Chất béo từ dầu ăn có thể thúc đẩy sự phát triển ung thư vú ác tính

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện axit linoleic, thành phần phổ biến trong dầu ăn có thể kích hoạt sự phát triển loại ung thư khó điều trị nhất hiện nay.

Một nghiên cứu tiền lâm sàng do nhóm chuyên gia tại Weill Cornell Medicine thực hiện và công bố trên Tạp chí Science mới đây đã chỉ ra mối liên kết giữa axit linoleic và tốc độ phát triển của ung thư vú bộ ba âm tính, dạng ung thư không phản ứng với các liệu pháp hormone phổ biến.

Chất béo từ dầu ăn có thể thúc đẩy sự phát triển ung thư vú ác tính

Axit linoleic là một axit béo omega-6, có mặt trong nhiều loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hoa rum và cả trong thực phẩm từ động vật như thịt lợn, trứng. Trong mô hình nghiên cứu trên chuột cho thấy chế độ ăn giàu axit linoleic làm tăng đáng kể tốc độ phát triển khối u, đặc biệt ở nhóm chuột mang loại ung thư vú bộ ba âm tính.

Các nhà khoa học phát hiện rằng axit linoleic kích hoạt con đường tăng trưởng mTORC1 - yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư – thông qua việc liên kết với một loại protein có tên FABP5. Protein này được tìm thấy với hàm lượng cao trong các khối u bộ ba âm tính nhưng không đáng kể ở các dạng ung thư vú khác.

"Phát hiện này giúp làm rõ mối liên hệ giữa chất béo trong chế độ ăn và ung thư, đồng thời làm sáng tỏ cách xác định bệnh nhân nào có thể hưởng lợi nhiều nhất từ các khuyến nghị dinh dưỡng cụ thể theo hướng cá thể hóa", Tiến sĩ John Blenis, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.

Từ những năm 1950, chế độ ăn kiểu phương Tây ngày càng chứa nhiều dầu hạt công nghiệp trong những thực phẩm chiên rán và siêu chế biến, kéo theo sự gia tăng đáng kể lượng omega-6, đặc biệt là axit linoleic. Dù được xem là axit béo thiết yếu đối với cơ thể, việc tiêu thụ quá mức loại chất béo này đang dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ ung thư.

Khác với các nghiên cứu trước thường cho ra kết quả không nhất quán, nghiên cứu mới lần đầu tiên xác định được cơ chế sinh học cụ thể mà qua đó axit linoleic tác động đến sự phát triển ung thư thông qua việc kích hoạt FABP5, dẫn đến tăng hoạt động mTORC1 và sự phát triển khối u.

Chế độ ăn kiểu phương Tây với thực phẩm chiên rán và siêu chế biến dấy nhiều nguy cơ với sức khỏe.
Chế độ ăn kiểu phương Tây với thực phẩm chiên rán và siêu chế biến dấy nhiều nguy cơ với sức khỏe.

Ngoài ung thư vú bộ ba âm tính, nhóm nghiên cứu cũng bước đầu ghi nhận dấu hiệu cho thấy con đường FABP5-mTORC1 có thể đóng vai trò trong sự phát triển của một số dạng ung thư tuyến tiền liệt, cũng như các bệnh lý mãn tính khác như béo phì và tiểu đường.

“Chúng tôi tin rằng FABP5 có thể trở thành một dấu ấn sinh học quan trọng giúp xác định những bệnh nhân nào sẽ hưởng lợi từ các can thiệp dinh dưỡng hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu mới”, Tiến sĩ Nikos Koundouros, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu mở ra triển vọng về việc xây dựng chế độ ăn phòng ngừa ung thư dựa trên yếu tố gene và sinh học phân tử, đặc biệt là đối với các loại ung thư hiện chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.

TM (theo Scitech daily)

AI nâng cao khả năng phát hiện ung thư vú, mở ra hy vọng mới cho phụ nữ

AI nâng cao khả năng phát hiện ung thư vú, mở ra hy vọng mới cho phụ nữ

Một nghiên cứu lớn vừa công bố kết quả ấn tượng về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc nâng cao tỷ lệ phát hiện ung thư vú