Một nghiên cứu từ Đại học Yale được công bố trên tạp chí Science đã thách thức giả thuyết lâu nay về nguyên nhân khiến con người không thể nhớ ký ức thời thơ ấu, đồng thời mở ra hy vọng phục hồi những ký ức tưởng như đã mất.
![]() |
Dưới sự dẫn dắt của giáo sư Nick Turk-Browne, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên 26 trẻ sơ sinh, từ 4 đến 24 tháng tuổi. Các bé được cho quan sát hình ảnh khuôn mặt, đồ vật và khung cảnh trong khi hoạt động não bộ được ghi lại bằng công nghệ chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI).
Nhóm nghiên cứu bất ngờ phát hiện vùng hồi hải mã, khu vực não chịu trách nhiệm lưu trữ ký ức dài hạn, đã hoạt động rõ rệt ngay từ những tháng đầu đời. Trẻ sơ sinh không chỉ tiếp nhận thông tin mới mà còn thể hiện khả năng nhận diện khi hình ảnh được lặp lại, cho thấy quá trình mã hóa ký ức đã diễn ra.
"Điều này chứng minh rằng hồi hải mã của trẻ đã tham gia vào việc mã hóa ký ức ngay từ giai đoạn sơ sinh", giáo sư Turk-Browne cho biết. Đặc biệt, khu vực sau của hồi hải mã vốn liên quan đến ký ức biểu tượng ở người trưởng thành đã cho thấy dấu hiệu hoạt động mạnh, nhất là ở nhóm trẻ trên 12 tháng tuổi.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ sơ sinh phát triển song song hai hệ thống ký ức, một là ký ức thống kê giúp nhận biết các mẫu lặp lại, hỗ trợ ngôn ngữ và nhận thức, và hai là ký ức biểu tượng giúp ghi nhớ các sự kiện cụ thể, trong đó ký ức biểu tượng bắt đầu hình thành rõ nét từ khoảng 1 tuổi.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ là tại sao những ký ức này dần phai nhạt khi trưởng thành? Một giả thuyết được đưa ra là các ký ức không biến mất hoàn toàn mà bị "khóa lại", khiến chúng khó được truy cập sau này.
Hiện nhóm nghiên cứu đang mở rộng thử nghiệm trên trẻ mẫu giáo nhằm xác định khả năng duy trì ký ức thời thơ ấu của não bộ. Kết quả sơ bộ cho thấy những ký ức này có thể tồn tại đến khoảng 3–5 tuổi trước khi dần mờ nhạt.
Phát hiện mới từ Đại học Yale không chỉ làm sáng tỏ vai trò của hồi hải mã trong những năm đầu đời, mà còn mở ra nhiều triển vọng ứng dụng trong giáo dục, hỗ trợ điều trị chấn thương tâm lý và các chứng rối loạn trí nhớ.
"Kết quả này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách não bộ trẻ nhỏ ghi nhận và lưu trữ thông tin, từ đó có thể cải thiện phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ ngay từ những năm đầu đời", giáo sư Turk-Browne nhận định.
Âm nhạc, "bản giao hưởng sinh học" chữa lành não bộ
Không còn là tiếng vang vô thức trong cuộc sống hàng ngày, âm nhạc là nơi não bộ và giai điệu cùng hòa quyện để chữa lành con người.