COVID-19 sáng 23/8: Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, thế giới có hơn 800.000 người tử vong

Sáng nay, Việt Nam không ghi nhận thê ca nhiễm Covid-19 mới, trong khi thế giới có hơn 800 ngàn người tử vong.

Bản tin 6h ngày 23/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19 nào được ghi nhận. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 130 trường hợp đã âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2.

Sáng nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.
Sáng nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 6h ngày 23/8: Việt Nam có tổng cộng 672 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 532 ca.

- Tính từ 18h ngày 22/8 đến 6h ngày 23/8: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 77.380, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 2.095

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 19.808

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 50.477

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: thời điểm này có 563 bệnh nhân/1014 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Tính đến sáng ngày 23/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 40 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 49 ca, số ca âm tính lần 3 là 41 ca.

- Số ca tử vong: 26 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

Trong khi đó theo trang thống kê worldometers.infor, tính đến 22h00 ngày 22/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 23.187.045 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 804.348 ca tử vong. 15.739.506 bệnh nhân đã hồi phục và 61.757 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. 

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 5.799.148 ca nhiễm và 179.240 ca tử vong. Tiếp đó là đến Brazil với 3.536.488 ca nhiễm và 113.454 ca tử vong; Ấn Độ có 2.985.367 ca nhiễm và 56.030 ca tử vong. 

Tại Đức, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo số ca nhiễm mới ở nước này trong 24 giờ qua đã lên tới 2.035 ca, mức cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 4/2020, nâng tổng số ca bệnh ở Đức lên tới trên 232.000 ca, trong đó có 9.267 ca tử vong.  Đức có ngày ghi nhận trên 6.000 ca nhiễm vào lúc cao điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, song sau đó đã giảm mạnh cho tới cuối tháng 7. Hiện dịch lây lan chủ yếu khi người dân tổ chức các buổi gặp mặt hay hay tiệc tùng quy mô lớn trong gia đình và bạn bè.

Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ trường hợp mang mầm bệnh về Đức khi đi du lịch từ nước ngoài. Theo một nghiên cứu của RKI, các hộ gia đình và nhà dưỡng lão là nơi dễ lây nhiễm dịch nhất, trong đó tỷ lệ lây nhiễm trung bình tại các hộ gia đình lên tới 3,2. Nguy cơ lây nhiễm cũng đặc biệt cao khi dịch bùng phát tại các cơ sở dành cho người tị nạn.    

Trước tình hình lây nhiễm tăng trở lại ở Đức, hai quốc gia vùng Baltic là Latvia và Litva đã yêu cầu từ đầu tuần tới, các trường hợp đến từ Đức phải cách ly trong hai tuần. Từ đầu tháng 6 vừa qua, Latvia và Litva đã mở cửa biên giới trở lại cho công dân các nước Liên minh châu Âu (EU) có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhập cảnh.

Theo quy định, công dân các nước có tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 16 ca/100.000 dân sẽ phải cách ly hai tuần khi vào hai nước này. Trong khi đó, số ca nhiễm tại nhiều nước châu Á tiếp tục gia tăng trong bối cảnh chính phủ các nước đang tăng cường công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để phát hiện bệnh. 

Ấn Độ ghi nhận thêm 69.878 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở nước này trên 60.000 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 2,98 triệu ca, chỉ sau Mỹ và Brazil. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ đã lên tới 55.794 ca sau khi có thêm 945 ca tử vong. Nước này đã thực hiện trên 1 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chỉ trong một ngày, mức cao kỷ lục mới. 

Trong khi đó, Philippines thông báo ghi nhận thêm 4.933 ca nhiễm mới và 26 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 187.249 ca và 2.966 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất và là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai sau Indonesia, nước có  6.594 ca tử vong trong tổng số 151.498 ca mắc bệnh. 

Còn tại Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh thông báo ghi nhận 332 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 17.002 ca. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Hàn Quốc kể từ ngày 8/3. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi Hàn Quốc xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 20/1, tất cả 17 tỉnh, thành lớn của Hàn Quốc đều đã có các trường hợp mắc bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ lan ra cả nước, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định mở rộng áp đặt giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc, bắt đầu thực hiện từ ngày 23/8. Trong khi đó, các nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đã quyết định nới lỏng các hạn chế nhập cảnh có thể ngay trong tháng này đối với sinh viên nước ngoài. Trước đó, lệnh hạn chế này được áp đặt để hạn chế sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.   

Cụ thể, những hạn chế đối với sinh viên nước ngoài trước hết sẽ được nới lỏng đối với những người được Chính phủ Nhật Bản bảo trợ và việc nới lỏng dự kiến sau đó sẽ được mở rộng cho sinh viên quốc tế tự túc. Tất cả người nước ngoài sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase để chứng minh rằng họ không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh Nhật Bản. Các sinh viên cũng sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 2 tuần để theo dõi sức khỏe.  

Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch vào đầu tháng tới sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm tái nhập cảnh đối với công dân nước ngoài có quy chế cư trú ở nước này. Nhật Bản hiện từ chối nhập cảnh đối với công dân từ 146 quốc gia và khu vực. Chính phủ Nhật Bản gần đây đã quyết định cho phép nhập cảnh đối với các doanh nhân đến từ 16 nước, trong đó có Việt Nam và Thái Lan.

Trong một diễn biến liên quan, Nhật Bản và Campuchia đã nhất trí mở lại biên giới cho người nước ngoài, có thể bắt đầu từ đầu tháng 9, với điều kiện họ phải tuân thủ thời gian tự cách ly 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác đối với dịch COVID-19.

Đây là thỏa thuận thứ ba như thế mà Nhật Bản đã đạt được trong tháng này sau các thỏa thuận với Singapore và Malaysia, trong bối cảnh Tokyo tìm cách nới lỏng dần các hạn chế đối với việc nhập cảnh của công dân nước ngoài từ gần 146 quốc gia và khu vực kể từ khi sự bùng phát đại dịch COVID-19.

MINH UYÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương