Ngày 7/2: Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã công bố hồ sơ dự án Luật Bản dạng giới do đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí thực hiện.
Về lý do đề nghị xây dựng dự luật, ông Trí cho rằng bản dạng giới là một cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống. Nhận thức giới tính đó không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học và không phải thiên hướng tình dục.
Bản dạng giới có thể là nữ hoặc nam hoặc không phải nam không phải nữ. Người chuyển giới là người có bản dạng giới không trùng với giới tính sinh học khi sinh ra. Nhiều người chuyển giới có nhu cầu được công nhận bản dạng giới khác với giới tính khi sinh bằng các thủ tục pháp lý hoặc hành chính. Một số người còn có thêm nhu cầu chuyển đổi giới tính bằng cách thay đổi cơ thể thông qua can thiệp y tế.
Công ước quốc tế quy định quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phải tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử và kỳ thị nào, trong đó bao gồm yếu tố "xu hướng tính dục" và "bản dạng giới".
Cộng đồng LGBT (Lesbian - đồng tính nữ, Gay - đồng tính nam, Bisexual - lưỡng tính và Transgender - chuyển giới) chiếm 3-7% dân số thế giới, trong đó tỷ lệ người chuyển giới khoảng 0,3-0,5%. Đến tháng 11/2021, dân số Việt Nam là 98,5 triệu, ước tính có 300.000-500.000 người chuyển giới.
Ông Trí cho rằng Luật Bản dạng giới phù hợp với quy định trong Bộ luật Dân sự - cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 mới xác định nguyên tắc "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật", mà chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó thực hiện. Cơ quan có thẩm quyền cũng khó xác định quy trình, thủ tục công nhận chuyển đổi giới tính.
Việc chưa có quy định pháp lý đầy đủ dẫn đến người chuyển giới không có giấy tờ nhân thân đúng với giới tính mà mình mong muốn; không có quy trình về can thiệp y học, chăm sóc sức khỏe phù hợp. Người chuyển giới tại Việt Nam không được tư vấn, chuẩn bị đầy đủ về tâm lý trước và sau khi chuyển đổi; quyền công nhận giới tính khác với giới tính khi sinh chưa được coi là một quyền nhân thân.
"Như vậy, có khoảng nửa triệu người chưa được bảo vệ quyền nhân thân trọn vẹn, thậm chí còn bị xâm hại, ngược đãi", ông Trí nói.
Ông Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Luật cần khẳng định chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân; thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính; tích cực hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
"Việc xây dựng dự án luật này nhằm đảm bảo nhân quyền hay quyền con người, hội nhập quốc tế và thể hiện sự văn minh của đất nước", ông Trí nêu rõ.
Luật cần khẳng định LGBT là cấu phần tất yếu của xã hội, không phải bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống. Ngoài ra, Luật cũng phải quy định điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
"Luật sẽ tạo cơ sở để phát triển kỹ thuật can thiệp y học chuyển đổi giới tính, giúp Nhà nước tăng nguồn thu ngân sách, tránh bị chảy máu ngoại tệ do người Việt Nam ra nước ngoài chuyển đổi giới tính", ông Trí nói.
Đề cương chi tiết dự thảo Luật Bản dạng giới có 5 chương và 27 điều. Chương I giới thiệu từ ngữ, phạm vi điều chỉnh; hành vi bị nghiêm cấm và quyền, nghĩa vụ có liên quan. Chương II gồm điều kiện, hồ sơ, thủ tục công nhận bản dạng giới; Chương III về tâm lý, can thiệp y tế, khám, điều trị cho người chuyển giới; Chương IV là quản lý Nhà nước đối với chuyển đổi giới tính và Chương V là điều khoản thi hành.
Ông Trí mong dự án được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (tháng 3-2023).
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Số người thiệt mạng tăng lên 12.000
Theo số liệu thống kê tính đến 6h sáng ngày 9/2 (giờ Việt Nam), số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng vừa qua ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã vượt 12.000 người.