COVID-19 chiều 29/4: Thêm 45 ca mắc mới, trong đó 5 tại Hà Nam, Philippines ghi nhận hơn 8.000 ca

Tính đến 18 giờ ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận thêm 45 ca mắc mới COVID-19; trong đó có 5 ca lây nhiễm từ 1 người đã hoàn thành cách ly, là BN2899.

Số ca mắc ở Việt Nam

Đó là các bệnh nhân: BN2899, BN2901, BN2903, BN2908-BN2909 (là các ca trong 1 gia đình tại Hà Nam) và BN2910 (tại thành phố Hồ Chí Minh).

Đây là chùm ca bệnh liên quan đến bệnh nhân BN2899 từ Nhật Bản trên chuyến bay VJ3613 nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng ngày 7/4/2021, được cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng.

Ngày 22/4 bệnh nhân hoàn thành cách ly, có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính, được về cách ly tại địa phương. Ngày 24/4 bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng ho, sốt, đau họng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện 5 bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, 1 bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Tính từ 6h đến 18h ngày 29/4: 45 ca mắc mới, trong đó có 39 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

45 ca mắc mới (BN2866-2910), trong đó có 39 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Cần Thơ (17), Long An (2), BRVT (12), Khánh Hòa (1), Nghệ An (1), Vĩnh Phúc (2), Đà Nẵng (4) và 5 ca lây nhiễm từ 1 ca đã hoàn thành cách ly sau nhập cảnh (5 ở Hà Nam, 1 ở TPHCM).

btr-byt.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Trịnh Thị Thuỷ kiểm tra thực tiễn khu cách ly, khoanh vùng chống dịch tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chiều tối ngày 29/4. Ảnh:Thái Bình

Philippines ghi nhận hơn 8.000 ca mắc mới

Ngày 29/4, Bộ Y tế Philippines thông báo quốc gia này ghi nhận thêm 8.276 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên là 1.028.738 ca.

Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 tại Philippines cũng tăng thêm 114 ca trong một ngày qua, lên tổng số 17.145 ca.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 29/4, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho biết làn sóng dịch bệnh mới nhất tại nước này đã qua thời kỳ đỉnh điểm trong tuần đầu tiên của tháng 4 và gần một nửa số ca mắc được ghi nhận ở vùng đô thị Manila. Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cảnh báo tỷ lệ ca nhiễm hằng ngày tại Philippines tính trung bình vẫn đang ở ngưỡng nguy hiểm.

210328214042-01-philippines-coronavirus-lockdown-0329-exlarge-169.jpg
Các nhân viên cảnh sát kiểm tra những người lái xe ô tô vào ngày 29/3/2021 tại một trạm kiểm dịch ở Marikina, Metro Manila, Philippines, vì việc kiểm dịch nghiêm ngặt được áp dụng lại ở Manila và các tỉnh xung quanh để hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Tối 28/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa tại vùng đô thị Manila và 4 tỉnh phụ cận cho đến ngày 14/5 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhà lãnh đạo Philippines yêu cầu các quan chức địa phương đảm bảo người dân tuân thủ quy định đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người.

Kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1/2020, Philippines đã xét nghiệm cho 11 triệu người trên tổng số 110 triệu dân.

Lào ghi nhận 68 ca mắc mới COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục có số người mắc mới cao nhất với 34 ca, tiếp đó là tỉnh Champasak ghi nhận 11 ca, Bokeo 10 ca, Luang Prang 8 ca...

Mặc dù số ca tại thủ đô Viêng Chăn giảm, nhưng việc số ca nhiễm mới ở Champasak, Luang Prabang, Bokeo và một loạt tỉnh khác ở Bắc Lào không có dấu hiệu giảm cho thấy dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Lào.

gs-long.jpg
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Lào đang gặp phải khi ứng phó dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp và khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phòng chống COVID-19 ở Việt Nam . Ảnh: Trần Minh

Tính tới thời điểm hiện tại toàn bộ 18/18 tỉnh/thành của Lào đều đã áp dụng lệnh phong tỏa; 15/18 tỉnh/thành đã có người mắc COVID-19, trong đó có 8/10 tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với 9/10 tỉnh của Việt Nam.

Theo thống kê của Hội Người Việt Nam tại tỉnh Champasak, Nam Lào, tính tới thời điểm hiện tại đã có 5 người Việt sinh sống tại tỉnh này mắc COVID-19. Như vậy, tổng cộng đã có 18 người Việt tại Lào mắc COVID-19.

