Âm nhạc, "bản giao hưởng sinh học" chữa lành não bộ

Không còn là tiếng vang vô thức trong cuộc sống hàng ngày, âm nhạc là nơi não bộ và giai điệu cùng hòa quyện để chữa lành con người.

Khi huyền thoại nhạc đồng quê Glen Campbell bước lên sân khấu trong chuyến lưu diễn cuối cùng, trí nhớ của ông đang suy giảm nhanh chóng do bệnh Alzheimer. Thế nhưng bằng một cách nào đó, mặc dù không nhận ra những người thân yêu nhất hay thậm chí là ngày tháng, ông vẫn chơi guitar điêu luyện và hát đúng từng lời trong những bản hit để đời của mình.

Điều này, theo các nhà khoa học, là minh chứng sống động cho mối liên hệ kỳ diệu giữa âm nhạc và não bộ, một mối liên hệ có khả năng chữa lành.

Âm nhạc,

Giai điệu đánh thức ký ức

Là một chuyên gia điều dưỡng thần kinh và phó giáo sư tại Đại học Texas ở Arlington, câu chuyện của Campbell đã thôi thúc bà Rhonda Winegar bắt tay vào nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc như một công cụ trị liệu. “Ông ấy cứ đi lang thang, mất định hướng, nhưng khi trở lại sân khấu, mọi hợp âm và ca từ đều trôi chảy”, bà chia sẻ.

Nghiên cứu mà bà Winegar cùng đồng tác giả Dustin Hixenbaugh công bố trên The Journal for Nurse Practitioners đã củng cố một trực giác lâu đời rằng âm nhạc không chỉ là hình thức giải trí, mà còn là một liệu pháp thực thụ.

Khi âm nhạc chạm tới hóa học thần kinh

Theo bà Winegar, âm nhạc có khả năng làm chậm tiến trình thoái hóa thần kinh, đặc biệt trong các bệnh như Alzheimer.

"Đôi khi, bệnh nhân có vấn đề về trí nhớ trở nên lo lắng và bồn chồn, gây ảnh hưởng đến lời nói và khả năng giao tiếp của họ. Nhưng nếu họ có thể hát, họ có thể bày tỏ cảm xúc của mình, giúp giảm lo âu, căng thẳng và trầm cảm", bà cho biết.

Một nghiên cứu tại Trung tâm PET Turku (Phần Lan), đăng trên tạp chí Y học Hạt nhân châu Âu, cho thấy việc nghe những bản nhạc yêu thích làm kích hoạt hệ thống opioid của não, một hệ thống tạo cảm giác khoan khoái tương tự như khi ăn uống, giao tiếp xã hội hay giảm đau.

Âm nhạc,

Sử dụng phương pháp chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), nhóm nghiên cứu Phần Lan đã đo lường sự giải phóng opioid tự nhiên trong não khi những người tham gia nghe nhạc khiến họ cảm thấy "nổi da gà".

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy rõ ràng rằng âm nhạc kích hoạt hệ thống opioid của não”, Vesa Putkinen, nhà nghiên cứu tại Đại học Turku, cho biết. Điều này có thể lý giải tại sao một số người có xúc động mãnh liệt với một ca khúc yêu thích, trong khi người khác lại thấy thờ ơ.

Từ nghiên cứu đến ứng dụng lâm sàng

Không dừng lại ở lý thuyết, liệu pháp âm nhạc đã được đưa vào thực tiễn y học. Theo Winegar, các liệu pháp âm nhạc chủ động, như khi bệnh nhân hát hoặc chơi nhạc cụ, có thể giúp những bệnh nhân phục hồi sau đột quỵ phục hồi khả năng ngôn ngữ.

Đối với người mắc Parkinson, liệu pháp âm nhạc cũng giúp hỗ trợ cải thiện khả năng kiểm soát vận động và nhịp điệu bước đi. Ngay cả việc nghe nhạc thụ động cũng cho thấy khả năng điều hòa nhịp tim, huyết áp, thậm chí kiểm soát các cơn co giật.

"Trong thần kinh học, âm nhạc đã được chứng minh là làm giảm hoạt động co giật bằng cách làm dịu các xung điện bất thường trong não", bà Winegar cho biết.

Vai trò của sự đồng điệu trong âm nhạc

Một điểm đáng chú ý là hiệu quả trị liệu của âm nhạc không phụ thuộc vào một thể loại nào. Nghiên cứu của Winegar được trình bày qua lăng kính của nhạc đồng quê, thể loại bà gọi là “nhóm hỗ trợ bằng âm nhạc”.

Tuy nhiên, hiệu ứng cảm xúc và sinh lý thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào sở thích cá nhân. Cho dù ai đó tìm thấy sự bình yên trong nhạc heavy metal hay động lực trong những giai điệu thánh ca, phản ứng của não bộ mạnh mẽ nhất khi âm nhạc tạo được sự đồng điệu cá nhân.

“Chúng tôi nghiên cứu nhạc đồng quê vì nó kể những câu chuyện về đấu tranh và mất mát, giúp người nghe cảm thấy được đồng cảm”, bà chia sẻ.

Âm nhạc,

Với sự hậu thuẫn từ khoa học thần kinh và thực tiễn lâm sàng, âm nhạc ngày càng được nhìn nhận như một “liều thuốc” tự nhiên cho não bộ. Từ hỗ trợ tâm lý, giảm đau mãn tính, cải thiện khả năng vận động cho đến bảo vệ trí nhớ, âm nhạc đang mang đến tiềm năng to lớn trong hành trình chăm sóc sức khỏe toàn diện.

"Bài học quan trọng nhất rút ra từ nghiên cứu này đó là âm nhạc luôn ở đó vì chúng ta. Chẳng tốn kém gì khi bật radio, và âm nhạc có thể ở bên bạn trong những giai đoạn khó khăn, cho dù bạn đang cảm thấy lo lắng, trầm cảm hay đau đớn. Âm nhạc có thể thúc đẩy bạn, giúp bạn tập thể dục hay đem lại cho bạn sự thoải mái", bà Winegar nói.

Âm nhạc, theo nghĩa đen, không còn là tiếng vang vô thức trong cuộc sống hàng ngày. Đó là một bản giao hưởng sinh học, nơi não bộ và giai điệu cùng hòa quyện để chữa lành con người.

Minh Nguyễn (theo Earth)

Não chúng ta bắt đầu lão hóa ở độ tuổi nào?

Não chúng ta bắt đầu lão hóa ở độ tuổi nào?

Phát hiện độ tuổi suy giảm não bộ giúp mở ra hướng đi mới trong việc phòng ngừa lão hóa não.