Những dấu chân hóa thạch được xác định có niên đại lên tới 350 triệu năm mới đây được phát hiện tại vùng núi bang Victoria, Đông Nam Australia đã cho thấy bằng chứng lâu đời nhất về hành trình rời đại dương để sống hoàn toàn trên cạn ở động vật có xương sống.
![]() |
Hình minh họa về sinh vật giống loài bò sát sống cách đây khoảng 350 triệu năm tại vùng núi bang Victoria, Australia. |
Công trình nghiên cứu do nhóm nhà khoa học quốc tế dẫn đầu bởi giáo sư Per Ahlberg, nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Uppsala (Thụy Điển), vừa được công bố ngày 14/5 trên Tạp chí Nature. Theo đó, các dấu chân được tìm thấy trên một phiến đá sa thạch rộng khoảng 30cm, có niên đại từ cuối kỷ Devon đến đầu kỷ Than đá, khi siêu lục địa Gondwana còn tồn tại.
Bằng chứng đầu tiên là một dấu chân đơn lẻ in hằn trên nền đất, kèm theo các vết lõm nhỏ li ti – tàn tích của một trận mưa ngắn sau khi dấu chân được tạo ra. Sau đó là hai bộ dấu chân khác, trong đó một bộ cho thấy sinh vật đã di chuyển vội vã, để lại vết cào dài từ móng vuốt trên lớp đất mềm.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, dấu chân này thuộc về một loài bò sát cổ dài khoảng 60–80cm, có hình dáng tương tự thằn lằn hiện đại và sở hữu móng vuốt, một đặc điểm đặc trưng của nhóm động vật có màng ối (amniote), bao gồm bò sát, chim và thú ngày nay.
Tổ tiên của amniote là các loài tứ chi (tetrapod) vốn phát triển chi để di chuyển nhưng vẫn phụ thuộc vào môi trường nước, đặc biệt để sinh sản. Loài sinh vật này tiến hóa để có thể đẻ trứng có vỏ cứng, đủ khả năng tồn tại trên cạn, từ đó hoàn toàn cắt đứt sự lệ thuộc vào nước-một bước tiến hóa then chốt giúp động vật mở rộng sinh sống khắp lục địa.
![]() |
Phiến đá Mansfield, có niên đại từ 359-350 triệu năm trước, cho thấy vị trí của dấu chân bò sát ban đầu. |
Trước đây, giới khoa học cho rằng nhóm amniote chỉ xuất hiện khoảng 315 triệu năm trước. Tuy nhiên, dấu chân tìm thấy ở Victoria cho thấy chúng có thể đã tồn tại sớm hơn từ 35 đến 40 triệu năm so với các giả thuyết trước đó.
Chuyên gia Stuart Sumida, Đại học Bang California, nhận định phát hiện này buộc giới khoa học phải đánh giá lại tốc độ của quá trình tiến hóa. Thay vì diễn ra chậm rãi qua hàng trăm triệu năm như chúng ta từng nghĩ, quá trình chuyển đổi từ sinh vật biển sang sinh vật sống hoàn toàn trên cạn có thể chỉ mất khoảng 50 triệu năm.
Khám phá này không chỉ lùi mốc thời gian tiến hóa của động vật lên cạn hàng chục triệu năm, mà còn mở ra một góc nhìn mới về bước ngoặt quyết định trong lịch sử sự sống trên Trái đất.
Phát hiện hóa thạch loài kiến “địa ngục” 113 triệu năm tuổi
Theo chuyên gia, hóa thạch này đại diện cho loài kiến cổ xưa nhất từng được biết đến, giúp kéo dài hồ sơ hóa thạch của kiến thêm khoảng 10 triệu năm.