Tích hợp giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu trong giáo dục đại học: Một đánh giá tổng hợp từ Scopus (2014–2024)

Sự kết hợp giữa nghiên cứu, chính sách và giảng dạy góp phần xây dựng giáo dục đại học bền vững, giúp sinh viên nâng cao nhận thức và hành động vì môi trường.

Biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đặt ra những thách thức cấp bách đối với hệ thống giáo dục đại học trên toàn cầu. Việc tích hợp giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu vào chương trình đào tạo đại học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và phát triển năng lực hành động của sinh viên. Nghiên cứu này tiến hành tổng quan tài liệu có hệ thống từ cơ sở dữ liệu Scopus từ 2014 đến 2024 bằng phương pháp PRISMA, đồng thời sử dụng VOSviewer để phân tích xu hướng nghiên cứu và mạng lưới học thuật liên quan. Kết quả cho thấy sự gia tăng đáng kể trong nghiên cứu về giáo dục môi trường trong giáo dục đại học, với các trọng tâm chính bao gồm ứng dụng công nghệ, học tập trải nghiệm, tích hợp giáo dục liên ngành, và phát triển chính sách giáo dục bền vững. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng xác định các rào cản chính trong quá trình triển khai, bao gồm thiếu chính sách hỗ trợ, hạn chế tài chính và cơ sở vật chất, cùng nhận thức chưa đầy đủ từ giảng viên và sinh viên. Nghiên cứu cung cấp góc nhìn tổng quan, từ đó đề xuất các chiến lược nâng cao hiệu quả tích hợp giáo dục môi trường vào giáo dục đại học.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển bền vững toàn cầu. Các báo cáo của Liên Hợp Quốc và Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu nhấn mạnh rằng nếu không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy các chiến lược phát triển bền vững, thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu quả môi trường, kinh tế và xã hội không thể đảo ngược (Li & Liu, 2021). Trong bối cảnh này, giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời thúc đẩy tư duy phản biện và hành động vì sự bền vững (Healy & Debski, 2016). Giáo dục môi trường (GDMT) và giáo dục biến đổi khí hậu (GDBĐKH) đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu và thực hành quan trọng nhằm xây dựng thế hệ công dân có trách nhiệm với môi trường và đóng góp vào các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH (Demaidi & Al-Sahili, 2021). Tuy nhiên, việc tích hợp GDMT & GDBĐKH vào chương trình đào tạo đại học vẫn gặp nhiều thách thức. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù sinh viên quan tâm đến BĐKH, nhưng mức độ hiểu biết thực tế về nguyên nhân và giải pháp còn hạn chế (Li & Liu, 2022). Ngoài ra, các chương trình giảng dạy chưa được thiết kế đồng bộ, thiếu tính hệ thống và còn ít bằng chứng thực nghiệm về hiệu quả của các mô hình giáo dục này trong việc thay đổi nhận thức và hành vi (Campisi et al., 2024). Hơn nữa, sự thiếu hụt chính sách hỗ trợ, tài nguyên giảng dạy và năng lực giảng viên cũng là những rào cản quan trọng trong quá trình triển khai (Healy & Debski, 2016).

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp tổng quan tài liệu hệ thống theo quy trình PRISMA, kết hợp với phân tích từ khóa bằng phần mềm VOSviewer với dữ liệu được thu thập từ cơ sở dữ liệu Scopus trong giai đoạn 2014-2024 nhằm tập trung trả lời các câu hỏi sau: Những xu hướng chính trong nghiên cứu về GDMT & GDBĐKH trong giáo dục đại học từ 2014-2024? Các chủ đề nghiên cứu nổi bật được xác định qua phân tích mạng lưới từ khóa bằng VOSviewer là gì? Những rào cản chính trong việc tích hợp GDMT & GDBĐKH vào giáo dục đại học? Những giải pháp nào có thể nâng cao hiệu quả giảng dạy GDMT & GDBĐKH trong giáo dục đại học?

