Trong khi công nghệ đang không ngừng thay đổi các ngành công nghiệp trên toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một lực lượng chủ chốt trong việc tái định hình hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ - nhóm đối tượng đã bị bỏ quên quá lâu trong nghiên cứu y học.
Lịch sử y học cho thấy phụ nữ thường bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng, dẫn đến những sai sót trong chẩn đoán, phương pháp điều trị không phù hợp và tỷ lệ phản ứng thuốc bất lợi cao hơn 50 - 75% so với nam giới do liều lượng và quy trình điều trị tập trung chủ yếu vào đối tượng nam giới.
Hệ quả là việc chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ thường xuyên bị đánh giá thấp, chịu sự thiếu hụt về nguồn lực, công nghệ và sự chú ý dẫn đến việc xử lý chậm trễ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và khả năng tiếp cận điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của AI, một cuộc cách mạng đang diễn ra, mở ra cơ hội thu hẹp khoảng cách giới trong y tế.
AI và bước tiến đột phá trong chẩn đoán ung thư vú
Một minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của AI là khả năng phát hiện bệnh sớm chính xác và giảm các bước theo dõi không cần thiết, đặc biệt là trong việc tầm soát ung thư vú.
![]() |
Trong nghiên cứu chụp nhũ ảnh Thụy Điển, các hệ thống AI đã hỗ trợ xác định 244 trường hợp ung thư vú, cao hơn 20% so với kết quả do bác sĩ X-quang thực hiện độc lập. Không chỉ tăng tỷ lệ phát hiện, AI còn giúp giảm các trường hợp gọi lại để thực hiện các xét nghiệm và sinh thiết không cần thiết nhờ khả năng phân biệt giữa các tổn thương lành tính và ác tính.
AI cũng nâng cao hiệu quả bằng cách tăng tốc quá trình tầm soát. Trong khi các bác sĩ X-quang mất thời gian để phân tích hình ảnh thủ công, hệ thống AI có thể nhanh chóng quét hàng nghìn phim chụp nhũ ảnh và làm nổi bật các vùng có khả năng đáng lo ngại.
Điều này cho phép các bác sĩ X-quang tập trung vào các trường hợp phức tạp, cải thiện hiệu quả quy trình làm việc tổng thể. Chẩn đoán nhanh hơn có nghĩa là bắt đầu điều trị sớm hơn, giảm khối lượng công việc của bác sĩ X-quang và ít bỏ sót chẩn đoán hơn, dẫn đến kết quả tốt hơn cho bệnh nhân.
Khảo sát cho thấy hầu hết phụ nữ bày tỏ sự ủng hộ việc chụp nhũ ảnh có sự hỗ trợ của AI. Họ coi AI là một công cụ bổ trợ đáng tin cậy, sẵn sàng chấp nhận nhiều lần kiểm tra hơn nếu điều đó đồng nghĩa với việc tăng khả năng phát hiện bệnh sớm.
Tăng cường nghiên cứu đặc thù giới với chương trình nghiên cứu All of Us
Tại Hoa Kỳ, chương trình nghiên cứu All of Us do Viện Y tế Quốc gia (NIH) dẫn đầu nhằm khắc phục sự chênh lệch giới tính trong nghiên cứu lâm sàng. Sáng kiến này đang định hình lại nghiên cứu y học bằng cách thu thập dữ liệu từ hơn một triệu người tham gia, với trọng tâm là phụ nữ và các nhóm ít được đại diện.
AI đóng vai trò trọng yếu trong việc xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ này, xác định các yếu tố nguy cơ theo giới tính đối với các bệnh lý như tim mạch, rối loạn tự miễn dịch và ung thư vú. Bằng cách kiểm tra dữ liệu về yếu tố di truyền đến môi trường sống và thói quen sinh hoạt, AI có thể giúp các nhà khoa học phát triển các phương pháp điều trị cá thể hóa phù hợp hơn với sinh lý nữ giới.
Chẳng hạn, việc phát triển thuốc với sự hỗ trợ từ AI có thể tạo ra các loại thuốc mang đặc thù riêng về sự chuyển hóa, nồng độ hormone cho đến việc chẩn đoán sớm ung thư buồng trứng và lạc nội mạc tử cung, cho phép điều trị hiệu quả hơn.
![]() |
Bên cạnh đó, y học chính xác với phác đồ điều trị tùy chỉnh dựa theo sinh học cá nhân đang phát triển nhờ AI. Không giống như phương thức truyền thống khi điều chỉnh phương pháp điều trị nghiên cứu trên nam giới cho phụ nữ, AI có thể phân tích dữ liệu đặc thù của nữ giới để tạo ra các loại thuốc đáp ứng tốt hơn nhu cầu sức khỏe của phụ nữ.
