Doanh nghiệp và nhà đầu tư khó tiếp cận vốn vay

Thị trường vốn trong thời gian tới được dự báo sẽ có không ít biến động, khi những doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 2-3 năm trước đến ngày đáo hạn. Nếu không có đủ nguồn tài chính thanh toán lãi và gốc trái phiếu, thì rủi ro thanh khoản là rất lớn.

Nhà đầu tư nên quay lại thành phố hoặc khu vực trung tâm để tìm kiếm những nhà phố, nhà mặt tiền thương mại, căn hộ… với giá trị vừa phải để đầu tư. Đặc biệt chú trọng những dự án đã bàn giao, có pháp lý an toàn để mua.

Trong đó, cần đánh giá lại mức độ tiềm năng của mỗi sản phẩm. Sản phẩm còn động lực tăng trưởng hay không? Nếu còn tăng trưởng thì trong bao lâu, 1-2 năm, hay 3-5 năm? Sản phẩm nào không còn tăng trưởng thì phải giảm bớt.

Cùng với đó, nhà đầu tư phải xác định, sản phẩm nào sẽ đầu tư ngắn hạn, sản phẩm nào đầu tư cho trung hạn và sản phẩm nào đầu tư dài hạn (trên 3 năm). Để đảm bảo luôn có dòng tiền cũng như tránh rủi ro, thì việc cơ cấu và phân bổ nguồn vốn là cực kỳ quan trọng.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần tìm hiểu thị trường và săn bất động sản giá rẻ, bởi những bất động sản mà nhà đầu tư cần nhanh chóng xử lý để có tiền trả ngân hàng hoặc để làm việc khác thì họ sẵn sàng giảm giá bán. Còn theo một số chuyên gia, thời điểm này, các nhà đầu tư mới nên quan sát diễn biến thị trường, không nên nóng vội xuống tiền.

Một thực tế là, đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng nhất định cho cả năm và cho từng lĩnh vực, ngành nghề. Song các hạn mức này thường chỉ sử dụng 3-4 tháng đầu năm là hết, nên giữa năm, các ngân hàng phải xin thêm room thì mới được phép cho vay trong những tháng tiếp theo.

Do đó, dù nói không siết tín dụng, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước không nới room, thì cũng coi như siết tín dụng. Vì thế, thời gian này, doanh nghiệp bất động sản sẽ khó tiếp cận vốn ngân hàng hơn.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nêu rõ, Luật Đất đai quy định vốn sở hữu của doanh nghiệp địa ốc chỉ chiếm từ 15-20%. Còn 80-85% được huy động từ các kênh khác, gồm: vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp địa ốc.

Đáng chú ý, trong dự thảo thông tư, văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng từ "kiểm soát" việc cho vay mua, thực hiện chính sách tín dụng… Việc này dẫn đến luồng dư luận cho rằng NHNN "thắt chặt" tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, dẫn đến các tổ chức tín dụng ngại hoặc không dám cho vay số tiền lớn. Điều này tác động phần nào đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Vị lãnh đạo HoREA nhấn mạnh, tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình oxy của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở. Người mua nhà cũng vô cùng khó khăn.

Lo ngại về khó khăn của thị trường địa ốc, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, vấn đề nghiêm trọng đó là siết tín dụng bất động sản cực đoan có thể khiến thị trường khó chồng khó. Vết xe đổ của thị trường cách đây nhiều năm có thể lặp lại nếu như doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn.

Thay vì mục tiêu lãi lớn, một số nhà đầu tư bắt đầu hạ bớt kỳ vọng lợi nhuận để nhanh chóng đẩy hàng, thu hồi vốn và lãi. Kịch bản giá tiếp tục giảm sâu nhưng không có người mua sẽ xuất hiện. Và đó là tín hiệu báo động cho thị trường địa ốc.

Tổng Hợp