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp PRISMA (Preferred Reporting Items for Systematic Reviews and Meta-Analyses) để lựa chọn các tài liệu liên quan thông qua cơ sở dữ liệu Scopus, sử dụng phần mềm VOSviewer để phân tích mạng lưới từ khóa và xác định các chủ đề chính trong lĩnh vực này. Quá trình nghiên cứu được tiến hành qua các bước cụ thể như sau:

(1) Xác định nguồn tài liệu và từ khóa tìm kiếm. Các bài báo khoa học được truy vấn từ cơ sở dữ liệu Scopus, sử dụng từ khóa tìm kiếm như:  TITLE-ABS-KEY integrating AND environmental AND education AND climate AND change AND into AND higher AND education) AND ( LIMIT-TO ( SUBJAREA ,"SOCI") ) AND ( LIMIT-TO ( DOCTYPE ,"ar") ) AND ( LIMIT-TO ( LANGUAGE ,"English") ) AND ( LIMIT-TO ( OA ,"all") ). Các từ khóa tập trung vào các khái niệm như Giáo dục mội trường, Biến đổi khí hậu, Giáo dục Đại học. Điều này đảm bảo tài liệu được tìm kiếm có liên quan chặt chẽ đến chủ đề nghiên cứu;

(2) Thiết lập tiêu chí lựa chọn tài liệu. Để được đưa vào phân tích, các bài báo phải đáp ứng các tiêu chí tìm kiếm, được xuất bản trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Scopus, viết bằng tiếng Anh và thuộc phạm vi Khoa học xã hội. Những nghiên cứu không thỏa mãn các tiêu chí trên sẽ bị loại trừ khỏi phân tích.

(3) Tiến hành sàng lọc tài liệu. Sàng lọc tiêu đề và tóm tắt: Các bài báo không liên quan đến chủ đề hoặc không rõ ràng trong phần tiêu đề và tóm tắt sẽ bị loại bỏ. Đánh giá toàn văn: Các bài báo vượt qua vòng sàng lọc đầu tiên sẽ được đọc toàn văn để đảm bảo tính phù hợp và liên quan đến nội dung nghiên cứu.

(4) Tổng hợp và phân tích dữ liệu. Từ các bài báo được chọn, thông tin sẽ được tổng hợp và phân tích theo các yếu tố chính: Mục tiêu nghiên cứu; Phương pháp phân tích được sử dụng; Kết quả và đóng góp quan trọng của nghiên cứu. Kết quả tổng hợp sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về tích hợp giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu trong giáo dục đại học.

Tích hợp giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu trong giáo dục đại học: Một đánh giá tổng hợp từ Scopus (2014–2024)

