Dịch COVID-19 tái bùng phát, bất động sản công nghiệp có ‘tỏa sáng’ như kỳ vọng?

Kết thúc quý 1/2021, nhiều chuyên gia dự báo rằng phân khúc công nghiệp sẽ là “điểm sáng” của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4, dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát trở lại, đặc biệt là tại các khu công nghiệp khiến cho kỳ vọng của các chuyên gia lung lay.

Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp khá cao

Kết thúc quý đầu tiên năm 2021, hầu hết các báo cáo của các công ty nghiên cứu, phân tích bất động sản đều cho thấy tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp đều ở mức cao.

Cụ thể, theo Colliers, mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba vào tháng 2/2021 và thời gian nghỉ Tết dài ngày, song tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp (KCN) vẫn ở mức cao. Tỷ lệ này ở Hà Nội vào khoảng 90%, trong khi đó tại TP.HCM  là 85%.

unnamed.jpg
Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp trong quý 1/2021 là khá cao. Ảnh minh họa

Về số lượng các khu công nghiệp, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cũng chỉ ra con số khả quan.

Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2020, Việt Nam có 280/369 KCN được thành lập; tổng diện tích đang hoạt động là 82.800ha/113.300ha; diện tích thương phẩm 56.600/73.600ha và tỷ lệ lắp đầy trung bình cả nước là 70%. Đây là con số khá lớn trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo trên khắp thế giới đang gặp khó khăn do Covid-19.

Về giá thuê, mặc dù không có sự thay đổi nhiều, vẫn ở mức ngang với quý cuối cùng của năm 2020 song đối với các nhà đầu tư đây là mức giá chấp nhận được. Cụ thể, giá thuê tại các KCN ở TP.HCM trung bình khoảng 165 USD/m2, tại Hà Nội trung bình khoảng 140 USD/m2.

Về yếu tố vĩ mô, báo cáo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng diễn ra khá thuận lợi.

Bất động sản KCN đang là một điểm sáng nhờ ưu thế từ Hiệp định thương mại tự do, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các KCN đã được quy hoạch dự kiến sẽ là những đối tượng thu hút dòng tiền trong thời gian tới”.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội

Cụ thể, tính đến tháng 3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn giải ngân ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 908 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kỳ.

Tương lai của bất động sản công nghiệp có "sáng" như dự báo?

Trong số các dự án đầu tư vào Việt Nam, có nhiều dự án thuộc dạng “sáng cửa” dành cho bất động sản như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) có vốn đăng ký 3,1 tỷ USD với mục tiêu sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II Cần Thơ (Nhật Bản), vốn đăng ký 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư 750 triệu USD; Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 312 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore), Bắc Giang vốn đăng ký 293 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay…

Trong  năm 2020, tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại TP. HCM đạt 88%, Đồng Nai 94%, Bình Dương 99%, Long An 84%, Bà Rịa Vũng Tàu 79%.

Theo Savills

Trước những số liệu khả quan đó, cộng với một số sự kiện chính trị quan trọng trên toàn cầu đã khiến một số chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ tiến triển tốt, qua đó thúc đẩy bất động sản công nghiệp.

Cụ thể, theo các chuyên gia của Colliers, nhiều nhà sản xuất thuộc các tập đoàn đa quốc gia sẽ chuyển nhà máy của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới vận chuyển, 2 trong số nhiều vấn đề liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, việc quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2/2021 cũng được xem là có khả năng thúc đẩy ngành sản xuất của Việt Nam do một số nhà máy thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc đã bị hư hại trong khu công nghiệp Hlaingthaya (Yangon). Với sự bất an ngày càng tăng, Việt Nam đang thể hiện mình là một giải pháp thay thế an toàn và khả thi.

co-nen-dau-tu-bat-dong-san-cong-nghiep-viet-nam-1.jpg
Tương lai vẫn chưa rõ ràng. Ảnh minh họa

Ngoài ra, các số liệu từ Tổng cục Thống kê về xuất khẩu cũng cho thấy kỳ vọng của các chuyên gia bất động sản là có cơ sở.

Theo đó, mảng xuất khẩu điện thoại thông minh và linh kiện tăng 9,3% trong quý đầu tiên của năm 2021, đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 14,1 tỷ USD. Trong đó Samsung Electronics, công ty đóng góp chính, đang xây dựng một cơ sở nghiên cứu lớn ở trung tâm Hà Nội để tập trung đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra còn có các kế hoạch phát triển của Foxconn tại Thanh Hóa hay như việc Công ty Intel Products Việt Nam tăng vốn đầu tư thêm 475 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam lên hơn 1,5 tỷ USD.

Những xu hướng này, theo dự kiến sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở đầu bài viết, vào cuối tháng 4 vừa qua, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát đợt thứ 4 khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Đặc biệt là, đợt bùng phát này lại tập trung ở các khu công nghiệp ở phía Bắc, điều này khiến cho kỳ vọng phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ “lóe sáng” của các chuyên gia vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

NGUYỄN MINH