Giá bất động sản đang không chỉ phản ánh những vấn đề nội tại của thị trường, mà còn nảy sinh tâm lý bất an cho sự phát triển bền vững của ngành địa ốc.
Nhiều ý kiến cho rằng giá bất động sản thời gian vừa qua tăng vô lý, tăng ảo, nhưng với người bám thị trường lâu năm, diễn biến này là có căn cứ bởi nguồn cung mới tại 2 thị trường lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội gần như không có, giá giao dịch thứ cấp sản phẩm chung cư diện tích từ 65-100 m2 đã tăng từ 300-700 triệu đồng/căn.
Giá tăng quá mạnh và lệch pha cung - cầu, sản phẩm đang khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu bền vững. Đơn cử, tại Hà Nội, theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ giá từ 2-4 tỷ đồng đã tăng mạnh từ 15% (năm 2018) lên 85% năm 2022, trong khi căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng chỉ ở mức 12%. Ngoài ra, nếu theo kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội, đến năm 2025, Thành phố cần tới 166.600 căn hộ, nhưng nguồn cung dự kiến chỉ có thể đạt 70.000 căn, tức thiếu hụt đến 96.600 căn. Khan hiếm nguồn cung là lý do chính khiến khó ghìm cương giá nhà.
Nếu nhìn vào diễn biến giá thì giá bất động sản năm 2022 đã tăng thấp hơn các năm trước, đây có thể coi là một bước điều chỉnh của thị trường. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thị trường thế giới sau hơn 2 năm tăng giá mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lạm phát… và hiện đang bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Bối cảnh thị trường dường như đang “lạc nhịp” với bức tranh tăng trưởng kinh tế chung khi GDP quý III/2022 tăng trưởng mạnh, ở mức 13,67%, nhưng thị trường địa ốc lại tắc thanh khoản, giao dịch èo uột, giá bất động sản không ngừng tăng cao, doanh nghiệp “không vướng cái nọ, thì tắc cái kia”…
“Pháp lý dự án bị siết chặt, dự án không được cấp mới, dòng tiền cũng khó tiếp cận hơn trước, giờ nhiều chủ đầu tư lẫn người mua nhà đều không vay được vốn ngân hàng nên khó có thể tham gia mạnh mẽ vào thị trường”, đại diện một doanh nghiệp địa ốc quy mô lớn tại TP.HCM cho hay.
Đặc biệt, sau vụ việc lãnh đạo một loạt doanh nghiệp bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh, FLC và mới nhất là Vạn Thịnh Phát vướng vòng lao lý, tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp là bật chế độ “ngủ Đông” hoặc hoạt động một cách âm thầm hơn.
Đại diện một chủ đầu tư phía Bắc cho biết, cách đây 2 năm, các phòng ban của công ty này luôn sáng đèn đến tận 7-8 giờ tối các ngày trong tuần, thì nay chỉ 4 giờ chiều đã tan sở vì không có việc.
“Các dự án tạm dừng triển khai để thanh tra, hiện công ty chỉ còn duy nhất một dự án đang hoàn thành nên lượng việc không đáng kể, có giữ người lao động ở lại văn phòng cũng chẳng để làm gì nên đành phải chấp nhận thực tế đến muộn, về sớm của người lao động”, vị này thở dài nói.
Một xu hướng nữa là giá bất động sản vẫn tăng ở nhiều phân khúc dù thực tế thị trường đang trong giai đoạn khó khăn đang đặt ra những quan ngại về tính bền vững, sự an toàn của thị trường.
Tổng Hợp