Lào đã ghi nhận tổng cộng 672 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 600 ca phát hiện trong tháng 4 này và phần lớn là các ca lây nhiễm cộng đồng.

cambodia1-1619336909-161933692-3475-7130-1619337121_r_680x408.jpeg
Người dân chờ tiêm vaccine tại Phnom Penh, Campuchia ngày 22/4 - Ảnh: Reuters

Cùng ngày, trang Fresh News của Campuchia đưa tin đã có gần 2.000 công nhân thuộc 206 nhà máy tại nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi trên 17.000 người khác phải thực hiện cách ly.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, tại cuộc họp báo về việc thực hiện các biện pháp phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau, tỉnh Kandal ngày 28/4, ông Heng Sour, Quốc vụ khanh Bộ Lao động và Đào tạo nghề kiêm người phát ngôn bộ này cho biết trong số 206 nhà máy có công nhân nhiễm SARS-CoV-2, có 134 nhà máy ở Phnom Penh, 23 nhà máy ở tỉnh Kandal, 26 nhà máy ở tỉnh Takeo, 16 nhà máy tỉnh Preah Sihanouk, 4 nhà máy tại tỉnh Svay Rieng và tỉnh Kampong Chhnang, Kampong Cham mỗi tỉnh có 1 nhà máy.

Ông Heng Sour cũng cho biết các con số thống kê nêu trên có thể biến động vì cơ quan chức năng huyện Ang Snuol, tỉnh Kandal đang xét nghiệm COVID-19 và truy vết những trường hợp liên quan.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhất là trong thời gian Phnom Penh và Ta Khmau thực hiện phong tỏa, đã có hơn 690 nhà máy may mặc, giày dép và phụ kiện phục vụ du lịch, doanh nghiệp nhỏ tại 7.000 cơ sở thuộc thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến đời sống của trên 1,2 triệu công nhân.

Để hỗ trợ công nhân phải nghỉ việc do lệnh phong tỏa, Bộ Lao động Campuchia yêu cầu các chủ nhà máy trả 50% lương tháng 4 và một khoản hỗ trợ cho công nhân.

Thái Lan đã siết chặt các biện pháp phòng dịch

Tại Bangkok, các nhà chức trách Thái Lan đã siết chặt các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh làn sóng thứ 3 tại nước này đã khiến 94 người thiệt mạng từ đầu tháng đến nay.

Theo quy định mới, từ ngày 1/5, tại 6 tỉnh thuộc “vùng đỏ xẫm” (được kiểm soát đặc biệt, mức tối đa), trong đó có thủ đô Bangkok, các cửa hàng ăn uống sẽ không được phục vụ khách tại chỗ, trong khi việc tụ tập trên 20 người bị cấm.

Dịch vụ ăn uống tại nhà hàng được cho phép đến 9 giờ tối tại 45 tỉnh "vùng đỏ" và đến 11 giờ tối tại 26 tỉnh "vùng da cam". Các trung tâm mua sắm trên toàn quốc có thể mở cửa đến 9 giờ tối, trong khi các địa điểm giải trí ban đêm và trường học sẽ vẫn đóng cửa.

Thời gian cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh sẽ lại được kéo dài thành 14 ngày, bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào.

Trước đó, thời gian cách ly đã giảm xuống còn 7 ngày đối với công dân Thái Lan và 10 ngày đối với công dân nước ngoài.

Hiện nay, 73/77 tỉnh của Thái Lan, kể cả thủ đô Bangkok, đã áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, với mức phạt tối đa là 20.000 baht (640 USD) nếu vi phạm. Từ ngày 1/5, quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được áp dụng trên toàn quốc.

Thái Lan ngày 29/4 ghi nhận 1.871 ca nhiễm mới (trong đó có 7 ca nhập cảnh) và 10 ca tử vong.

Như vậy, tính đến nay Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 63.570 ca nhiễm, trong đó có 188 ca tử vong.

Tính riêng trong làn sóng lây nhiễm thứ ba, đã có 34.707 ca nhiễm và 94 ca tử vong.

Thông báo khẩn số 36 của Bộ Y tế

Bộ Y tế vừa có thông báo khẩn số 36 đề nghị những hành khách đi trên xe khách (43B-048.78) tuyến Đà Nẵng - Hà Nội xuất phát lúc 20h 30 ngày 21/4/2021 cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ; gọi điện đến các đường dây nóng cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình: 1900.9095 (Bộ Y tế); 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng); 0969.082.115/0949.396.115 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội).

Những hành khách trên cần khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.

(Tổng hợp)

PV