Bọt biển từ bông và xương mực hấp thụ hơn 99% vi nhựa trong nước

Vật liệu là bước đột phá trong giải quyết vấn đề môi trường nhức nhối đang lan rộng.

Một nhóm nhà khoa học tại Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) mới đây cho biết đã thành công trong việc tạo một vật liệu bọt biển sinh học làm từ bông và xương mực, có khả năng hấp thụ tới 99,9% hạt vi nhựa trong nước.

Miếng bọt biển được tạo bằng cách sử dụng chiết xuất từ xương mực và cellulose bông (thành phần chính của sợi bông tự nhiên), có thể hấp thụ nhiều loại vi nhựa phổ biến có kích thước dưới 5 mm xuất phát từ bao bì thực phẩm, hàng dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác.

Bọt biển làm từ bông và xương mực.
Bọt biển làm từ bông và xương mực.

Bằng cách sử dụng các mẫu từ bốn nguồn điển hình bao gồm nước tưới tiêu, nước hồ, nước biển và nước ao, nghiên cứu đã cho thấy khả năng hấp thụ của vật liệu, về cơ bản không chịu ảnh hưởng bởi các hạt vô cơ, kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ hoặc vi sinh vật trong nước, phản ánh tính ổn định của nó trong môi trường nước thực tế.

Ngoài việc có thể loại bỏ 99,9% vi nhựa khỏi nước trong chu kỳ đầu tiên, bọt biển sinh học này thậm chí còn duy trì hiệu quả loại bỏ trên 95% vi nhựa sau 5 năm, cho thấy khả năng tái sử dụng tối ưu của vật liệu này.

Với ưu điểm dễ tiếp cận và nguyên liệu giá rẻ, vật liệu sinh học này dự kiến sẽ được ứng dụng rộng rãi để loại bỏ vi nhựa dưới nước, giúp giải quyết vấn đề môi trường nhức nhối.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ,vi nhựa đã trở thành vấn đề ngày càng đáng lo ngại đối với môi trường và sức khỏe con người khi xuất hiện khắp mọi nơi, ngay cả trong nước máy, nước đóng chai hay đồ uống thông thường. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng vi nhựa có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

TM (theo Guardian)

Nghiên cứu phát triển nhựa hòa tan trong nước từ tế bào sống

Nghiên cứu phát triển nhựa hòa tan trong nước từ tế bào sống

Vật liệu có thể kéo giãn như màng bọc thực phẩm, có thể chỉnh sửa cấu trúc và dễ dàng tan nhanh trong nước.