Phân tích sơ đồ PRISMA các tài liệu có trong cơ sở dữ liệu giai đoạn 2014-2024 (Hình 1): Giai đoạn Nhận dạng tài liệu (Identification): Tổng cộng có 50 tài liệu, sau quá trình sàng lọc, 27 tài liệu bị loại bỏ. Giai đoạn Sàng lọc (Screening): 33 tài liệu là tạp chí đã được chọn. Giai đoạn Đánh giá tính phù hợp - (Eligibility): 30 báo cáo đã được đánh giá về tính đủ điều kiện, trong số đó 3 tài liệu không viết bằng tiếng Anh. Giai đoạn Tổng hợp- (Included): Cuối cùng, 15 nghiên cứu đã được đưa vào bài tổng quan hệ thống thuộc phạm vi Khoa học xã hội. Sơ đồ này cho thấy một quy trình chọn lọc tài liệu kĩ lưỡng, từ giai đoạn thu thập tài liệu đến loại trừ những tài liệu không phù hợp, nhằm đảm bảo rằng chỉ những nghiên cứu liên quan và chất lượng cao mới được đưa vào tổng quan hệ thống.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường ngày càng gia tăng, giáo dục đại học đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và phát triển năng lực hành động cho sinh viên nhằm hướng đến một xã hội bền vững. Việc tích hợp giáo dục biến đổi khí hậu và giáo dục bền vững vào chương trình giảng dạy không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các tác động môi trường mà còn thúc đẩy trách nhiệm cá nhân và chuyên môn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Healy & Debski (2016) nhấn mạnh rằng các trường đại học không chỉ là nơi truyền tải tri thức mà còn là trung tâm thúc đẩy các chiến lược giáo dục bền vững thông qua chính sách môi trường thân thiện và việc lồng ghép các nội dung về bền vững vào chương trình học. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng giáo dục đại học đang chuyển dịch từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang việc khuyến khích sinh viên tham gia vào các phong trào xã hội và chính trị liên quan đến môi trường, chẳng hạn như các chiến dịch thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel divestment). Điều này thể hiện sự chuyển đổi từ cách tiếp cận lý thuyết sang thực tiễn, hướng tới hành động cụ thể nhằm thúc đẩy sự bền vững trong giáo dục đại học. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Campisi et al. (2024) tại Ý đã khám phá thái độ của sinh viên đối với chế độ ăn bền vững với khí hậu. Kết quả cho thấy mặc dù sinh viên có nhận thức cao về tác động môi trường, nhưng vẫn còn hạn chế trong hiểu biết về mối quan hệ giữa hệ thống thực phẩm và biến đổi khí hậu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với giáo dục đại học trong việc cung cấp các khóa học và nội dung đào tạo chuyên sâu hơn về mối liên kết giữa môi trường, thực phẩm và biến đổi khí hậu, từ đó khuyến khích sinh viên thực hiện các hành vi tiêu dùng có trách nhiệm hơn.

Ngoài ra, nghiên cứu của Linton et al. (2020) đã thực hiện một thí điểm về việc tích hợp giáo dục bền vững vào chương trình đào tạo y tá nâng cao. Kết quả cho thấy rằng sinh viên khi được tiếp xúc với các nội dung về phát triển bền vững có thái độ tích cực hơn đối với các vấn đề môi trường và có xu hướng dùng các nguyên tắc bền vững vào thực hành nghề nghiệp. Điều này chứng tỏ rằng việc giảng dạy về BĐKH không chỉ giới hạn trong các ngành liên quan đến môi trường mà còn có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm mở rộng ảnh hưởng của giáo dục bền vững. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đại học đang tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với giáo dục môi trường. Healy & Debski (2016) nhấn mạnh rằng công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cá nhân hóa lộ trình học tập và cải thiện chất lượng đánh giá tư duy phản biện của sinh viên. Nghiên cứu của Prandner & Hasengruber (2025) tại Áo đã phân tích nhận thức của sinh viên quốc tế đối với tác động môi trường của việc đi lại bằng đường hàng không. Kết quả cho thấy trong khi một số sinh viên nhận thức được tác động tiêu cực của du lịch hàng không đối với khí hậu, vẫn có một bộ phận ưu tiên lợi ích cá nhân hơn là trách nhiệm môi trường. Điều này đặt ra thách thức cho các trường đại học trong việc xây dựng các chiến lược giáo dục hiệu quả nhằm thay đổi hành vi của sinh viên theo hướng bền vững hơn. Velayo et al. (2024) tại Philippines chỉ ra rằng việc tích hợp các giải pháp dựa vào thiên nhiên vào giáo dục có thể giúp tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sinh viên và các bên liên quan có mức độ nhận thức cao hơn về các vấn đề khí hậu khi được tham gia vào các chương trình học tập trải nghiệm và hoạt động thực tế. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp học tập thực hành trong việc nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu của sinh viên.

Tóm lại, tổng quan các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối mặt với BĐKH. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức như khoảng cách giữa nhận thức và hành động, thiếu tài nguyên và chính sách hỗ trợ, cũng như sự cứng nhắc trong chương trình giảng dạy. Việc đổi mới phương pháp giáo dục, kết hợp công nghệ số, học tập trải nghiệm và các chương trình liên ngành sẽ là chìa khóa để nâng cao hiệu quả của giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu trong giáo dục đại học.

