Câu hỏi “Liệu nên cho trẻ em tập trung vào việc ghi nhớ các phép tính và bảng cửu chương một cách máy móc, hay cần chú trọng hơn vào việc hiểu sâu các khái niệm toán học?” từ lâu là chủ đề tranh luận sôi nổi trong cộng đồng giáo dục.
Giờ đây, một báo cáo khoa học mới công bố trên tạp chí uy tín "Psychological Science in the Public Interest" đã mang đến một lời giải đáp thuyết phục, dựa trên bằng chứng khoa học về cách bộ não trẻ học tập.
![]() |
Nghiên cứu này, được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia hàng đầu về học toán ở trẻ em, bao gồm Nicole McNeil (Đại học Notre Dame), Nancy Jordan (Đại học Delaware), Alexandria Viegut (Đại học Wisconsin-Eau Claire) và Daniel Ansari (Đại học Western), đã mở rộng định nghĩa về sự thành thạo trong toán học.
Theo chuyên gia, thành thạo không chỉ đơn thuần là khả năng nhớ và tính toán nhanh gọn, mà quan trọng hơn là khả năng nhận biết, hiểu rõ và vận dụng linh hoạt các mối quan hệ số học trong quá trình giải quyết vấn đề. Một chu trình học tập hiệu quả nhất cho trẻ cần diễn ra theo 3 bước:
- Xây dựng nền tảng khái niệm vững chắc: Bắt đầu bằng việc giúp trẻ hiểu sâu sắc ý nghĩa của các con số, phép tính và các nguyên tắc toán học cơ bản.
- Luyện tập có cấu trúc và giới hạn thời gian: Sau khi đã nắm vững khái niệm và đạt được độ chính xác cao trong tính toán, trẻ sẽ thực hành trong những khoảng thời gian ngắn để tăng tốc độ và sự lưu loát.
- Thảo luận và suy ngẫm: Kết thúc bằng việc trao đổi, phân tích lại các bài toán đã làm để củng cố kiến thức, phát hiện ra các quy luật và đào sâu hơn sự hiểu biết.
Quá trình phát triển kỹ năng toán học ở trẻ bắt đầu rất sớm, ngay từ những năm mầm non, với việc hình thành ý thức về các con số và khả năng suy luận số học. Giống như việc học âm vị là nền tảng cho kỹ năng đọc, những trải nghiệm toán học sớm giúp trẻ hiểu ý nghĩa của các con số, mối quan hệ giữa chúng và cách chúng hoạt động trong các phép tính. Phụ huynh và giáo viên có thể tận dụng các cơ hội trong cuộc sống hàng ngày để giúp trẻ làm quen với việc đếm, nhận biết số lượng trong các nhóm đồ vật quen thuộc.
Theo các nhà nghiên cứu, việc giảng dạy toán cho trẻ cần được theo dõi tiến độ từ sớm để kịp thời phát hiện và lấp đầy những khoảng trống trong nhận thức về số. Bên cạnh đó, phụ huynh và giáo viên cần cung cấp hướng dẫn rõ ràng về các chiến lược tư duy hiệu quả, ví dụ như cách sử dụng số 10 làm điểm tham chiếu trong các phép tính. Đặc biệt, việc luyện tập có giới hạn thời gian chỉ nên được áp dụng sau khi trẻ đã thể hiện được độ chính xác cao với các phép tính. Kết hợp việc luyện tập này với thảo luận sâu sẽ giúp các em không chỉ tính nhanh mà còn hiểu rõ "tại sao" và "như thế nào" các phép tính hoạt động.
Nghiên cứu khẳng định, những học sinh thành thạo toán sẽ có nền tảng vững chắc để tiếp thu các kiến thức toán học phức tạp hơn trong tương lai như đại số, hình học, hay giải các bài toán có lời văn và suy luận với phân số. Hơn thế nữa, kỹ năng toán học tốt còn có mối liên hệ chặt chẽ với thành tích học tập chung và thậm chí là mức thu nhập trong tương lai.
Từ những phát hiện này, các nhà nghiên cứu khuyên hệ thống giáo dục cần áp dụng rộng rãi các phương pháp giảng dạy dựa trên bằng chứng khoa học về cách trẻ em học toán. Họ cũng đề xuất tích hợp nhiều kiến thức về khoa học nhận thức phát triển vào chương trình đào tạo giáo viên để trang bị cho các nhà giáo những công cụ hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, Giáo sư Melissa E. Libertus từ Đại học Pittsburgh, một chuyên gia trong lĩnh vực, cũng lưu ý rằng cần có thêm nghiên cứu về việc ứng dụng công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ học toán cá nhân hóa, cũng như vai trò của sự lo lắng về toán từ phía phụ huynh. Dù vậy, bà hoàn toàn đồng tình rằng những phương pháp học tập dựa trên nghiên cứu mới này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng toán học thiết yếu để vững bước vào tương lai.
Nghiên cứu đột phá mở ra khả năng tìm lại ký ức thời thơ ấu
Nghiên cứu được đánh giá là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực khoa học thần kinh và tâm lý học phát triển, hứa hẹn sẽ dẫn đường cho những khám phá mới về trí nhớ và nhận thức.