Tổng cầu yếu do đại dịch COVID-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát của Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao; tuy nhiên, lạm phát có thể gia tăng trong ngắn hạn vì tổng cầu tăng.
Như vậy, áp lực lạm phát những tháng cuối năm vẫn rất lớn. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ điều hành lạm phát cần bảo đảm linh hoạt, thích ứng với từng giai đoạn của nền kinh tế.
Áp lực lạm phát tăng mạnh
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuyên gia kinh tế nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, điều này cũng tạo áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết CPI 7 tháng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để Việt Nam kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu khoảng 4% theo yêu cầu của Quốc hội. Lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát tốt.
“Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn đang hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm,” bà Oanh dự báo.
Chỉ ra những yếu tố gây nên lạm phát, Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,79%. Đặc biệt, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,83%, dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,97%; dùng cho xây dựng tăng 3,91%, giá sắt thép trong thời gian vừa qua tăng trên 40%…. đều là các yếu tố gây nên lạm phát chi phí đẩy. Do đó, sẽ tạo áp lực lớn lên chỉ số CPI của toàn nền kinh tế trong nửa cuối của năm 2021.
Cùng với đó, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên giá cả hàng hóa trên thế giới gia tăng trong năm 2021 có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam trên các góc độ làm gia tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Cụ thể, giá dầu thô và giá các loại lương thực tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, phí vận tải, tăng giá thức ăn chăn nuôi và thực phẩm trong nước; đồng thời tác động đến cân đối thương mại do giá trị nhập khẩu gia tăng mạnh hơn giá trị xuất khẩu vì xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh. Các nguyên vật liệu tăng giá cũng ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xây dựng nói chung.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng dự báo CPI sẽ tăng dần vào các tháng cuối năm. Lý do bởi triển vọng khả quan về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong năm 2021 trước việc các quốc gia khẩn trương triển khai tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Theo đó, kinh tế thế giới phục hồi nhanh cũng khiến cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến, trong khi nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu, dẫn đến giá cả các mặt hàng gia tăng.
Hầu hết, các Tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều dự báo nhu cầu dầu thô sẽ tăng cao trong nửa cuối năm nay.
Các nhà phân tích năng lượng cũng dự báo, giá dầu thô có thể đạt mức 80 USD/thùng vào quý 3 này, trong khi giá dầu thô đã đạt mức 72USD/thùng trong phiên giao dịch những ngày cuối tháng Bảy này và giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm 2022.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, giá lương thực trên thị trường thế giới trong tháng Năm vừa qua tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2011; giá ngô tăng 88%; đậu tương tăng 73%; ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa tăng 38%.
Theo Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, dù lạm phát đang được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng nổ lạm phát là khó tránh khỏi trong thời gian tới. Kinh tế vĩ mô tích cực nhưng chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng, dù chưa tác động tới lạm phát hiện tại nhưng ẩn chứa nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong những tháng cuối năm, thậm chí những năm tới.
“Tỷ lệ nhập siêu một phần do Việt Nam nhập nhiều nguyên, nhiên vật liệu nhưng một phần nguyên nhân từ tỷ lệ trao đổi thương mại có mức kém thuận lợi hơn so với trước, ảnh hưởng đến tính thuận lợi và cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam,” ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Nghiên cứu lạm phát mục tiêu trung hạn
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, các chính sách kích thích tăng tổng cầu sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát có thể gia tăng trong ngắn hạn vì tổng cầu tăng nhưng có độ trễ từ phía cung do doanh nghiệp cần thời gian nắm bắt nhu cầu thị trường, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh và lạm phát sẽ giảm trở lại khi nguồn cung của nền kinh tế tăng. Do vậy, điều hành lạm phát cần bảo đảm linh hoạt, thích ứng với từng giai đoạn của nền kinh tế.
“Cùng với đó, Chính phủ cần nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, để đặt ra lạm phát mục tiêu trung hạn thay vì lạm phát mục tiêu từng năm,” ông Lâm đề xuất.
Để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong những tháng còn lại của năm 2021, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, phân biệt kỹ các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho hay hiện nay, giá dầu giao dịch trên thế giới ở mức 75 USD/ thùng, nếu bình quân 6 tháng cuối năm giá dầu cũng ở mức này thì cả năm 2021 sẽ tăng 70% so với 2020 và tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước. Vì vậy, đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng cục Thống kê kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, Bộ Công Thương cần nghiên cứu các chính sách cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá, đặc biệt đối với các mặt hàng đã có dấu hiệu giảm giá trên thị trường quốc tế.
Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn như chip bán dẫn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư để thúc đẩy sản xuất các mặt hàng trên, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các khoản chi phí không hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng tổng cung của nền kinh tế, giảm áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá đối với xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục. Bộ này cũng nghiên cứu thời điểm, mức độ điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ do nhà nước quản lý tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
“Cần tăng cường và thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra,” Tổng cục Thống kê cũng đề xuất.