Động thái chào mua ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước cho thấy Việt Nam chuyển quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán

Một thông tin đáng chú ý trên thị trường tuần qua là việc Kho bạc Nhà nước đã chào thầu thành công 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại. Động thái chào mua ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước cho thấy Việt Nam chuyển quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán...

Việc chào mua ngoại tệ giao ngay là một trong những nghiệp vụ mới được Kho bạc Nhà nước áp dụng dựa trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài chính chủ động mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng để đáp ứng các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ của ngân sách nhà nước (trong đó có chi trả nợ nước ngoài). Kho bạc Nhà nước là đơn vị triển khai mua ngoại tệ giao ngay từ các ngân hàng thương mại.

Trước đó, KBNN đã có thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ tới 45 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh ngoại hối trên thị trường trong nước với khối lượng mua dự kiến đợt này là 150 triệu USD, loại hình giao dịch là giao dịch giao ngay với ngày giao dịch là 8/10 và ngày thanh toán dự kiến là 11/10 (tức đầu tuần sau). Sau khi nhận bản chào bán ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức mở các bản chào, xác định kết quả theo nguyên tắc cạnh tranh, lựa chọn giá chào thầu từ thấp đến cao.

Tại đợt mua này, Kho bạc Nhà nước đã mua 150 triệu USD từ 30 ngân hàng thương mại. Lượng ngoại tệ này sẽ được sử dụng để đáp ứng cho các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước. Trong phiên giao dịch chiều ngày hôm nay, tỷ giá mua - bán USD tại một số các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV giao dịch ở mức 22.660 - 22.860 đồng/USD (mua vào - bán ra). Nếu tạm tính theo giá bán này, Kho bạc Nhà nước sẽ bơm vào hệ thống ngân hàng khoảng 3.429 tỷ đồng trong đầu tuần tới.

Động thái chào mua ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước cho thấy Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ. "Nhân dịp" này chúng tôi xin điểm lại diễn biến chính sách điều hành tỷ giá của NHNN khi theo đuổi mục tiêu giảm đôla hóa trong nền kinh tế. Năm 2010 NHNN áp dụng quy định trần lãi suất tiền gửi USD. Từ năm 2011 đến 2014, NHNN năm lần điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi USD. Giai đoạn này, điều hành tỷ giá của NHNN được đánh giá là phù hợp với cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường trong và ngoài nước; thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Tháng 12/2015, NHNN có quyết sách mạnh tay hơn, chính thức đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%.

Từ năm 2016 đến nay, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn. NHNN thực hiện công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Trong một số giai đoạn, NHNN thực hiện mua ngoại tệ từ các TCTD, bổ sung quỹ Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Ngược lại, trong một số giai đoạn (như cuối năm 2016, nửa cuối năm 2018), khi tỷ giá tăng mạnh, cầu ngoại tệ có dấu hiệu căng thẳng, NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp (bao gồm cả bán ngoại tệ kỳ hạn) để cân đối cung - cầu ngoại tệ và ổn định thị trường ngoại tệ. Ngoài ra, NHNN đã phối hợp đồng bộ các giải pháp, công cụ khác như: điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền đồng... và đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng thị trường về quan điểm và biện pháp điều hành, qua đó tạo sự đồng thuận của các thành viên thị trường và nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của chính sách tiền tệ và tỷ giá. Tỷ giá trung tâm các năm 2016 - 2019 lần lượt tăng 1,23%; 1,2%; 1,78%; 1,45% so với cuối năm trước; đặc biệt năm 2020 tỷ giá trung tâm chỉ tăng có 0,1%.

Điều đó cho thấy Đồng Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại. Thực tế này cũng đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận. Có thể thấy việc điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt của NHNN đã góp phần nâng cao vị thế Đồng Việt Nam, qua đó ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô. Tỷ giá ổn định cũng củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam ngày một mạnh mẽ hơn. Đặc biệt NHNN mua được lượng ngoại tệ lớn bổ sung quỹ Dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần giảm dần tình trạng đô la hóa, chuyển hóa nguồn ngoại tệ thành nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á 2021 (ADO2021) của ADB công bố tháng 5/2021 nhận định, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã đạt khoảng 4,2 tháng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm 2020 và khả năng sẽ tiếp tục tăng.

Do tác động của dịch Covid 19, từ năm 2020 các quốc gia trên thế giới đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm cứu vãn tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên dự báo từ năm 2022 quy mô nới lỏng tiền tệ của nhiều quốc gia sẽ giảm. Thị trường cũng dự báo, ECB sẽ bắt đầu thảo luận về việc thu hẹp các gói kích thích tiền tệ trong cuộc họp diễn ra vào tháng 12/2021 và dự kiến tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2022. Khả năng cao Fed sẽ có một lần tăng lãi suất vào tháng 12/2022, trong khi ECB và BoJ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất âm trong năm 2022. Những động thái này trên thị trường quốc tế sẽ có tác động không nhỏ đến điều hành tỷ giá của NHNN. Song, NHNN khẳng định, thời gian tới tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ…

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)