Lợi khuẩn từ phô mai có thể giúp giảm triệu chứng tự kỷ

Nghiên cứu mang đến hy vọng mới cho nhiều gia đình đang tìm kiếm phương pháp điều trị không xâm lấn cho trẻ mắc tự kỷ.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện rằng lợi khuẩn có trong phô mai có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Phát hiện này mở ra hy vọng về một phương pháp điều trị mới, ít xâm lấn hơn cho hàng triệu người mắc chứng rối loạn này trên toàn cầu.

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một tình trạng thần kinh kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi của người mắc. Theo thống kê, hơn 60 triệu người trên thế giới hiện đang sống chung với ASD và số ca chẩn đoán ngày càng gia tăng.

Các nhà khoa học từ Viện Động vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã khám phá mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột và chứng tự kỷ. Họ dựa trên những bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng não bộ, tâm trạng và nhận thức.

Lợi khuẩn từ phô mai có thể giúp giảm triệu chứng tự kỷ

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Genomics ngày 12/2 cho thấy rằng việc bổ sung probiotic Lactobacillus rhamnosus – một loại vi khuẩn thường có trong quá trình lên men sữa – đã giúp cải thiện đáng kể hành vi xã hội của chuột thí nghiệm mắc chứng tự kỷ.

Trước đây, ASD được cho là có liên quan đến các yếu tố di truyền và môi trường. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của trục ruột – não, một hệ thống liên lạc hai chiều giữa đường tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương. Sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột đã được chứng minh có liên quan đến nhiều rối loạn thần kinh, bao gồm lo âu và trầm cảm.

Dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học gen Zhao Fangqing, nhóm nghiên cứu tập trung vào gene CHD8, một gene đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não bộ và ruột. Đột biến ở gene này là một trong những dấu hiệu di truyền phổ biến nhất của ASD.

Bằng cách sử dụng công nghệ giải trình tự RNA đơn bào tiên tiến, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mô hình chuột có đột biến CHD8 đặc hiệu ở tế bào ruột. Những con chuột này thể hiện các triệu chứng điển hình của ASD, như giảm hứng thú với sự mới lạ trong môi trường xã hội và mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh glutamate và GABA trong vỏ não.

Khi được bổ sung Lactobacillus rhamnosus hàng ngày trong một tháng, những con chuột thí nghiệm đã có sự phục hồi đáng kể về tính dẻo dai của khớp thần kinh – một cơ chế quan trọng trong việc học tập và ghi nhớ. Ngoài ra, số lượng tế bào thần kinh Drd2-dương tính, vốn điều chỉnh động lực xã hội, cũng gia tăng đáng kể. Đặc biệt, những con chuột này đã lấy lại sự tò mò với môi trường xã hội mới, một biểu hiện quan trọng cho thấy sự cải thiện trong hành vi.

Theo thông cáo báo chí của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, phát hiện này giúp làm sáng tỏ hơn về cơ chế phân tử của ASD và có thể mở đường cho các phương pháp điều trị mới trong tương lai. Mặc dù nghiên cứu tập trung vào tác động của probiotic đối với hệ vi sinh vật đường ruột, kết quả cho thấy ảnh hưởng tích cực của chúng đến não bộ, củng cố thêm giả thuyết rằng ruột có thể hoạt động như một "bộ não thứ hai."

Hy vọng về liệu pháp probiotic cho người mắc ASD

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần tiến hành thêm thử nghiệm trên người để xác nhận tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Tuy nhiên, nghiên cứu đã mang đến hy vọng mới cho nhiều gia đình đang tìm kiếm phương pháp điều trị không xâm lấn cho trẻ mắc tự kỷ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến năm 2023, cứ 36 trẻ em Mỹ thì có một em được chẩn đoán mắc ASD cho thấy nhu cầu cấp thiết về các phương pháp điều trị hiệu quả.

Nếu probiotic được chứng minh là hiệu quả, đây có thể trở thành một phương pháp can thiệp mới cho trẻ tự kỷ với ít tác dụng phụ hơn so với các liệu pháp hiện tại. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục nghiên cứu cách các tín hiệu từ ruột có thể ảnh hưởng chính xác đến các mạch não.

Hiện nay, sự quan tâm toàn cầu đối với các phương pháp điều trị dựa trên hệ vi sinh vật đang ngày càng gia tăng. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đang được thực hiện để đánh giá tác động của probiotic đối với các bệnh lý khác như trầm cảm và Parkinson. Nếu thành công, đây có thể là bước tiến quan trọng trong y học, mở ra cơ hội mới cho những người mắc các rối loạn phát triển thần kinh.

Minh Nguyễn (theo SCMP)

Phát hiện mới về hoạt động của não liên quan đến chứng tự kỷ

Phát hiện mới về hoạt động của não liên quan đến chứng tự kỷ

Phát hiện mở ra tiềm năng trong việc nghiên cứu và điều trị các chứng rối loạn xã hội.