Xu hướng nghiên cứu về Giáo dục Môi trường và Giáo dục Biến đổi Khí hậu trong giáo dục đại học từ 2014-2024

Hình ảnh minh họa số lượng tài liệu nghiên cứu được công bố mỗi năm cho thấy (hình 3): Giai đoạn 2014-2018, số lượng nghiên cứu về chủ đề này khá thấp và không có sự gia tăng đáng kể, với mỗi năm chỉ có 1 bài báo được công bố. Giai đoạn 2019-2022, số lượng nghiên cứu bắt đầu tăng dần, năm 2022 với 2 bài báo được xuất bản. Năm 2024 với 8 tài liệu, cao hơn hẳn so với các năm trước cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của giới học thuật đối với chủ đề GDMT & GDBĐKH trong giáo dục đại học. Các cam kết toàn cầu như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là SDG 4 về giáo dục chất lượng và SDG 13 về hành động khí hậu, đã thúc đẩy các trường đại học tích cực hơn trong nghiên cứu về giáo dục môi trường. Các cơ quan giáo dục và chính phủ ở nhiều quốc gia đã bắt đầu yêu cầu các trường đại học tích hợp giáo dục bền vững vào chương trình giảng dạy. Điều này dẫn đến sự gia tăng nghiên cứu nhằm phát triển các mô hình giảng dạy hiệu quả.

Hình 2. Ấn phẩm về Tích hợp GDMT và BĐKH trong giáo dục đại học (Nguồn: dữ liệu trong Scopus [http//scopus.com/] tháng 2/2025)
Hình 2. Ấn phẩm về Tích hợp GDMT và BĐKH trong giáo dục đại học (Nguồn: dữ liệu trong Scopus [http//scopus.com/] tháng 2/2025)

Trong giai đoạn 2014-2024, nghiên cứu về GDMT và GDBĐKH trong giáo dục đại học tập trung vào bốn xu hướng chính: Thứ nhất, nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học trong việc nâng cao nhận thức và hành động của sinh viên đối với các vấn đề môi trường (Li & Liu, 2021). Trong đó, sự đổi mới chương trình giảng dạy là cần thiết để tích hợp kiến thức liên ngành về BĐKH, giúp sinh viên có cách tiếp cận toàn diện hơn đối với các thách thức môi trường (Campisi et al., 2024). Nhận thức và thái độ của sinh viên về giáo dục môi trường đã trở thành một chủ đề quan trọng, đặc biệt là nghiên cứu về khoảng cách giữa nhận thức và hành động. Dù nhiều sinh viên nhận thức rõ về tầm quan trọng của BĐKH, nhưng điều này chưa thực sự được chuyển hóa thành hành động thực tiễn (Li & Liu, 2021). Điều này cho thấy cần có các chiến lược giáo dục hiệu quả hơn để khuyến khích sinh viên áp dụng kiến thức môi trường vào thực tế.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng tập trung vào ứng dụng giáo dục bền vững trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mở rộng từ giáo dục môi trường truyền thống sang các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp và chính sách. Điều này phản ánh sự tích hợp đa ngành của giáo dục bền vững trong các chương trình đại học, nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức liên ngành để giải quyết các vấn đề môi trường phức tạp (Healy & Debski, 2016). Hợp tác liên ngành và nghiên cứu toàn cầu là một xu hướng quan trọng, thể hiện qua các nghiên cứu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục môi trường. Nhiều nghiên cứu được thực hiện tại các quốc gia như Tây Ban Nha, phản ánh nhu cầu so sánh giữa các hệ thống giáo dục đại học trên thế giới để tìm ra các mô hình giáo dục bền vững hiệu quả nhất (Sergey et al., 2024). Nhìn chung, nghiên cứu về GDMT & GDBĐKH trong giáo dục đại học đã có sự phát triển đáng kể trong thập kỷ qua, góp phần quan trọng vào việc định hình chính sách và thực tiễn giáo dục nhằm hướng đến một hệ thống giáo dục bền vững hơn.

