Có một nghịch lý là TikTok phổ biến khắp thế giới nhưng lại không tồn tại ở Trung Quốc

TikTok đang đấu tranh để tồn tại ở Mỹ khi áp lực ngày càng tăng từ Washington trong việc cấm ứng dụng này do lo ngại nó gây tổn hại an ninh.

Có một nghịch lý là nền tảng cực kỳ phổ biến này, được phát triển bằng công nghệ nội địa của Trung Quốc, nhưng nó không thể truy cập được ở Trung Quốc mà được thay thế bằng một phiên bản khác có tên là Douyin.

Cả hai đều thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh, và Douyin đã ra mắt trước TikTok và trở thành cơn sốt ở Trung Quốc. Việc phát triển mạnh mẽ của Douyin đã trở thành nền tảng cho TikTok và là chìa khóa thành công toàn cầu của TikTok.

TikTok phổ biến khắp thế giới nhưng không tồn tại ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance ở Palo Alto, California vào tháng 3/2020. Ảnh: Shannon Stapleton/Reuters.

Nhưng hai nền tảng, bề ngoài giống nhau, nhưng thực ra nó hoạt đông theo các quy tắc hoàn toàn khác nhau.

Douyin mới là ứng dụng phổ biến ở Trung Quốc

Douyin có con số khổng lồ 600 triệu người dùng mỗi ngày. Giống như TikTok, đây là một ứng dụng video dạng ngắn.

Ra mắt vào năm 2016, Douyin là công cụ kiếm tiền chính cho ByteDance nhiều năm trước TikTok ra đời, thu về doanh thu thông qua tiền tài trợ trong ứng dụng và phát trực tiếp.

ByteDance được thành lập bởi Zhang Yiming, một cựu nhân viên của Microsoft và lần đầu tiên được biết đến với ứng dụng tin tức Jinri Toutiao hay "Today's Headlines", ra mắt vào năm 2012 ngay sau khi công ty được thành lập.

Toutiao đã tạo nguồn cấp tin tức cho từng người dùng và nền tảng này nhanh chóng thu hút người dùng, với trung bình mỗi người dùng dành hơn 70 phút mỗi ngày trên nền tảng này.

ByteDance đã áp dụng công thức tương tự cho Douyin.

Sau đó, vào năm 2017, công ty công nghệ tư nhân này đã mua một công ty khởi nghiệp video có trụ sở tại Mỹ và phát hành TikTok dưới dạng phiên bản Douyin ở nước ngoài. Công ty này cũng đã mua ứng dụng hát nhép nổi tiếng musical.ly và chuyển những người dùng từ ứng dụng này sang TikTok vào năm 2018.

Tính phổ biến của ứng dụng đã lan ra toàn cầu. Vào năm 2021, TikTok đã đạt hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng trên khắp thế giới.

TikTok phổ biến khắp thế giới nhưng không tồn tại ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Selina Wang của CNN chụp ảnh bằng TikTok (trái) và Douyin (phải). Douyin áp dụng bộ lọc làm đẹp tự động.

Giao diện của TikTok và Douyin trông giống nhau, nhưng khi người dùng bật máy điện thoại lên, có một điểm khác biệt rõ ràng: Douyin có bộ lọc làm đẹp tự động, giúp làm mịn da và thường xuyên thay đổi hình dạng khuôn mặt của một người.

Phụ nữ Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp, trong đó nhấn mạnh đến vóc dáng thanh mảnh, đôi mắt to, làn da căng bóng và gò má cao.

Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tăng cao. Từ năm 2014 đến 2017, số người phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi. Trong khi đó, các ứng dụng làm đẹp cạnh tranh để tạo ra các bộ lọc hiển thị cho người dùng những phiên bản đẹp hơn.

Mặc dù TikTok cũng có các bộ lọc làm đẹp, người dùng có thể chọn khi quay phim nhưng nó không khởi chạy tự động.

Một điểm khác biệt lớn nữa giữa TikTok và Douyin là thị trường mua sắm trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc.

TikTok phổ biến khắp thế giới nhưng không tồn tại ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Một người đang phát trực tiếp trên Douyin với thông tin chi tiết về sản phẩm được hiển thị trên màn hình. Ảnh: Douyin.

