Cô gái khiếm thị lái máy bay xuyên nước Mỹ

Kaiya hy vọng hành trình sẽ đọng lại trong tâm trí những người khiếm thị ủng hộ mình, như cách cảnh sắc rực rỡ in đậm trong tâm trí cô.

Kaiya Armstrong (22 tuổi) đã hạ cánh an toàn xuống bang Kentucky, sau khi lái chiếc máy bay xuyên nước Mỹ trong hành trình 5 ngày với 3.200km. Cô đã lái chiếc Cessna xuất phát từ quê nhà Arizona ở tây nam Mỹ đến New Mexico và đi qua miền trung tây Mỹ. Ở chặng cuối, Kaiya bay từ bang Kentucky ở đông nam Mỹ đến sân bay College Park.

Đồng hành cùng Kaiya là một phi công phụ. Người này giao tiếp với cô trong suốt các chuyến bay, cung cấp cho Kaiya các thông tin quan trọng theo thời gian thực.

  Kaiya Armstrong dừng tại Kentucky ngày 11/10. Ảnh: Wave News.

Kaiya Armstrong dừng tại Kentucky ngày 11/10. Ảnh: Wave News.

Theo Cơ quan Phòng chống Mù lòa Quốc tế (IAPB), Kaiya đã đẩy nhanh lịch trình sớm hơn một ngày vì dự báo thời tiết xấu. Cô vốn lên kế hoạch hạ cánh vào 13/10, Ngày Thị giác Thế giới.

Ông Marc Ashton, Giám đốc điều hành IAPB, thông tin, chuyến hành trình của Kaiya được tài trợ bởi Tổ chức vì Trẻ em khiếm thị. Tổ chức có trụ sở tại bang Arizona (Mỹ).  Ông Ashton chia sẻ: "Khoảnh khắc Kaiya hạ cánh và vinh quang tiến về phía chúng tôi đã thực sự gieo lên niềm tin cho những đứa trẻ". Ngoài ra, ông cũng tiết lộ, chuyến hành trình được thiết kế để truyền cảm hứng, cho thấy nếu một cô gái khiếm thị có thể lái máy bay xuyên Mỹ thì những người dù có hạn chế về thị lực đều có thể trở thành bất cứ ai họ muốn.

Thông điệp cổ vũ trên đã lan tỏa đến các em trong tổ chức khi cả nhóm hồi hộp đợi chờ khoảnh khắc Kaiya hạ cánh. Marilin Huinac, học sinh 16 tuổi, cho biết: "Kaiya thực hiện chuyến bay này vì chúng tôi để cho thấy chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì, giống như Kaiya vẫn thường nói - không gì là không thể".

Thị lực của Kaiya giảm sút kể từ năm cô 14 tuổi .Nhiều lần khi lái xe đạp, Kaiya cảm thấy cảnh vật trở nên mờ nhạt trong vòng vài phút. Cô đã rất chán nản trong những năm đầu. 

Trải qua 3 cuộc phẫu thuật, tình trạng của Kaiya không tiến triển tốt. Phải qua nhiều năm, các bác sĩ mới có thể đi đến kết luận một căn bệnh tự miễn dịch đã khiến cô gái trở thành người khiếm thị. Cô thường xuyên bị ngã, liên tục va vào các đồ vật. Đến năm cuối cấp, gia đình đã mua cho cô một cây gậy dò đường và học cách sử dụng trên mạng xã hội YouTube.

Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi cô tham gia Quỹ Vì trẻ em khiếm thị. Tổ chức đã hỗ trợ Kaiya học chữ nổi Braille và theo học ngành tội phạm học tại một trường đại học cộng đồng. Đồng thời tạo cơ hội học bay cho Kaiya. Trước khi bắt đầu chuyến hành trình, Kaiya đã tham gia một khóa học chuyên sâu kéo dài nhiều tháng.

Mặc dù chỉ thấy lờ mờ, Armstrong mô tả cảm giác khi bay lên “rất yên bình”, cô vẫn thoáng “thấy” được những mảng xanh lớn của rừng cây, màu xanh lam của sông hồ hay màu nâu của đường đất. 

Trong suốt khóa học, Kaiya được hướng dẫn bởi Tyler Sinclair. Tyler chia sẻ: "Kaiya điều khiển chiếc phi cơ suốt các chặng đường, tôi chỉ ở bên cạnh để trò chuyện và điều hướng".

Kaiya nói: "Đây là một chuyến hành trình tuyệt vời, không chỉ với tôi mà còn với gia đình tôi và cả cộng đồng những người khiếm thị. Đó là điều tôi muốn mọi người nhỡ mãi".

“Chuyến bay này được thiết kế để truyền cảm hứng, cho thấy rằng nếu một người phụ nữ mù có thể bay khắp đất nước, thì những người mù hoặc bị hạn chế tầm nhìn có thể cố gắng trở thành bất cứ điều gì họ chọn trong đời”, Marc Ashton, CEO Quỹ Vì trẻ em khiếm thị, nói với Washington Post.

Thanh Mai