Một nghiên cứu mới từ Đại học Haifa đã làm sáng tỏ cơ chế hoạt động của não bộ trong việc nhận diện cảm xúc, mở ra hướng đi tiềm năng trong nghiên cứu và điều trị các rối loạn xã hội như chứng tự kỷ.
Công trình này, được công bố trên tạp chí Current Biology, nhấn mạnh vai trò quan trọng của "vỏ não trước trán trung gian" (mPFC) trong việc nhận diện cảm xúc và điều chỉnh hành vi xã hội. Đây là một phát hiện quan trọng nhằm lý giải những khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội thường gặp ở người mắc chứng tự kỷ.
![]() |
Ảnh: GettyImages |
Nhằm làm rõ cách thức hoạt động của não bộ trong việc nhận diện cảm xúc, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên chuột, sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như thao tác di truyền và đo hoạt động thần kinh theo thời gian thực. Kết quả cho thấy, tế bào thần kinh trong vùng tiền viền (prelimbic) của mPFC phản ứng khác nhau tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc của đồng loại.
Đáng chú ý, những con chuột có xu hướng tiếp cận những con đang căng thẳng, phản ánh khả năng phản ứng với trạng thái cảm xúc của đồng loại. Tuy nhiên, khi hoạt động thần kinh trong mPFC bị gián đoạn, chuột mất đi khả năng này. Điều này cho thấy hoạt động bất thường của mPFC có thể liên quan đến khó khăn trong nhận diện cảm xúc và hành vi xã hội – một trong những đặc điểm cốt lõi của chứng tự kỷ.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà khoa học đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên chuột mang đột biến gene liên quan đến tự kỷ. Mục tiêu là làm rõ hơn cách thức thay đổi trong hoạt động thần kinh ảnh hưởng đến hành vi xã hội, từ đó mở đường cho các phương pháp can thiệp và điều trị hiệu quả hơn trong tương lai.
Nghiên cứu này không chỉ góp phần nâng cao hiểu biết về chứng tự kỷ mà còn mở ra cơ hội phát triển các phương pháp điều trị nhằm cải thiện kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội cho những người mắc rối loạn này.
Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể gây suy giảm nhận thức
Chỉ vài giờ hít thở không khí ô nhiễm cũng có thể làm suy yếu sự tập trung và làm giảm khả năng chú ý có chọn lọc.