Một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet Oncology mới đây cho thấy tiềm năng của một xét nghiệm máu đơn giản trong việc dự đoán nguy cơ tái phát u hắc tố, một dạng ung da nguy hiểm nhất, trên bệnh nhân sau phẫu thuật.
Theo kết quả nghiên cứu được dẫn đầu bởi tiến sĩ David Polsky, chuyên gia ung thư da liễu tại Trường Y Grossman, Đại học New York, chỉ với một lần lấy máu đơn giản có thể giúp phát hiện các mảnh DNA khối u (ctDNA) còn sót lại trong máu bệnh nhân sau phẫu thuật loại bỏ u hắc tố giai đoạn III. Đây là giai đoạn mà ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó, khiến nguy cơ di căn tăng cao.
Điểm đáng chú ý là phương pháp này có thể phát hiện các dấu hiệu ung thư mà hình ảnh học như chụp cắt lớp vi tính (CT) không thể nhìn thấy. “Chúng tôi hình dung xét nghiệm sẽ được sử dụng để theo dõi bệnh nhân định kỳ (có thể mỗi tháng hoặc vài tháng một lần trong vòng 1–3 năm sau phẫu thuật) để theo dõi khả năng tái phát bệnh”, tiến sĩ Polsky chia sẻ.
![]() |
Theo tiến sĩ, nếu xét nghiệm cho thấy dấu hiệu của DNA khối u, bác sĩ có thể chọn sử dụng các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến hơn để tìm kiếm các khối u nhỏ, dễ bỏ sót, hoặc họ có thể chuyển sang một phác đồ điều trị tích cực hơn, ví dụ như sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc ung thư thay vì chỉ một loại.
Trong khuôn khổ một thử nghiệm lâm sàng lớn, nhóm nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của 597 bệnh nhân u hắc tố vừa trải qua phẫu thuật. Các mẫu được lấy theo dõi định kỳ tại các mốc thời gian: 3, 6, 9 và 12 tháng sau phẫu thuật.
Ngay sau phẫu thuật, 13% bệnh nhân có ctDNA phát hiện được trong huyết tương, và tất cả những bệnh nhân này đều cho thấy bị tái phát ung thư. Bệnh nhân cũng có khả năng tái phát ung thư cao nếu mức ctDNA tăng lên hay duy trì ở mức cao trong các xét nghiệm theo dõi.
Sự hiện diện của ctDNA trong máu cho thấy mức độ chính xác 100% trong việc dự đoán khả năng tái phát ung thư. Nếu ctDNA không xuất hiện, khả năng người bệnh không tái phát ung thư là 71%.
Điều này cho thấy xét nghiệm ctDNA là một công cụ dự đoán mạnh mẽ khi kết quả dương tính, nhưng kết quả âm tính không hoàn toàn loại trừ nguy cơ. "Các xét nghiệm này có độ chính xác cao khi cho kết quả dương tính, nhưng chưa đạt mức tương tự với kết quả âm tính", tiến sĩ Polsky nhấn mạnh.
ctDNA là các mảnh DNA được giải phóng từ tế bào ung thư trong chu kỳ sống của các khối u. Những mảnh này lưu hành trong huyết tương, phần chất lỏng của máu. Việc phân tích ctDNA sẽ giúp nhà nghiên cứu phát hiện các đột biến đặc trưng của ung thư mà các phương pháp hình ảnh khó nhận biết.
U hắc tố là một loại ung thư phát triển từ tế bào sắc tố da melanocyte. Dù chỉ chiếm khoảng 1% các trường hợp ung thư da, nhưng u hắc tố lại gây ra tỷ lệ tử vong cao nhất do khả năng di căn nhanh chóng đến các cơ quan khác. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là một trong những yếu tố then chốt để kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Bước tiếp theo, theo tiến sĩ Polsky, là triển khai xét nghiệm ctDNA tại các phòng xét nghiệm bệnh học phân tử lâm sàng nhằm hỗ trợ việc đưa ra quyết định điều trị. Sau đó, một thử nghiệm lâm sàng khác sẽ được tiến hành để đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng xét nghiệm này trong cải thiện kết quả điều trị, được gọi là “tính hữu dụng lâm sàng”.
“Nếu chứng minh được tính hữu dụng lâm sàng, xét nghiệm này sẽ là một bước tiến lớn trong việc quản lý điều trị u hắc tố ở giai đoạn bệnh đã lan rộng”, tiến sĩ Polsky cho biết.
Xét nghiệm máu đột phá mở ra hy vọng mới trong sàng lọc ung thư
Những bước tiến đột phá trong việc phát triển các xét nghiệm sàng lọc ung thư ít xâm lấn đang mở ra một chương mới trong điều trị căn bệnh chết người.