Các chủ đề nghiên cứu nổi bật được xác định qua phân tích mạng lưới từ khóa bằng VOSviewer

Sơ đồ mạng lưới được tạo bằng VOSviewer, thường được sử dụng để phân tích và trực quan hóa mối quan hệ giữa các khái niệm trong tài liệu học thuật hoặc tập dữ liệu (Hình 2). Sơ đồ mạng lưới từ VOSviewer phản ánh bốn nhóm chủ đề quan trọng trong nghiên cứu về tích hợp giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu trong giáo dục đại học.

Thứ nhất, cụm màu cam "Giáo dục đại học và biến đổi khí hậu" tập trung vào vai trò của giáo dục đại học trong việc tích hợp giáo dục biến đổi khí hậu. Việc thay đổi chương trình (curriculum change) và khả năng thích ứng (adaptability) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục về biến đổi khí hậu thể hiện qua sơ đồ mạng lưới từ khóa như “higher education,” “climate change education”, “adaptability” và “curriculum change” cho thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh chương trình đào tạo để thích ứng với những thách thức môi trường. Thứ hai, cụm màu xanh lá "Phát triển bền vững và nhận thức sinh viên" nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc nâng cao nhận thức sinh viên về phát triển bền vững. Các nghiên cứu tập trung vào thái độ của sinh viên đối với các vấn đề môi trường (perception), cũng như mối liên hệ giữa giáo dục biến đổi khí hậu và hệ thống thực phẩm (agri-food system). Điều này cho thấy giáo dục về môi trường không chỉ giới hạn trong giảng dạy lý thuyết mà còn liên quan đến các lĩnh vực thực tiễn như nông nghiệp và phát triển thực phẩm bền vững. Thứ ba, cụm màu xanh dương "Chính sách môi trường và chương trình giảng dạy" đề cập đến việc xây dựng chính sách giáo dục bền vững và đổi mới chương trình giảng dạy. Các từ khóa như curriculum, environmental policy, learning và clinical practice phản ánh sự quan tâm đến cách thức giáo dục biến đổi khí hậu được triển khai trong giảng dạy.

Hình 3 . Sơ đồ phân tích mạng lưới các từ khóa (Nguồn: do tác giả thực hiện với VOSviewer)
Hình 3 . Sơ đồ phân tích mạng lưới các từ khóa (Nguồn: do tác giả thực hiện với VOSviewer)

Đặc biệt, nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực y tế và giáo dục điều dưỡng, từ khóa “clinical practice” cho thấy sự mở rộng của giáo dục môi trường vào các lĩnh vực chuyên biệt. Cụm màu đỏ "Thái độ và nhận thức xã hội về giáo dục bền vững" tập trung vào khoảng cách giữa nhận thức và hành vi môi trường (attitude-behavior gap), cho thấy sinh viên có nhận thức về biến đổi khí hậu, nhưng chưa chuyển hóa thành hành động thực tế. Ngoài ra, phản ánh mức độ nhận thức của giảng viên và sinh viên về phát triển bền vững qua từ “awareness” đặt ra yêu cầu về các biện pháp giáo dục hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy hành động môi trường thực tiễn.

Tổng quan từ sơ đồ mạng lưới VOSviewer cho thấy nghiên cứu về tích hợp GDMT và BĐKH trong giáo dục đại học tập trung vào bốn khía cạnh chính: Tích hợp giáo dục bền vững vào chương trình đào tạo, nhận thức và thái độ của sinh viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, và hợp tác nghiên cứu cùng chính sách giáo dục.

