Vi khuẩn miệng có thể giúp phát hiện sớm chứng tự kỷ

Nghiên cứu hé lộ tiềm năng về một công cụ giúp phát hiện sớm chứng tự kỷ trong những giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ.

Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Hong Kong (HKU) vừa công bố phát hiện quan trọng, cho thấy hệ vi sinh vật trong khoang miệng có thể hỗ trợ chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD) với độ chính xác lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of Dentistry, mở ra hướng đi mới trong việc phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ em.

Vi khuẩn miệng có thể giúp phát hiện sớm chứng tự kỷ

Trong khi mối liên hệ giữa vi sinh vật đường ruột và chứng tự kỷ đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu trước, hệ vi sinh vật miệng vẫn là một lĩnh vực chưa được khám phá đầy đủ. Nhằm lấp đầy khoảng trống này, nhóm nghiên cứu liên ngành thuộc khoa Nha và khoa Tâm lý học của HKU đã tiến hành phân tích mẫu vi khuẩn miệng từ 55 trẻ em, gồm 25 trẻ mắc chứng tự kỷ và 30 trẻ phát triển bình thường, trong độ tuổi từ 3 đến 6.

Kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hệ vi sinh vật của hai nhóm. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xác định được 11 loài vi khuẩn có khả năng đóng vai trò như các dấu ấn sinh học tiềm năng cho ASD.

Dựa trên các dữ liệu này, nhóm đã phát triển một mô hình dự đoán có thể xác định trẻ mắc chứng tự kỷ với độ chính xác đạt 81%, chỉ bằng phương pháp lấy mẫu vi khuẩn miệng đơn giản và không xâm lấn.

Các nhà khoa học kỳ vọng mô hình này có thể được tích hợp vào các lần khám răng định kỳ cho trẻ em, từ đó trở thành công cụ hỗ trợ phát hiện sớm và giới thiệu trẻ đến chuyên gia để đánh giá chuyên sâu hơn.

Bên cạnh sự thuận tiện và không xâm lấn, phương pháp này còn giúp giảm sự phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người chăm sóc hoặc giáo viên, yếu tố vốn ảnh hưởng lớn đến độ chính xác của các phương pháp sàng lọc hiện tại.

Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ mở rộng quy mô mẫu và tiếp tục hoàn thiện mô hình nhằm hướng tới ứng dụng rộng rãi trong thực tế.

ASD là tình trạng phát triển kéo dài suốt đời, gây ra những khó khăn trong giao tiếp xã hội và hành vi thường biểu hiện qua các thói quen lặp đi lặp lại và sở thích hạn chế. Việc chẩn đoán sớm đóng vai trò then chốt trong việc can thiệp hiệu quả, nhưng hiện nay đa phần trẻ chỉ được chẩn đoán khi đã khoảng 5 tuổi, hoặc muộn hơn với các trường hợp nhẹ.

Nghiên cứu mới từ HKU đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy những vi sinh vật không chỉ ở ruột mà cả trong khoang miệng có thể trở thành công cụ sàng lọc khách quan và đầy hứa hẹn, hỗ trợ phát hiện sớm tự kỷ trong những giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ.

TM (theo Neuroscience News)

Phát hiện mới về hoạt động của não liên quan đến chứng tự kỷ

Phát hiện mới về hoạt động của não liên quan đến chứng tự kỷ

Phát hiện mở ra tiềm năng trong việc nghiên cứu và điều trị các chứng rối loạn xã hội.