Tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 25/1, các chuyên gia cho rằng nếu không cân bằng được thị trường vàng trong nước thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng cao thì tình trạng buôn lậu diễn ra càng nhiều.
Hiện nay, giá vàng trong nước vẫn đang neo ở mức cao, trong khoảng 74 – 76,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Đặc biệt, chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới theo quy đổi vẫn lên tới 15 triệu đồng/lượng. Hơn nữa, thị trường vàng vào thời điểm cuối năm 2023 đã có nhiều diễn biến phức tạp, dao động tăng – giảm trong phiên với biên độ mạnh.
Trước tình trạng này, các chuyên gia đề xuất đã đến lúc phải xem vàng như một loại hàng hóa thông thường và ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp hoạt động kinh doanh vàng, giống như nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang làm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: "Cần phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng, mà chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ, đồng thời đóng vai trò quản lý dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh tiền tệ", theo Vnbusiness.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cần "mở cửa" cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ dàng hơn, không còn tình trạng khan hiếm nữa.
Một trong những giải pháp phát triển thị trường vàng được các chuyên gia kiến nghị đó là thành lập Sàn giao dịch vàng và cho phép liên thông với thị trường vàng thế giới. Khi đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ được giữ ổn định và thu hẹp lại. Thị trường sẽ điều tiết giá vàng theo cơ chế cung cầu.
GS.TS. Hoàng Văn Cường đánh giá vàng không chỉ đơn thuần để sản xuất đồ trang sức mà còn là hàng hóa đặc biệt có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị.
Vì vậy, khi thế giới biến động, chiến tranh xảy ra hay kinh tế có chiều hướng suy giảm..., giá vàng luôn trong xu hướng tăng vọt, do người dân giữ vàng để bảo vệ giá trị đồng tiền.
Hiện thị trường Việt Nam vẫn giữ độc quyền vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều dẫn đến giá tăng. "Nếu mở cửa để chấm dứt độc quyền sẽ giúp nguồn cung lớn hơn. Càng cạnh tranh về cung thì càng có lợi cho người mua, giá sẽ ngang bằng, không còn chuyện giá phi lý", ông nói.
Theo ông, nên thành lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, theo đúng xu hướng của thế giới. Khi đó, người mua sẽ không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không...
"Trong giai đoạn nhiều người cần vàng, nếu vàng nằm trên thị trường thì lưu thông mua bán được, không phải ngay lập tức mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi bán, vẫn có vàng để bán trên thị trường", ông nêu quan điểm.
Công cụ điều hòa cung vàng theo đó sẽ rộng rãi. Đặc biệt, việc giao dịch vàng trên tài khoản sẽ hỗ trợ cho các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng kịp thời.
Vị chuyên gia này cũng đánh giá khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai, thông tin minh bạch sẽ giúp người tham gia dễ đưa ra quyết định sáng suốt hơn, đồng thời Nhà nước cũng có thể kiểm soát tốt thị trường. Mặt khác, sàn giao dịch vàng sẽ hỗ trợ việc liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới.
Đánh giá sự biến động của giá vàng trong thời gian qua, TS. Trần Thọ Đạt thấy tính chất trú ẩn của vàng cao còn tính chất sinh lợi không cao. Biến động của giá vàng trong một năm qua chỉ khoảng 5-6%, thấp hơn nhiều so với lãi suất và thậm chí thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường Mỹ hiện nay. Tính trong 5 năm qua, giá vàng biến động trong khoảng 40-50%, chưa kể đồng USD mất giá.
Điều này cho thấy việc người dân tích trữ vàng không đơn thuần là phương tiện đầu tư mà là kênh trú ẩn, do vậy đang có một khối lượng vàng rất lớn nằm trong dân.
“Một số số liệu ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 300 tấn, cũng có số liệu 400-500 tấn. Đây là con số lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng để huy động được, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà chúng ta đề xuất là Sở giao dịch vàng”, ông Đạt nói.
TS. Trần Thọ Đạt cho rằng thời gian tới cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng do Sở giao dịch ban hành, theo Zing.
Bên cạnh đó, ông đề xuất thành lập quỹ tín thác (ETF) vàng như công cụ tài chính quốc tế và chứng chỉ quỹ này cũng có thể được mua bán trên Sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng.
Nếu quỹ tín thác này có thể tham gia mua bán các sản phẩm phái sinh hiện đại giống các sàn giao dịch trên thế giới thì quỹ tín thác bằng vàng sẽ có vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực đối với cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý và khi giá vàng xảy ra hiện tượng sụt giá, góp phần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.