Doanh nghiệp vay mượn của ngân hàng hoặc một bên nào khác vượt quá 25% vốn chủ sở hữu

Việc áp dụng mức giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi bị xác định có mối “quan hệ liên kết” trong trường hợp vay vốn theo Nghị định 132 đang bị các doanh nghiệp kêu ca. Doanh nghiệp chỉ cần vay mượn của ngân hàng hoặc một bên nào khác vượt quá 25% vốn chủ sở hữu và trên 50% nợ vay trung dài hạn thì sẽ bị coi là có “quan hệ liên kết” với chủ nợ.

Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (Điểm a, Khoản 3, Điều 16, Nghị định số 132/NĐ-CP tạm gọi là chi phí lãi vay tính thuế - NV).

Chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ (Điểm b, Khoản 3, Điều 16, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP).

Hiểu một cách nôm na, doanh nghiệp chỉ cần vay mượn cùng một đối tượng là ngân hàng hoặc một bên nào khác vượt quá 25% vốn chủ sở hữu và trên 50% nợ vay trung dài hạn thì sẽ bị coi là có “quan hệ liên kết” với ngân hàng hoặc bên đó. Khi đó, chi phí lãi vay tính thuế sẽ bị khống chế không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay và chi phí khấu hao như mô tả chi tiết ở phần sau. Việc quy định như vậy là nhằm khắc phục (i) tình trạng vốn mỏng (vốn mình ít, đi vay thì nhiều), sử dụng đòn bẩy tài chính lớn mà theo như khuyến cáo của nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam là lên tới 7 – 8 lần vốn chủ sở hữu, gây rủi ro hệ thống tài chính; (ii) với công ty FDI còn là cách để chuyển lợi nhuận về nước từ việc trả chi phí lãi vay lớn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam; (iii) các doanh nghiệp trong nước tìm cách đẩy cao chi phí khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điểm d, Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có quy định: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay” thì được xem là các Bên có mối liên hệ liên kết.

Họ sử dụng vốn vay thay vì vốn chủ sở hữu nhằm tận dụng lợi thế của “lá chắn thuế”, ở chỗ: doanh nghiệp đi vay phải trả lãi vay, qua đó làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước.

Kiên Cương