Động thái bán cắt lỗ nhà đất thời gian gần đây chủ yếu diễn ra tại nhóm nhà đầu tư sử dụng nợ vay

Thời gian gần đây, trên các trang giao dịch bất động sản xuất hiện nhiều thông tin rao bán các sản phẩm bất động sản với những lời rao như “Do cần vốn gấp nên bán…”, “Cắt lỗ lô đất gần 200 triệu đồng…”, “Bán cắt lỗ gấp...”, Động thái bán cắt lỗ nhà đất thời gian gần đây chủ yếu diễn ra tại nhóm nhà đầu tư sử dụng nợ vay.

Việc thông tin rao bán cắt lỗ được đăng tải rầm rộ dễ tạo cảm giác nhiều nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, điều này không diễn ra trên diện rộng mà chủ yếu tập trung tại các dự án nhỏ lẻ, cách xa trung tâm, tiện ích và hạ tầng kết nối chưa đồng bộ…, đặc biệt tại nhóm nhà đầu tư sử dụng nhiều vốn vay từ ngân hàng.

Diễn biến khó khăn của thị trường địa ốc thực tế đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường giảm tốc từ năm 2021. Lượng giao dịch mua bán đã trở nên sụt giảm. Tuy nhiên, diễn biến này xảy ra ngầm, do nhiều môi giới vẫn "gồng" mình quảng cáo thị trường đang tốt.

Ông Hiển thẳng thắn cho rằng, thị trường đang "đứng hình". Thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua, người bán do dự. Theo ông Hiển, thị trường đựng hình nhiều khi còn nguy hiểm hơn bong bóng bởi khi đó, những người ôm đất không bán được.

Kịch bản trong tương lai được dự báo không quá nhiều gam màu sáng do việc Chính phủ sẽ giữ nguyên quản lý tín dụng và dòng vốn vào bất động sản. Nhà đầu cơ bất động sản sử dụng vốn vay quá mức sẽ gặp khó khăn. Tình trạng này mới bắt đầu và việc đóng băng sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng nữa.

Theo một vị giám đốc Đánh giá hiện tượng bán cắt lỗ diễn ra ở một số người sử dụng đòn bẩy tài chính, lướt sóng đặt cọc sang tay hoặc mượn tiền người thân để đầu tư ngắn hạn kiếm lời. Tuy nhiên, do thanh khoản thị trường không tốt, nhóm này buộc phải giảm giá để bán ra nhanh cắt lỗ. Trong khi đó, đối với những nhà đầu tư không chịu áp lực tài chính thì vẫn để mức giá cao và không chịu giảm giá.

Thực tế, một số trường hợp nhà đầu tư đã có lời nên muốn chốt nhanh thì là cắt lời so với kỳ vọng của họ chứ không phải là chịu lỗ.

“Hiện nay lãi suất tiền gửi có dấu hiệu tăng, như vậy khi hết thời gian bình ổn, lãi suất cho vay có thể điều chỉnh tăng. Nhà đầu tư đi vay ngân hàng dự cảm nếu lãi suất tăng họ không thể gánh nổi nên buộc phải bán nhanh, cơ cấu lại dòng tiền đầu tư” - vị này nói.

Trường hợp thứ hai là nhóm nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính bằng cách vay tiền người thân trong ngắn hạn, kỳ vọng đầu tư BĐS ngắn hạn rồi nhanh chóng chốt lời. Tuy nhiên, hiện nay thanh khoản kém, họ bị động xoay dòng tiền nên phải bán ra.

Từ nay đến cuối năm, phân khúc bị áp lực phải bán ra với thông tin cắt lỗ, giảm giá… xảy ra nhiều ở người mua căn hộ hình thành trong tương lai phải vay ngân hàng. Với phân khúc đất nền, đa số nhà đầu tư lướt sóng mua đất vườn, đất trồng cây lâu năm nên ngân hàng không cho vay, họ phải vay người quen. Trong ngắn hạn không ra được hàng nên buộc phải bán giá rẻ hơn kỳ vọng để hoàn trả khoản vay.

Từ cuối tháng 5 đến nay, bắt đầu xuất hiện nhiều thông tin chào bán BĐS với những nội dung như cắt lỗ, giảm giá, kẹt tiền bán gấp, áp lực ngân hàng… Theo khảo sát của chúng tôi, tình trạng bán cắt lỗ diễn ra ở hầu hết phân khúc, từ căn hộ đến nhà phố, đất nền tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành.

Tổng Hợp