Những trở ngại về quyền riêng tư và thiên vị thuật toán
Cùng với những tiềm năng vượt trội, AI cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng. Việc thu thập và xử lý dữ liệu sức khỏe cá nhân làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư. Nếu không có các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt, những thông tin nhạy cảm này có thể bị lạm dụng hoặc rò rỉ.
Việc phát triển các thuật toán mã hóa mạnh mẽ, kiểm soát truy cập nghiêm ngặt và các chính sách minh bạch cho phép bệnh nhân hiểu dữ liệu của họ được sử dụng như thế nào là điều cần thiết để duy trì niềm tin và bảo mật trong chăm sóc sức khỏe dựa trên AI.
Một thách thức lớn khác là sự thiên vị trong dữ liệu đào tạo. Nhiều mô hình AI vẫn được xây dựng từ dữ liệu thiên về nam giới, dẫn đến kết quả chẩn đoán thiếu chính xác cho phụ nữ, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng thiểu số.
Để đảm bảo kết quả chăm sóc sức khỏe công bằng và hiệu quả, các hệ thống AI phải được đào tạo trên các bộ dữ liệu đa dạng, mang tính đại diện thực sự cho mọi nhóm người.
Một điều quan trọng khác là dù AI đang cải thiện rõ rệt hiệu quả và độ chính xác trong y tế, các chuyên gia nhấn mạnh rằng công nghệ này không nên thay thế bác sĩ con người. AI thiếu trí tuệ cảm xúc, khả năng phán đoán và bối cảnh đạo đức. Thay vào đó, AI nên được sử dụng như một công cụ hỗ trợ ra quyết định, tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ giữa công nghệ và con người.
Ví dụ, trong sức khỏe sinh sản, các quyết định dựa trên AI liên quan đến phương pháp điều trị vô sinh hoặc biện pháp tránh thai cần được giám sát cẩn thận để đảm bảo các cân nhắc về đạo đức được duy trì. AI nên hoạt động như một công cụ hỗ trợ quyết định, đảm bảo sự hợp tác giữa các chuyên gia y tế và công nghệ thay vì tự động hóa hoàn toàn.
Chính phủ và các tổ chức chăm sóc sức khỏe cũng phải thiết lập các chính sách rõ ràng về đạo đức AI, bảo vệ dữ liệu và sự công bằng. Bằng cách phát triển quản trị AI toàn diện, các rủi ro có thể được giảm thiểu trong khi tối đa hóa lợi ích của AI trong chăm sóc sức khỏe. Các quy định phải đảm bảo rằng AI vẫn là một công cụ cho sự tiến bộ thay vì làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng hiện có.
![]() |
Trí tuệ nhân tạo, chất xúc tác cho một hệ thống chăm sóc công bằng
Sáng kiến All of Us và các phương pháp chẩn đoán dựa trên AI cho thấy cách AI có thể biến đổi việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ bằng cách thu hẹp khoảng cách giới tính lịch sử. Nghiên cứu dựa trên AI cho phép xác định tốt hơn các rủi ro sức khỏe theo giới tính, dẫn đến các phương pháp điều trị có mục tiêu hơn và cải thiện kết quả sức khỏe cho phụ nữ.
Tuy nhiên, việc phát triển AI có đạo đức phải được ưu tiên nhằm đảm bảo rằng các hệ thống AI được đào tạo trên các bộ dữ liệu đa dạng, không thiên vị.
Khi được triển khai một cách có trách nhiệm, AI có thể trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho một hệ thống y tế công bằng và toàn diện hơn. Từ phát hiện bệnh sớm, cải thiện hiệu quả làm việc, đến cá nhân hóa kế hoạch điều trị, AI đang mở ra cánh cửa cho một tương lai mà sức khỏe phụ nữ được chăm sóc đúng mực và đầy đủ.
Các nhà hoạch định chính sách và tổ chức y tế cần đi đầu trong việc xây dựng các quy định nghiêm ngặt về đạo đức, quyền riêng tư dữ liệu và công bằng trong AI. Khi đó, đầu tư vào công nghệ này không chỉ là cải tiến y học, mà còn là một cam kết rõ ràng cho công lý giới trong chăm sóc sức khỏe.
Trí tuệ nhân tạo liệu có đang giúp thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực STEM?
Dữ liệu cho thấy sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh có thể là bước ngoặt giúp nhà tuyển dụng nhìn nhận lại chiến lược nhân sự.