Phát hiện nguy cơ mới từ rác thải nhựa với thực vật và sức khỏe con người

Các hạt vi nhựa làm tăng đáng kể khả năng hấp thụ độc tố ở thực vật và người.

Theo hai nghiên cứu do Đại học Rutgers dẫn đầu, các hạt vi nhựa và nano nhựa đang làm gia tăng đáng kể lượng hóa chất độc hại xâm nhập vào thực vật và tế bào người. Những phát hiện này làm gia tăng mối lo ngại về ô nhiễm nhựa đối với an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.

Phát hiện nguy cơ mới từ rác thải nhựa với thực vật và sức khỏe con người

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí NanoImpact chỉ ra rằng cây xà lách khi tiếp xúc với hạt nano nhựa và các chất ô nhiễm môi trường, như asen, đã hấp thụ lượng độc tố nhiều hơn đáng kể so với khi chỉ tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Microplastics đã chứng minh rằng quá trình này cũng diễn ra tương tự trong mô ruột người, thúc đẩy quá trình vận chuyển các chất ô nhiễm và nhựa vào cơ thể.

Vòng tuần hoàn nguy hiểm

Khi rác thải nhựa phân hủy thành các vi nhựa và nano nhựa siêu nhỏ, chúng gây ô nhiễm đất và nguồn nước, làm gia tăng khả năng hấp thụ chất độc tố của thực vật. Con người khi tiêu thụ những loại thực vật này sẽ có nguy cơ nhiễm độc tố và hạt nhựa cao hơn, đe dọa an toàn sức khỏe.

“Chúng ta đã đẩy 7 tỷ tấn rác thải nhựa vào môi trường. Chúng đang vỡ vụn và gây ô nhiễm mọi thứ quanh ta – từ nước uống, thức ăn cho tới không khí”, Giáo sư Philip Demokritou, Giám đốc Trung tâm Khoa học Nano và Vật liệu Tiên tiến tại Đại học Rutgers, cho biết.

Ảnh: NanoImpact
Ảnh: NanoImpact

Sử dụng hệ thống tiêu hóa mô phỏng và các mô hình ruột non của con người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu Đại học Rutgers đã ghi nhận rằng các hạt nhựa nano đã làm tăng lượng asen được hấp thụ lên gần 6 lần so với khi chỉ tiếp xúc với asen. Hiện tượng tương tự cũng được quan sát thấy với thuốc trừ sâu boscalid thường được sử dụng.

Thậm chí đáng lo ngại hơn, khi có mặt các hóa chất này, các tế bào trong cơ thể đã hấp thụ lượng hạt nhựa gấp đôi so với thông thường.

Khi thử nghiệm trên cây xà lách bằng cách cho xà lách tiếp xúc với hai kích cỡ hạt nhựa polystyrene - 20 nanomet và 1.000 nanomet - cùng với asen và boscalid. Kết quả cho thấy các hạt nhỏ hơn có ảnh hưởng lớn nhất, làm tăng nồng độ asen trong mô thực vật ăn được gần gấp 3 lần so với chỉ tiếp xúc với asen.

Những tác động này vẫn rõ ràng trong cả hệ thống thủy canh và các thí nghiệm dựa trên đất. Sử dụng hình ảnh độ phân giải cao, các nhà nghiên cứu đã xác minh rằng các hạt nhựa nhỏ hơn có thể di chuyển từ rễ vào các mô trên mặt đất của cây, cho phép chúng tích tụ ở các khu vực mà mọi người thường ăn.

Giải pháp cho tương lai

Theo các chuyên gia, hiện đã có một lượng lớn rác thải nhựa ngoài môi trường nên sự ô nhiễm này có thể vô thời hạn, tác động tới sức khỏe cộng đồng.

Ngoài việc kêu gọi nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, nhóm nghiên cứu cũng tìm kiếm các giải pháp thay thế như sử dụng nhựa phân hủy sinh học, tuân thủ nguyên tắc: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Việc phát triển vật liệu thay thế cũng cần vượt qua những trở ngại về kỹ thuật, kinh tế và xã hội.

TM (theo Earth)

Những thực phẩm chứa hàm lượng vi nhựa cao dễ gây ung thư

Những thực phẩm chứa hàm lượng vi nhựa cao dễ gây ung thư

Đây là những thực phẩm quen thuộc hàng ngày trong cuộc sống.