Có nên đánh cược ôm hàng?

Thị trường bất động sản vừa trải qua cơn sốt nóng cục bộ tại một số địa phương, đã phải đổi mặt với tác động mạnh từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Có nên đánh cược ôm hàng hay vay tiền để giữ đất hay bán bớt để nhẹ nợ?

Báo cáo tháng 6 của ngân hàng HSBC khuyên cáo "cẩn trọng với những rủi ro trong lĩnh vực bất động sản". Lý giải về tiêu đề này, các chuyên gia HSBC nhận định, bất động sản là lĩnh vực có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, không chỉ bởi đóng góp cho tăng trưởng chung mà còn vì những rủi ro dai dẳng của ngành này. Đáng chú ý, theo HSBC, các thông tin công khai cho thấy, giá nhà ở các thành phố lớn tăng lên trong vòng hai năm qua, đặc biệt ở phân khúc xa xỉ.

Tình trạng giá nhà tăng cao liên tục trong các năm gần đây do thiếu hụt nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở, vô hình chung đã tạo lợi thế (không công bằng) cho một số doanh nghiệp đã có sẵn dự án, có sẵn sản phẩm nhà ở, giữ thế áp đảo thị trường, áp đặt được giá bán và thu được lợi nhuận rất cao, thậm chí là “siêu lợi nhuận”.  Thực tế cho thấy thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất bị khủng hoảng sốt “bong bóng” hoặc bị “đóng băng” đều tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đến các chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp, nhà tư vấn, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thiết bị, các ngân hàng, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, người tiêu dùng, nhất là công nhân, lao động. Nếu không kịp thời xử lý thì sẽ dẫn đến các hệ lụy khó lường. Do đó, rất cần sự can thiệp kịp thời và hiệu quả của Nhà nước để bình ổn thị trường này.

Dù trên thực tế, thị trường đã chững lại nhưng mặt bằng giá nhà đất không hề sụt giảm, thậm chí còn có xu hướng tăng. Giá đất ở những khu vực ngoại thành TP.HCM và Hà Nội liên quan tới các đồ án quy hoạch tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm.

Nhà đầu tư có vốn mạnh tay lựa chọn sản phẩm bất động sản tốt, có tính pháp lý đầy đủ và sở hữu khả năng thanh khoản cao. Mặt khác, vị chuyên gia này cũng khuyến nghị, nhà đầu tư cần chuẩn bị khoản dự phòng, tránh đổ hết tiền vào đất, đề phòng dịch bệnh kéo dài làm suy giảm nguồn lực tài chính, có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Trước hầu hết những nhận định không lạc quan về nội tại của thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư đang đứng trước bài toán đầu tư cân não: Nên ôm hàng hay bán bớt? Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trên cơ sở nhận định này, Bộ Xây dựng yêu cầu phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và bền vững.

Từ tháng tư đến nay, tại những khu vực sốt đất trước đó, thị trường đã không còn “nhảy múa”. Mức độ quan tâm đất nền trong tháng tư đã giảm 18% so với tháng trước. Các tỉnh từng là điểm nóng về bất động sản như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... đều sụt giảm về mức độ quan tâm. Chẳng hạn, Hải Phòng giảm 36%, Bắc Ninh giảm 29%, Đà Nẵng giảm 21%... Mức độ quan tâm tới thị trường chung cư cũng giảm mạnh. Tại Hà Nội, nhu cầu mua bán căn hộ trong tháng tư giảm 22% so với tháng ba. Trong đó, lượng tìm kiếm chung cư phân khúc bình dân và cao cấp giảm 21%, phân khúc trung cấp giảm 22%. Không chỉ giảm về số lượt tìm kiếm, lượng tin đăng rao bán cũng giảm 8% so với tháng trước. Mức giảm mạnh nhất là phân khúc cao cấp với 11%, còn phân khúc trung cấp và bình dân giảm 7%.

Sau những giải pháp quyết liệt của nhiều địa phương, cùng tác động từ diễn biến phức tạp của dịch Covid,  cơn sốt đất đã lắng xuống, giao dịch có xu hướng chững lại. Tuy vậy, giá nhà đất vẫn tăng mạnh trên diện rộng, chủ yếu là do bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn cả trong trung và dài hạn.

Cương Nguyễn