Những rào cản chính trong việc tích hợp Giáo dục Môi trường và Giáo dục Biến đổi Khí hậu vào giáo dục đại học

Việc tích hợp GDMT và GDBĐKH vào giáo dục đại học vẫn gặp phải nhiều rào cản đáng kể, ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy và sự tham gia của sinh viên. Một trong những thách thức lớn nhất là khoảng cách giữa nhận thức và hành động của sinh viên. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù sinh viên có nhận thức tốt về tầm quan trọng của biến đổi khí hậu, nhưng điều này chưa được chuyển hóa thành hành động thực tiễn (Li & Liu, 2021). Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự thiếu kết nối giữa nội dung giảng dạy và các hoạt động thực hành, khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc áp dụng kiến thức vào thực tế.

Bên cạnh đó, thiếu chính sách hỗ trợ từ trường đại học cũng là một trở ngại lớn. Nhiều cơ sở giáo dục chưa có chiến lược rõ ràng để đưa GDMT và GDBĐKH vào chương trình đào tạo chính thức, dẫn đến sự triển khai không đồng bộ giữa các ngành học (Healy & Debski, 2016). Việc thiếu chính sách cụ thể khiến các giảng viên gặp khó khăn trong việc thiết kế và thực hiện các khóa học liên quan đến môi trường và bền vững. Hơn nữa, hạn chế về tài nguyên và phương pháp giảng dạy hiệu quả cũng làm giảm hiệu quả tích hợp GDMT & GDBĐKH. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chương trình giảng dạy hiện tại chưa tích hợp một cách hệ thống các nội dung về biến đổi khí hậu, trong khi đó giảng viên chưa được đào tạo đầy đủ về các phương pháp giảng dạy phù hợp với giáo dục bền vững (Campisi et al., 2024). Sự thiếu hụt này làm giảm khả năng truyền tải kiến thức và tạo động lực cho sinh viên tham gia vào các hoạt động môi trường thực tế. Ngoài ra, rào cản tài chính và nguồn lực cũng ảnh hưởng đến khả năng triển khai các chương trình GDMT & GDBĐKH. Nhiều trường đại học không có đủ ngân sách để đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, thực hành hoặc hợp tác với các tổ chức bên ngoài để phát triển giáo dục môi trường (Sergey et al., 2024). Việc thiếu kinh phí khiến các sáng kiến giáo dục bền vững khó được triển khai trên quy mô lớn và duy trì lâu dài.

Cuối cùng, thách thức trong việc đánh giá hiệu quả chương trình GDMT & GDBĐKH cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Hiện tại, có rất ít nghiên cứu đo lường chính xác mức độ tác động của các chương trình giáo dục môi trường đối với nhận thức và hành vi của sinh viên. Điều này gây khó khăn trong việc cải thiện và điều chỉnh nội dung giảng dạy để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập (Demaidi & Al-Sahili, 2021). Nhìn chung, để khắc phục những rào cản này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, giảng viên, nhà nghiên cứu và các tổ chức liên quan nhằm phát triển các chiến lược giảng dạy hiệu quả, chính sách hỗ trợ cụ thể và nguồn lực tài chính phù hợp để thúc đẩy giáo dục bền vững trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay.

Những giải pháp có thể nâng cao hiệu quả giảng dạy Giáo dục Môi trường và Giáo dục Biến đổi Khí hậu trong giáo dục đại học

Việc nâng cao hiệu quả giảng dạy GDMT và GDBĐKH trong giáo dục đại học đòi hỏi các giải pháp toàn diện, bao gồm đổi mới chương trình giảng dạy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hành động thực tế và tăng cường hợp tác quốc tế.

Thứ nhất, đổi mới chương trình giảng dạy là một trong những ưu tiên quan trọng để tích hợp giáo dục bền vững vào hệ thống giáo dục đại học. Nhiều nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc thiết kế các khóa học liên ngành và cải tiến nội dung đào tạo theo hướng thực hành có thể giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề môi trường (Linton et al., 2020). Ngoài ra, các phương pháp giảng dạy hiện đại như học tập theo địa phương (place-based learning) và học tập dựa trên dự án có thể giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu và cách ứng phó với nó (Gosselin et al., 2016).

