Đại hội Đảng XIII chính thức khai mạc

Đại hội Đảng lần thứ XIII khai mạc sáng 26/1, bắt đầu chương trình làm việc chính thức đến ngày 2/2. Gần 1.600 đại biểu dự đại hội.

Trả lời báo chí trước thềm Đại hội XIII, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết quy chế bầu cử Đại hội XIII có một số điểm mới cơ bản. Đó là quy định cụ thể về trách nhiệm của người đề cử nhân sự trong việc đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Quy chế nêu rõ việc sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương cung cấp. Việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại hội trường và phòng họp của Đoàn đại biểu.

  Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Đại hội XIII tại phiên trù bị, sáng 25/1. Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Đại hội XIII tại phiên trù bị, sáng 25/1. Ảnh: TTXVN

Trong 8 ngày làm việc từ hôm nay, Đại hội XIII sẽ thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị - Văn kiện trung tâm, cùng các báo cáo chuyên đề tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2025.

Dự thảo các Văn kiện đưa ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, hướng tới những dấu mốc phát triển của đất nước. Đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII dành một mục riêng là quan điểm chỉ đạo với 5 nội dung quan trọng, nhấn mạnh không chỉ "kiên định và vận dụng" mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định "bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi"; đồng thời, "khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc... khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam".

Đồng thời cụ thể hóa "ba đột phá chiến lược" do Đại hội XI, XII của Đảng xác định cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới; trong đó đề cập đến phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đại hội XIII cũng sẽ thảo luận và thông qua các báo cáo: Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban chấp hành Trung ương khóa XII; Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đại hội XIII sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội. Ban chấp hành Trung ương khóa mới dự kiến có 200 người, gồm 180 uỷ viên chính thức và 20 uỷ viên dự khuyết.

Trong công tác nhân sự, Ban chấp hành Trung ương khóa XII xác định "xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc", theo ông Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.

Thanh Mai

1.587 đại biểu dự phiên trù bị Đại hội Đảng XIII

1.587 đại biểu dự phiên trù bị Đại hội Đảng XIII

Sau khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1.587 đại biểu bắt đầu họp phiên trù bị tại hội trường lớn Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình trong sáng 25/1.