Nghiên cứu biến tế bào hỗ trợ ung thư thành "sát thủ" tiêu diệt khối u

Các nhà khoa học kỳ vọng phương pháp này có thể nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ khi điều trị ung thư.

Ngày 11/4, Viện Khoa học Weizmann (Israel) công bố một bước tiến đột phá trong lĩnh vực y học di truyền khi nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Israel, Mỹ và Trung Quốc đã phát triển thành công phương pháp tái lập trình tế bào miễn dịch, biến chúng từ tác nhân thúc đẩy ung thư thành "vũ khí" tiêu diệt khối u.

Nghiên cứu biến tế bào hỗ trợ ung thư thành

Công trình nghiên cứu tập trung vào đại thực bào, loại tế bào miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp ung thư, đại thực bào lại bị "chiêu dụ" để trở thành đồng minh của khối u, hỗ trợ sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư.

Ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), nhóm nghiên cứu đã phân tích hàng loạt mẫu khối u từ người bệnh và xác định được 120 gene có khả năng chi phối quá trình "chuyển phe" của đại thực bào.

Trong số này, gene Zeb2 được xác định là yếu tố then chốt. Theo các nhà khoa học, Zeb2 đóng vai trò như một công tắc điều khiển. Khi hoạt động, gene này khiến đại thực bào hỗ trợ sự phát triển của ung thư; ngược lại khi bị "tắt", các tế bào này quay trở lại chức năng tự nhiên là tấn công và tiêu diệt khối u.

Kết quả nghiên cứu hứa hẹn mở ra một hướng đi mới trong điều trị ung thư, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn hạn chế tác dụng phụ so với các phương pháp truyền thống.

Viện Khoa học Weizmann kỳ vọng phương pháp này sẽ tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng trong thời gian tới, tiến tới ứng dụng rộng rãi trong điều trị các loại ung thư phức tạp.

TM (theo Scitech Daily)

Nghiên cứu thành công vaccine giúp ức chế nhiều loại ung thư

Nghiên cứu thành công vaccine giúp ức chế nhiều loại ung thư

Các nhà khoa học đã thành công tạo ra loại vaccine mới hoạt động dựa trên phương thức kích hoạt phản ứng miễn dịch cơ thể.