WHO đề xuất khuyến nghị mới về muối ăn

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị giảm lượng natri tiêu thụ trong chế độ ăn uống bằng muối giàu kali để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Lời khuyên ăn ít muối natri clorua trước nay không phải là mới. Nhiều bằng chứng đã cho thấy natri dư thừa trong cơ thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận... Theo ước tính từ WHO, mỗi năm có khoảng 1,9 triệu ca tử vong được cho là từ việc ăn quá nhiều muối.

Theo hướng dẫn mới đây, WHO khuyến khích người dân sử dụng muối kali clorua (còn gọi là muối K) thay thế muối ăn truyền thống. Việc thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp giảm lượng natri tiêu thụ và phòng ngừa các bệnh mãn tính liên quan đến tim mạch.

Tuy nhiên, khuyến nghị này không áp dụng cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người mắc bệnh suy thận do chưa có đủ dữ liệu về tác động của muối kali đối với nhóm đối tượng này.

WHO đề xuất khuyến nghị mới về muối ăn

Muối ăn thông thường chủ yếu chứa natri clorua, trong khi muối K thay thế một phần bằng kali clorua. Kali là khoáng chất có lợi cho sức khỏe, giúp kiểm soát huyết áp và có nhiều trong thực phẩm tự nhiên như các loại đậu, rau xanh (cải bó xôi, cải bắp), cũng như trái cây (chuối, đu đủ).

Nhiều nghiên cứu cho thấy muối kali có thể giảm khoảng 30% hàm lượng natri trong thực phẩm mà không ảnh hưởng đến hương vị. Trong khi mọi người nạp quá nhiều natri thì cơ thể lại không nhận đủ lượng kali khuyến cáo 3,5g mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc cắt giảm natri và tăng lượng kali đều có thể giúp giảm đáng kể huyết áp.

WHO đã phân tích 26 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên gần 35.000 người tham gia, với thời gian theo dõi từ 2 tháng đến 5 năm. Kết quả cho thấy, việc thay thế muối thông thường bằng muối kali giúp giảm trung bình 4,76 mmHg huyết áp tâm thu và 2,43 mmHg huyết áp tâm trương. Điều này làm giảm nguy cơ đột quỵ không gây tử vong xuống 10% và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch xuống 23%. Việc sử dụng muối thay thế cũng giúp tăng nhẹ nồng độ kali trong máu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang muối kali cũng gặp nhiều thách thức, chẳng hạn như những người mắc bệnh thận sẽ tiến triển không tốt với loại muối này, hơn nữa sản phẩm muối giàu kali có giá bán cao hơn nhiều so với loại muối natri thông thường.

Dù đưa ra khuyến nghị này, WHO cũng không bắt buộc chuyển sang sử dụng muối kali mà chỉ xem đây là một trong nhiều biện pháp kiểm soát natri trong chế độ ăn. WHO cũng nhấn mạnh rằng cắt giảm lượng natri tiêu thụ xuống dưới 2 gram mỗi ngày (tương đương 5 gram muối) là mục tiêu quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trên toàn cầu.

TM (theo WHO)

Xoài có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường type 2

Xoài có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường type 2

Một nghiên cứu mới từ Mỹ cho thấy xoài - loại trái cây nhiệt đới có vị ngọt và chua đặc trưng - có thể không giống như nhiều người nghĩ.