – Hiệu trưởng đã có thông tin với báo chí. Ông Andy Tay cho biết, hôm 26/5, Ban Giám hiệu có nhận được thông tin có xảy ra một vụ xung đột bên ngoài nhà trường.
Thầy Hiệu trưởng đã có mặt ở bên ngoài, đưa các bạn học sinh này vào trường đưa các em đi kiểm tra y tế. Khi thấy các em không có vấn đề gì về mặt sức khỏe, thì các em được cho về phòng.
Khi đang trao đổi với học sinh, thì phụ huynh T.H.T xuất hiện trong nhà trường, đòi nói chuyện với học sinh đã đánh con của bà . Theo đúng quy định thì nhà trường sẽ không để người này tiếp xúc với học sinh khác.
Sau đó, bà T đã livestream quá trình làm việc với trường lên mạng xã hội bày tỏ bức xúc. Ngày 28/5, bà T tiếp tục livestream chủ đề này, thu hút hàng triệu lượt xem.
Liên quan đến vụ việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Công văn số 2217/BGDĐT-GDCTHSSV đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc trước ngày 31/5/2022, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Trao đổi với PV Tạp chí Phụ nữ Mới, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng cách xử lý của nhà trường tuy không tinh tế, khéo léo nhưng cũng không hề sai:
“Thực ra, khi học sinh có những xích mích với nhau và nhà trường đưa số điện thoại để phụ huynh học sinh trao đổi với nhau thì câu chuyện đấy cũng không có gì là sai cả. Nếu như hai bên không hòa giải được thì nhà trường bắt buộc phải can thiệp. Nhưng nhà trường phải nói rõ quy trình giải quyết sự việc cho phụ huynh để phụ huynh hai bên được biết. Đầu tiên là để cho các phụ huynh bình tĩnh để nói chuyện với nhau, phụ huynh mà không bình tĩnh được thì lúc đấy nhà trường sẽ can thiệp, nhưng nhà trường can thiệp thì cũng sẽ phải tập trung, bảo vệ quyền lợi cho mọi đứa trẻ.”
Theo chuyên gia, trong sự việc các con đều chưa đến 18 tuổi, các con có dễ có những hành vi sai, do đó cần phải quan tâm giúp đỡ, giáo dục cho các con. Trường hợp phụ huynh của bạn khác đến trường gặp, cũng có thể mất bình tĩnh mà đe dọa trẻ, khiến trẻ sợ hãi. Do đó, nhiệm vụ của nhà trường “là phải bảo vệ tất cả đứa trẻ chứ không phải chỉ bảo vệ riêng con của một người nào đó”, tìm cách hòa giải và giáo dục cho trẻ về những hành vi sai.
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội). Ảnh: FBNV |
Liên quan đến cách giải quyết của phụ huynh trong sự việc này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc chưa tìm hiểu rõ mà kéo đến tận trường “đánh hội đồng” rồi livestream đưa lên mạng xã hội, đó là “cách ứng xử thiếu trưởng thành”.
“Phải nói thật là khi trẻ có những xô xát, dẫn tới trầy xước hay kể là bị bạn đánh thì cũng không phải là hoàn toàn là chỉ có lỗi tại bạn không đâu. Có thể là do trẻ có những mâu thuẫn hoặc là xích mích, hoặc là cách thức ăn nói giữa người này với cả người khác... cũng khiến trẻ có những hành vi quá khích. Cho nên là phụ huynh chúng ta cũng cần hết sức bình tĩnh và khoan hồng. Thứ hai, trẻ con phạm lỗi là chuyện rất dễ gặp, bọn trẻ mắc lỗi bản thân nó đã sợ rồi, xong lại bị phụ huynh của bạn khác đến căn vặn và một mình trẻ phải ứng phó thì trẻ sẽ rất hoang mang và lo sợ. Rồi phụ huynh còn quay lại video và tung lên mạng xã hội, làm lộ danh tính và thông tin cá nhân của trẻ thì đó là một cách hành xử thiếu nhân văn”, ông Trần Thành Nam chia sẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam khuyến cáo khi con bị bạn đánh tại trường, phụ huynh nên bình tĩnh, trao đổi thẳng thắn với giáo viên, nhà trường để tìm hiểu và giải quyết sự việc một cách hợp lý nhất. “Chúng ta nên xác định là tất cả những việc mà chúng ta làm chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ, không phải chỉ của con mình mà cả những trẻ khác nữa”.