Đằng sau thiết kế chip của người Việt gây chú ý thị trường

Bản thiết kế chip IoT do kỹ sư Việt thực hiện vừa ra mắt, đánh dấu bước tiến mới trong ngành bán dẫn, mở ra cơ hội tự chủ công nghệ trong lĩnh vực trọng yếu của tương lai.

Một bản thiết kế chip IoT “made in Vietnam” vừa được công bố tại TP.HCM, thu hút sự quan tâm của giới công nghệ trong nước. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 33 năm thành lập tập đoàn đa ngành TC Group, đồng thời đánh dấu bước đi mới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn – lĩnh vực đang được kỳ vọng trở thành trụ cột của nền công nghiệp tương lai.

Theo thông tin từ sự kiện, bản thiết kế chip được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam, ứng dụng công nghệ bán dẫn CMOS và III/V Semi, hướng đến các dòng chip chuyên dụng cho thiết bị bay không người lái (UAV), cảm biến, AI, và các hệ thống điều khiển năng lượng. Đây là một trong những thiết kế đầu tiên tại Việt Nam mang tính khả thi cao trong thương mại hóa, với tham vọng tích hợp vào các hệ thống quốc phòng, an ninh và hạ tầng đô thị thông minh.

Hiện nhóm thiết kế đang tập trung phát triển các lõi IP và module chức năng cho chip SoC, đồng thời xây dựng khả năng điều chỉnh theo từng ứng dụng cụ thể như NPU, DSP hoặc điều chế tín hiệu như FSK/LoRa/OFDM.

Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM (bên phải) và Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập Đoàn CT Group tại Lễ ra mắt bản thiết kế chip IoT của người Việt
Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM (bên phải) và Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập Đoàn CT Group tại Lễ ra mắt bản thiết kế chip IoT của người Việt

 Một định hướng đáng chú ý là việc chủ động tiếp cận công nghệ quang khắc – khâu then chốt trong chuỗi sản xuất chip. Dù hiện nay các thiết kế vẫn theo mô hình fabless (thiết kế tại Việt Nam, gia công ở nước ngoài), đơn vị chủ trì đề xuất mô hình hợp tác với Nhà nước để làm chủ công nghệ quang khắc trong tương lai, từ đó đảm bảo chu trình khép kín: thiết kế – quang khắc – lắp ráp – kiểm thử – đóng gói.

Về mặt sản xuất, đơn vị phát triển dự án đã xây dựng các nhà máy lắp ráp – kiểm thử ở cả miền Nam và miền Bắc, cùng các trung tâm nghiên cứu ở TP.HCM và Hà Nội. Hệ thống này cũng đang liên kết với các cơ sở đào tạo như Đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Cần Thơ để chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.

Một điểm nổi bật là thiết kế chip đã tích hợp thành công các bộ ADC/DAC – thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử thông minh. Đây là các bộ chuyển đổi giúp chip “giao tiếp” được với môi trường vật lý (như ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ...) và điều khiển thiết bị bên ngoài. ADC/DAC hiện diện trong hầu hết các ngành như y tế, quốc phòng, nông nghiệp thông minh và công nghệ ô tô.

Ngoài ra, việc lựa chọn ngày 30/4/2025 làm “Ngày Bán dẫn Việt Nam” cũng đã được đề xuất như một biểu tượng gắn kết công nghệ với tinh thần độc lập – tự cường, phù hợp với định hướng phát triển ngành bán dẫn của Chính phủ.

Dù còn ở giai đoạn đầu, nhưng nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam đang có những bước đi rõ ràng: từ nền tảng nhân lực, định hướng công nghệ đến tiềm năng thị trường. Với các thiết kế chip IoT, AI đầu tiên do kỹ sư Việt trực tiếp thực hiện, đây có thể là khởi đầu cho hành trình tự chủ trong một ngành công nghệ được xem là “trái tim” của kỷ nguyên số.

PV