Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước bài viết đầy đau đớn của một bà mẹ đơn thân ở Hà Nội, có con trai sinh năm 2010 – tức đang học lớp 9 và chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THCS, thi lên lớp 10. Thay vì là thời điểm tập trung cao độ cho việc học, cậu con trai lại lao đầu vào game, mạng xã hội và các mối quan hệ ảo trên không gian mạng.
Trong bài viết dài như một tiếng kêu cứu, người mẹ kể rằng chị đã dùng mọi cách – từ mềm mỏng đến cứng rắn – nhưng con trai không chỉ không thay đổi, mà còn ngày càng trượt dài trong sự bất cần, hỗn xược và bạo lực. Đỉnh điểm là khi chị yêu cầu con dừng chơi game để trả lại máy tính, cậu bé đã đẩy mẹ ngã sõng soài xuống sàn, mặc kệ mẹ đau đớn. Sau đó, con trai còn cố thủ trong phòng, khóa cửa để tiếp tục chơi game suốt đêm.
Hành vi không dừng ở đó. Người mẹ cho biết, sau khi chị giấu máy tính để ngăn con chơi tiếp, cậu bé đã lục tung cả nhà, tháo cả camera để "qua mặt" mẹ, và tiếp tục ngồi ôm máy tính chơi game vào buổi chiều khi mẹ đi làm về. Khi bị mẹ chất vấn, cậu đáp lại đầy thách thức, yêu cầu mẹ "đừng can thiệp vào cuộc sống của con", "iễn con làm đủ bài cô giao là được, đến lớp ngủ cũng không sao".
![]() |
![]() |
![]() |
Những chia sẻ của người mẹ |
Chị cũng chia sẻ rằng những nỗ lực như đưa con đi làm từ thiện, đi chơi để trò chuyện tâm sự, hay thậm chí gợi ý cho con về quê sống với ông bà nội đều bị từ chối. Trái lại, con trai ngang nhiên đuổi mẹ ra khỏi nhà, yêu cầu mẹ "về bên ngoại mà ở, để con được tự do".
Bà mẹ kết lại bằng sự tuyệt vọng khi chia sẻ rằng, nỗi lo lớn nhất hiện tại của chị là vấn đề đạo đức và lối sống của con. Nếu không thay đổi, chị sợ rằng, dù học ở đâu con cũng sẽ phá.
Đây không chỉ là câu chuyện của một gia đình
Câu chuyện này khiến nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng, nhưng thực tế, nó không phải là hiếm gặp. Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên lớn lên trong môi trường công nghệ mà thiếu sự hướng dẫn và kỷ luật đúng cách.
Điều đáng chú ý nhất ở đây không chỉ là việc cậu bé nghiện game, mà là thái độ vô cảm, vô lễ và chống đối đến mức bạo lực với mẹ - người nuôi dạy mình một cách vất vả. Đây là dấu hiệu nguy hiểm về sự lệch chuẩn nhân cách và cảm xúc, không đơn thuần là một giai đoạn “tuổi dậy thì nổi loạn” như nhiều người thường nghĩ.
Vì sao điều này lại xảy ra? Một số nguyên nhân có thể nhìn thấy trong câu chuyện này:
- Gia đình đơn thân, thiếu sự hỗ trợ và vai trò của người cha trong giáo dục và kỷ luật.
- Thiếu ranh giới kỷ luật rõ ràng từ sớm: việc "thỏa hiệp" ban đầu, như cho dùng điện thoại theo giờ nhưng không kiểm soát nghiêm, đã tạo tiền lệ cho con lấn tới.
- Không có sự can thiệp chuyên môn đúng lúc: mẹ từng tìm đến chuyên gia tâm lý nhưng chi phí quá cao nên không tiếp tục.
- Ảnh hưởng nặng từ mạng xã hội, game online và bạn bè ảo, khiến đứa trẻ sống trong thế giới riêng và không còn biết kính trọng người thân.
Cần hành động gấp và có chiến lược rõ ràng
Trong trường hợp này, người mẹ không thể tiếp tục nhẫn nhịn hay chờ con “thi xong rồi tính tiếp”. Dưới đây là các bước cần cân nhắc kỹ lưỡng:
1. Thiết lập lại ranh giới kỷ luật ngay lập tức
- Thu hồi toàn bộ thiết bị điện tử, kể cả máy tính, điện thoại – không thương lượng.
- Không “cầu xin” con hợp tác. Đây là lúc người lớn cần thể hiện vai trò quyền lực và kỷ luật cha mẹ.
- Nếu con phản kháng mạnh, cần có sự hỗ trợ của người lớn khác (ông bà, họ hàng, giáo viên) hoặc báo chính quyền địa phương nếu có dấu hiệu bạo lực gia đình.
2. Tạm hoãn kỳ vọng học hành để xử lý vấn đề đạo đức
Không đặt nặng chuyện con có thi đỗ hay không nữa. Khi nhân cách lệch lạc, bằng cấp không còn ý nghĩa.
Có thể để con thi với năng lực hiện tại, sau đó dành một năm “gap year” để điều chỉnh lại nhân cách, thói quen và kỷ luật sống.
3. Tìm kiếm hỗ trợ tâm lý – dù ít, còn hơn không
Trong chia sẻ, người mẹ này viết, gia đình không đủ khả năng chi trả các gói tham vấn tâm lý đắt đỏ, tuy nhiên nhiều bệnh viện công có cung cấp dịch vụ khám và tư vấn với chi phí thấp hơn.
Ngoài ra, có thể kết hợp liệu pháp gia đình, trong đó mẹ và con cùng tham gia để cải thiện mối quan hệ.
4. Thay đổi môi trường sống tạm thời
Nếu con không chịu sống cùng mẹ với kỷ luật, hãy chuyển con về sống với ông bà (nếu có thể) để thay đổi môi trường và kiểm soát chặt hơn.
Tạm thời ngắt khỏi môi trường cũ – nơi con dễ tiếp cận bạn bè xấu và công nghệ.
5. Gắn kết lại bằng hành động thay vì lời nói
Không trách móc nữa. Hãy tìm những việc cùng làm, cùng chịu trách nhiệm: đi làm thuê, nấu ăn, chăm sóc người khác…
Trẻ sẽ học được sự đồng cảm từ trải nghiệm thật, không phải qua lời dạy.
Làm cha mẹ trong thời đại số là một thử thách khắc nghiệt
Câu chuyện đau lòng của người mẹ đơn thân là một tấm gương cảnh tỉnh cho hàng ngàn gia đình khác. Không phải cứ “dạy con bằng yêu thương” là đủ. Yêu thương cần đi cùng nguyên tắc và giới hạn rõ ràng.
Một đứa trẻ có thể học lại từ đầu, nhưng tâm hồn và đạo đức bị lệch lạc sẽ khó sửa nếu người lớn không kịp thời hành động. Hy vọng bà mẹ trong câu chuyện trên sớm tìm được hướng đi đúng cho con, và cũng hy vọng rằng các bậc cha mẹ đang nuôi dạy con ở tuổi teen sẽ học được điều gì đó trước khi quá muộn.
8 chiến lược nuôi dạy con xuất sắc, cha mẹ nào cũng nên nắm chắc
Trong xã hội hiện đại, thành công không chỉ là điểm số hay bằng cấp, mà còn là khả năng vượt qua thử thách và phát triển trí tuệ cảm xúc.