UBND TP.HCM vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH GODWAYPHARMA – do ông Võ Xuân Hoàng, sinh năm 1971, là Chủ tịch Công ty, doanh nghiệp có trụ sở tại số 147 Bùi Công Trừng, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn – vì hành vi sử dụng nguyên liệu đã hết hạn sử dụng để sản xuất thực phẩm.
Theo thông tin từ Sở An toàn thực phẩm TP.HCM ngày 14/5, công ty này đã bị phát hiện sử dụng sản phẩm “Bột đạm Prozymax hương Sô-cô-la tự nhiên” (số lô 5 03 23 HH, hạn sử dụng đến tháng 2/2025) đã hết hạn để sản xuất hai loại thực phẩm: “Bột đạm hương Sô-cô-la tự nhiên P1” và “Bột đạm hương Sô-cô-la tự nhiên pHSP”. Hai sản phẩm này được công bố với mã số 01/GODWAYPHARMA/2024 và 02/GODWAYPHARMA/2024.
Tổng giá trị sản phẩm vi phạm lên đến 1,94 tỷ đồng. Với vi phạm nghiêm trọng này, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-XPHC, xử phạt công ty số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Đồng thời, buộc GODWAYPHARMA tiêu hủy toàn bộ nguyên liệu và thực phẩm vi phạm trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định.
![]() |
Trang website có tên godwaypharma.com, quảng cáo nhiều nội dung về chữa bệnh ung thư. (Ảnh: chụp màn hình). |
Tuy nhiên điều đáng chú ý là trên trang thông tin điện tử chính thức của Công ty TNHH GodwayPharma (godwaypharma.com), ghi nhận có nhiều nội dung quảng cáo sản phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Cụ thể, sản phẩm mang tên pHSP được giới thiệu là "sản phẩm thuốc pHSP" có thể chữa bệnh ung thư, với các mô tả mang tính chất điều trị như: “pHSP là một hỗn hợp gồm các chất có hoạt tính sinh học mạnh mẽ và nhờ có kích thước nano nên pHSP rất dễ được tế bào hấp thụ, mà trong đó chứa các enzyme vô cùng mạnh mẽ, dư sức phá hủy RNA, DNA lạ và protein rác. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân ung thư”.
Hiện chưa rõ "Sản phẩm thuốc pHSP" quảng cáo nêu trên có liên quan đến lô nguyên liệu bột đạm Prozymax hết hạn sử dụng mà công ty vừa bị xử phạt hay không? Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng theo dõi, nhằm đảm bảo việc xử lý đúng quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Trước tình trạng trên, mới đây UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và ngăn chặn hàng giả lưu thông trên thị trường.
Theo đó, Sở Y tế được giao tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược tại các cơ sở kinh doanh thuốc, phối hợp với Công an TP điều tra các vụ việc liên quan đến thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, Sở này cần phối hợp với Sở Công Thương kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc lưu hành trên thị trường.
Sở An toàn thực phẩm có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở kinh doanh sữa và thực phẩm, bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cơ quan này cũng sẽ phối hợp cùng Công an TP và Sở Công Thương ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và lưu thông sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Sở Công Thương được giao kiểm tra hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa tại các kênh bán lẻ, đại lý, sàn thương mại điện tử… để kịp thời phát hiện và xử lý hàng giả. Sở cũng sẽ phối hợp các đơn vị liên quan thúc đẩy hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 TP trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm tăng cường kiểm tra quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, phối hợp cùng Công an, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm xử lý các sai phạm trên báo chí, mạng xã hội, nền tảng trực tuyến và xuất bản phẩm.
Công an TP.HCM được yêu cầu đẩy nhanh điều tra các vụ án liên quan đến thuốc, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm.
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có trách nhiệm rà soát, thu hồi các loại thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã phát hiện trên địa bàn, nhằm ngăn chặn tác hại và bảo vệ người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Sở Y tế, TP.HCM hiện có 42 nhà máy sản xuất thuốc, 1.531 cơ sở bán buôn, 8.454 cơ sở bán lẻ và 647 cơ sở chuyên bán dược liệu, thuốc cổ truyền. Năm 2024, Sở đã kiểm tra 558 cơ sở (gồm bán buôn, bán lẻ thuốc và dược liệu), ra 151 quyết định xử phạt với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Các phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đã kiểm tra 6.750 cơ sở bán lẻ thuốc.
Vụ GV trường Mầm non Học viện Anh – Xtanh đánh trẻ: Nếu có đủ căn cứ sẽ đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động
Qua trích xuất camera, phát hiện con bị cô giáo trường Mầm non Học viện Anh– Xtanh đánh, phụ huynh đã làm đơn tố cáo và trình báo Cơ quan chức năng.