Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Ảnh minh họa |
Đề xuất kiểm soát thu nhập của chồng/vợ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng
Cụ thể, dự kiến các mức phạt đối với hành vi bạo lực về kinh tế trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình sẽ được Bộ Công an đề xuất sửa đổi so với quy định Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(i) Chiếm đoạt tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
(ii) Hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
(iii) Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;
(iv) Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống;
(v) Cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ;
(vi) Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân có hành vi vi phạm cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại (ii), trừ trường hợp tài sản không thể khôi phục được tình trạng ban đầu;
- Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tài sản có được do chiếm giữ trái phép đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật cho chủ sở hữu hợp pháp đối với hành vi vi phạm quy định tại (i), (v) và (vi).
Nếu được ban hành chính thức thì đề xuất trên sẽ có thể áp dụng từ ngày 01/01/2025.
Hiện hành, các hành vi bạo lực về kinh tế sau đây sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
- Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
- Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
(Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình
Theo Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình gồm:
- Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022.
- Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
- Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
- Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
- Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
- Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
Tác giả tựa game Việt về bạo lực gia đình gây sốt toàn cầu: Trẻ em luôn ngây thơ, đừng bắt chúng chịu trách nhiệm cho vấn đề người lớn
Thông qua Bad Parenting, tác giả mong muốn truyền tải thông điệp về sự quan tâm cần thiết của người lớn với trẻ nhỏ.