Doanh số bán sản phẩm trực tuyến là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD ở Trung Quốc đại lục và đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch.

Tính đến tháng 6 năm ngoái, đã có hơn 460 triệu người dùng thương mại điện tử phát trực tiếp ở Trung Quốc đại lục, theo Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế của Học viện Trung Quốc, một cơ quan trực thuộc Bộ thương mại Bắc Kinh.

Trung Quốc quy định nghiêm ngặt đối với người dùng

Douyin là một nền tảng chính dành cho những người phát trực tiếp, cùng với Taobao, thị trường trực tuyến giống như eBay của Alibaba (BABA).

Một điểm khác biệt quan trọng khác là Douyin nghiêm ngặt hơn nhiều đối với người dùng trẻ tuổi.

Người dùng dưới 14 tuổi chỉ có thể truy cập nội dung an toàn cho trẻ em và sử dụng ứng dụng chỉ trong 40 phút mỗi ngày. Ngoài ra, nhóm người này không thể sử dụng ứng dụng từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng hạn chế chứng nghiện trò chơi điện tử và các thói quen trực tuyến không lành mạnh khác. Nước này đã công bố lệnh giới nghiêm đối với trò chơi trực tuyến dành cho trẻ vị thành niên vào năm 2019, trước khi cấm hoàn toàn trò chơi trực tuyến vào các ngày trong tuần đối với trẻ vị thành niên.

TikTok phổ biến khắp thế giới nhưng không tồn tại ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Douyin có những hạn chế dành cho người dùng dưới 14 tuổi. Ảnh: Douyin.

Ngay cả trong hầu hết các ngày cuối tuần, người dùng dưới 18 tuổi chỉ được phép chơi trong ba giờ.

Clark cho biết: "Có rất nhiều thái độ tự do ở Mỹ đối với nội dung, thậm chí cả nội dung nhắm mục tiêu đến thanh thiếu niên và những người dễ bị tổn thương. Chính phủ Trung Quốc đã dựa nhiều hơn vào quy định ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của Douyin, đặc biệt là bảo vệ những người trẻ tuổi".

TikTok đã thực hiện một số bước tương tự vào đầu tháng này, thông báo rằng mọi người dùng dưới 18 tuổi sẽ sớm có tài khoản mặc định ở giới hạn thời gian sử dụng hàng ngày là một giờ, mặc dù người dùng tuổi teen sẽ có thể tắt cài đặt mặc định mới này.

Tuy nhiên, TikTok không phải là nền tảng do Trung Quốc sở hữu duy nhất đạt được thành công ở Mỹ.

Trong số 10 ứng dụng miễn phí phổ biến nhất trên cửa hàng ứng dụng của Apple (AAPL) tại Mỹ, có 4 ứng dụng được phát triển bằng công nghệ Trung Quốc.

Bên cạnh TikTok, còn có ứng dụng mua sắm Temu, nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein và ứng dụng chỉnh sửa video CapCut, cũng thuộc sở hữu của ByteDance.

TikTok vẫn cực kỳ phổ biến ở Mỹ với hơn 150 triệu người dùng hàng tháng - gần một nửa dân số Mỹ.

Vẫn còn phải xem liệu TikTok có thể thuyết phục các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng nó không gây ra mối đe dọa nào hay không – nhưng cuộc đọ sức ở Washington đã làm nổi bật những câu hỏi lớn hơn về bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu có thể khiến các ứng dụng khác bị loại bỏ.

Clark cho biết những ứng dụng này có thể tiếp tục phát triển ở Mỹ. Ông cho biết Mỹ cần một "khuôn khổ tinh vi hơn để quản lý các công ty công nghệ lớn", xét đến số lượng nhà đầu tư và người dùng trên các nền tảng của nước ngoài.

Clark cho biết: "Họ cũng cần suy nghĩ về việc nâng mức đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cao đến mức nào và hậu quả của việc loại trừ hoàn toàn 4 trong số 10 ứng dụng hàng đầu".

"Cái gì sẽ thay thế chúng? Và điều đó sẽ diễn ra như thế nào? Và điều đó công bằng như thế nào đối với các nhà đầu tư vào các ứng dụng đó so với người dùng ở Mỹ", ông nói thêm. "Đó là một mớ hỗn độn".

(Nguồn: CNN)

N.MINH