Các nhà sử học sẽ viết rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tính toán sai lầm khi tin rằng châu Âu sẽ thất bại nếu ông xâm lược Ukraina vì khu vực này phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức có tác dụng theo cả hai chiều: Châu Âu phụ thuộc vào dầu khí của Nga, nhưng Nga lại phụ thuộc rất nhiều vào thị trường năng lượng châu Âu.
Với sự phụ thuộc hai chiều này, Tổng thống Putin lẽ ra nên được khuyên trì hoãn hành động tấn công Ukraina và các khách hàng ở phương Tây cho đến khi ông có được thị trường năng lượng tương đương ở phương Đông, nhưng ông đã không làm theo lời khuyên ấy.
Tệ hơn nữa, việc ông Putin coi năng lượng như một thứ vũ khí đã buộc người châu Âu phải tìm các nhà cung cấp năng lượng mới thay thế nhiên liệu hóa thạch. Họ đang ký các hợp đồng năng lượng dài hạn trong khi Nga không thể thay thế những khách hàng này.
Nếu Nga là một doanh nghiệp thì họ có thể sẽ phá sản. Trong nhiều năm, Moscow đã xây dựng các đường ống dẫn đến châu Âu (qua Ukraina, Belarus, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và dưới Biển Đen và Biển Baltic) nhưng không xây dựng một đường ống nào nối trực tiếp từ các mỏ dầu hoặc khí đốt của Nga tới Trung Quốc, nước mua năng lượng lớn nhất thế giới và đồng minh có lợi của Nga.
Những tuyên bố của ông Putin trước chiến tranh về các đường ống dẫn khổng lồ từ Siberia đến Trung Quốc còn nhiều năm nữa mới hoàn thành. Sau chiến tranh, những dự án như vậy sẽ là bất khả thi trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự dịch chuyển hàng loạt của các công ty dầu khí khỏi Nga.
Chính những công ty nước ngoài cùng kiến thức chuyên môn của họ đã xây dựng nên lĩnh vực dầu khí của Nga, tạo ra nguồn tài chính cung cấp cho việc xây dựng quân đội Nga. Giờ đây, sự ra đi của họ sẽ không chỉ làm cạn kiệt nguồn lực của Nga mà còn cản trở sự phát triển của động cơ tăng trưởng kinh tế Nga một cách vô thời hạn. Trong khi đó, Trung Quốc và những nước khác đang mua năng lượng của Nga nhưng yêu cầu giảm giá sâu.
Putin không hề có căn cứ gì khi điều hành một nền kinh tế. Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên Trái Đất với khoảng 19,9% tổng trữ lượng toàn cầu. Tuy nhiên, Nga đã thất bại trong việc tận dụng cuộc cách mạng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang diễn ra trên toàn thế giới.
LNG sẽ giúp cho việc vận chuyển khí đốt đến bất kỳ đâu trên thế giới trở nên dễ dàng hơn. Khí sẽ được hóa lỏng ở nhiệt độ âm 162 độ C, khi đó thể tích của khí sẽ co lại 600 lần thành chất lỏng không độc, dễ bảo quản và vận chuyển.
Năm nay, Mỹ - với chỉ 6,7% trữ lượng khí đốt của thế giới - đã trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, một phần là do các chuyến hàng tới châu Âu được tăng cường kể từ khi chiến tranh Ukraina bắt đầu.
Trên thực tế, Mỹ đã vượt Nga về các lô hàng LNG đến Trung Quốc trong năm nay, với thị phần khoảng 11% so với 6% của Nga. Các quốc gia như Australia, Qatar, Malaysia và Indonesia đang chia sẻ thị phần lớn nhất của thị trường LNG của Trung Quốc.
Châu Âu thời hậu chiến sẽ chuyển đổi hoàn toàn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Lý do là bởi trò chơi tống tiền và sốc giá của ông Putin đã tạo ra những đợt tăng giá và lạm phát tồi tệ, đồng thời hủy hoại danh tiếng của một nhà cung cấp đáng tin cậy.
Các quốc gia châu Âu hiện có 36 cảng LNG và đã tăng 50% lượng LNG nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Hàng chục nhà ga LNG khác đang được xây dựng và các hợp đồng cung cấp khí đốt lớn đã được ký kết bởi các quốc gia châu Âu với Azerbaijan, Algeria, Saudi Arabia cũng như với Mỹ, Australia, Qatar, Nigeria và Na Uy.
Ủy ban châu Âu gần đây đã triển khai một kế hoạch khẩn cấp nhằm cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt trong mùa Đông này và cuối cùng là thay thế tất cả các nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Các biện pháp bảo tồn và thay thế đang được triển khai và sẽ hạn chế việc sử dụng xăng, sưởi ấm trong nhà, giao thông công cộng, chiếu sáng đường phố, điều hòa không khí và các ca làm việc của nhà máy. Họ cũng cung cấp những nơi trú ẩn dành cho cư dân trong trường hợp Nga thực hiện lời đe dọa cắt giảm khí đốt.
Về nguồn cung, hiện Đức đang đốt than trở lại ở trong nước, trong khi các cơ sở hạt nhân ở Pháp và Đức sẽ được mở cửa trở lại hoặc mở rộng hoạt động. Trong một vài năm tới, LNG từ Mỹ, Bắc Phi, Trung Á và Trung Đông sẽ vĩnh viễn thay thế khí đốt của Nga.
Việc Nga giảm sản lượng khí đốt trong năm qua để gây bất ổn giá cả đã mang lại dòng tiền bổ sung trong thời kỳ chiến tranh và củng cố giá trị của đồng Ruble. Tuy nhiên, lợi ích này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi châu Âu đang tự trang bị cho mình từ nhiên liệu hóa thạch của Moscow.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây kết hợp với sự chảy máu chất xám và việc rút các nguồn vốn đã hủy hoại tương lai kinh tế của Nga. Hơn 1.000 tập đoàn lớn của phương Tây đã đóng cửa hoạt động ở Nga, các nhà tài phiệt Nga cất giấu tài sản và bỏ ra nước ngoài, hàng trăm nghìn thanh niên Nga có trình độ học vấn và khoảng 15.000 triệu phú Nga dự kiến sẽ chuyển ra nước ngoài trong năm nay.
Nói một cách thẳng thắn, cuộc chiến của Putin là sự tự sát về kinh tế. Cố Thượng nghị sĩ John McCain (R-Ariz.) từng chế giễu Nga chỉ là một "trạm xăng giả danh một quốc gia", nhưng bây giờ điều đó còn tồi tệ hơn thế. Putin đã đuổi tất cả khách hàng và nhân viên của trạm xăng và sẽ hoàn toàn ngừng kinh doanh sớm hơn những gì ông tưởng tượng.
(Nguồn: The Hill)