Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong thị trường lao động với những tiềm năng giúp cải thiện năng suất và tạo ra những việc làm mới. Thế nhưng liệu AI có thể trở thành chất xúc tác giúp thu hẹp khoảng cách giới trong các ngành STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) hay không vẫn đang là một câu hỏi.
Theo báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2024 từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động STEM chỉ chiếm khoảng 28,2%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hơn 47% người làm việc các ngành ngoài STEM. Điều đáng chú ý là dù chiếm hơn một phần ba số sinh viên tốt nghiệp ngành STEM, phụ nữ chỉ nắm giữ 12,2% vị trí lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực này.
![]() |
Báo cáo “sách trắng” từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và LinkedIn có tên “Bình đẳng giới trong Kỷ nguyên thông minh” cho thấy nếu không có chiến lược phù hợp, AI không những không giúp thu hẹp mà có nguy cơ làm nới rộng khoảng cách giới trong lĩnh vực vốn đã mất cân bằng này.
Một yếu tố then chốt được chỉ ra là trong khi ngày càng có nhiều phụ nữ tốt nghiệp các ngành STEM và theo đuổi sự nghiệp công nghệ, một số lượng đáng kể sau đó lại rời bỏ những công việc này theo thời gian. Theo nghiên cứu từ LinkedIn cho thấy, trong số 35,5% phụ nữ tốt nghiệp năm 2017, chỉ có 29,6% còn làm việc trong các vai trò STEM một năm sau đó. Tỷ lệ bỏ việc vẫn tương tự trong những năm tiếp theo.
Thêm vào đó, một hiện tượng được gọi là “rơi rớt khi lên cao” (drop to the top) phản ánh rõ ràng vấn đề này. Nếu như tỷ lệ những đại diện nữ giới có xu hướng giảm dần khi thăng tiến trong một tổ chức nói chung, sự sụt giảm này đặc biệt rõ rệt trong các ngành STEM. Gần một phần tư phụ nữ giữ các vị trí quản lý trong STEM (24,4%), nhưng chỉ có 12,2% đạt đến cấp C-suite (các vị trí lãnh đạo cao nhất như CEO, CTO, CFO...).
AI tạo sinh, cơ hội hay là rào cản?
AI tạo sinh - một trong những công nghệ đột phá nhất hiện nay, đang được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho sự nghiệp và khả năng thăng tiến sự nghiệp. Tuy nhiên, dữ liệu lại cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị AI "bỏ lại phía sau".
Theo sách trắng, AI có thể làm gia tăng một số vai trò công việc hiện tại, nhưng đồng thời cũng cản trở và làm biến mất nhiều vai trò khác.
Số liệu từ LinkedIn tại Hoa Kỳ cho thấy 54% nam giới đang làm việc trong các ngành nghề có khả năng được AI hỗ trợ và duy trì ổn định, trong khi con số này ở nữ giới chỉ là 46%. Ngược lại, phụ nữ chiếm tới 57% các vị trí dễ bị AI thay thế, vượt trội hơn hẳn so với nam giới (43%).
Thái độ của hai giới đối với AI và quá trình chuyển đổi công nghệ cũng có sự khác biệt. Nghiên cứu về khoảng cách giới cho thấy chỉ 54% phụ nữ kỳ vọng các kỹ năng nghề nghiệp của họ sẽ thay đổi đáng kể trong vòng 5 năm tới, trong khi ở nam giới là 61%. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng nhận thấy phụ nữ có phần ngần ngại hơn nam giới trong việc sử dụng AI (34% so với 40%).
Thế nhưng những “thái độ” này đang có sự thay đổi nhanh chóng khi nhiều nhân tài đang cập nhật những kỹ năng AI và công nghệ mới.
![]() |
Theo báo cáo Workmonitor 2025 cho thấy AI hiện đang nằm trong top 3 kỹ năng được ưu tiên đối với 40% nhân tài toàn cầu, tăng mạnh từ 29% của năm ngoái. Tỷ lệ phụ nữ có kỹ năng AI trong hồ sơ cá nhân đã tăng từ 23,5% năm 2018 lên 29,4% vào năm 2025. Xu hướng thu hẹp khoảng cách này được ghi nhận tại 74 trong 75 quốc gia được khảo sát.
Sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh có thể là một bước ngoặt, thúc đẩy các nhà tuyển dụng nhìn nhận lại chiến lược nhân sự. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài AI, việc mở rộng nguồn tuyển dụng sang các nhóm trước đây bị bỏ qua như phụ nữ không chỉ là lựa chọn hợp lý mà còn là chiến lược để tạo lợi thế cạnh tranh
Sáng kiến Tăng tốc bình đẳng giới toàn cầu 2030 của WEF, thông qua các chương trình hành động cụ thể, đang hỗ trợ hơn một triệu phụ nữ tiếp cận các cơ hội kinh tế và huy động hơn 24 triệu USD nhằm gỡ bỏ các rào cản về giới trong lực lượng lao động.
AI có thể là con dao hai lưỡi trong cuộc chiến thu hẹp khoảng cách giới trong STEM. Thành công hay thất bại phụ thuộc vào cách xã hội – từ doanh nghiệp đến các nhà hoạch định chính sách – hành động từ bây giờ. Để AI trở thành công cụ thúc đẩy bình đẳng, thay vì khuếch đại bất công, cần một chiến lược toàn diện, tập trung vào đào tạo, cơ hội tiếp cận và sự thay đổi trong tư duy tuyển dụng.
Phụ nữ trong kỷ nguyên AI: Gia tăng mục tiêu và thách thức
Những định kiến tích hợp trong hệ thống AI dấy lên nguy cơ làm sâu sắc thêm các định kiến hiện có đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số.