Thứ hai, thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và hành động của sinh viên là một thách thức cần được giải quyết. Dù nhiều sinh viên có nhận thức tốt về biến đổi khí hậu, nhưng mức độ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế (Li & Liu, 2022). Do đó, cần triển khai các sáng kiến giáo dục thực tiễn, như chương trình tình nguyện môi trường và các dự án nghiên cứu có sự tham gia của sinh viên, để giúp họ áp dụng kiến thức vào hành động thực tế.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ trong giáo dục bền vững có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cách giảng dạy GDMT & GDBĐKH. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR) giúp sinh viên có trải nghiệm học tập tương tác và nâng cao khả năng tiếp cận dữ liệu môi trường theo thời gian thực (Sergey et al., 2024). Bên cạnh đó, các nền tảng học trực tuyến cũng có thể mở rộng cơ hội học tập, đặc biệt đối với sinh viên ở các khu vực không có điều kiện tiếp cận các chương trình đào tạo chất lượng cao (Healy & Debski, 2017).

Cuối cùng, chính sách hỗ trợ và hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giáo dục bền vững trong các trường đại học. Chính phủ và các tổ chức giáo dục cần xây dựng các chính sách khuyến khích các trường đại học tích hợp giáo dục biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy (Demaidi & Al-Sahili, 2021). Đồng thời, hợp tác quốc tế giúp các trường chia sẻ kinh nghiệm, phát triển nghiên cứu chung và áp dụng các mô hình giáo dục thành công từ các quốc gia khác (Thinh et al., 2024).

Tóm lại, để nâng cao hiệu quả giảng dạy GDMT & GDBĐKH, cần có sự kết hợp giữa đổi mới nội dung đào tạo, áp dụng công nghệ, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các hoạt động thực tế và phát triển chính sách giáo dục bền vững. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, chính phủ và tổ chức quốc tế, giáo dục đại học có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết các thách thức môi trường và biến đổi khí hậu trong tương lai.

KẾT LUẬN

Bài viết đã tổng hợp và phân tích xu hướng tích hợp Giáo dục Môi trường và Giáo dục Biến đổi Khí hậu trong giáo dục đại học giai đoạn 2014-2024, sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu hệ thống và phân tích mạng lưới từ khóa. Kết quả cho thấy sự gia tăng đáng kể về số lượng nghiên cứu trong lĩnh vực này, phản ánh nhận thức ngày càng cao về vai trò của giáo dục đại học trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng giúp sinh viên ứng phó với các thách thức môi trường. Bên cạnh những thành tựu đạt được, nghiên cứu cũng xác định nhiều rào cản trong quá trình tích hợp GDMT & GDBĐKH vào chương trình đại học, bao gồm thiếu chính sách hỗ trợ, hạn chế về tài chính, cơ sở vật chất, cũng như khoảng cách giữa nhận thức và hành động của sinh viên. Những thách thức này đòi hỏi các chiến lược đổi mới trong giáo dục, đặc biệt là cải tiến chương trình giảng dạy, tăng cường phương pháp học tập trải nghiệm, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và chính phủ. Để nâng cao hiệu quả giảng dạy GDMT & GDBĐKH, cần có sự phối hợp giữa đổi mới nội dung đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phát triển các chính sách giáo dục bền vững. Trong tương lai, sự kết hợp giữa nghiên cứu, chính sách và thực tiễn giảng dạy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục đại học bền vững, giúp sinh viên không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hành động để giải quyết các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Nguyễn Ngọc Trang

Nghiên cứu mới hé lộ 'công thức vàng' giúp trẻ học toán hiệu quả

Nghiên cứu mới hé lộ "công thức vàng" giúp trẻ học toán hiệu quả

Không chỉ dựa vào cách học thuộc hay tính nhanh, chìa khóa giúp trẻ nắm vững môn toán nằm ở một chu trình học tập có cấu trúc chặt chẽ.