Dow Jones giảm gần 1.465 điểm, chứng khoán Phố Wall chao đảo

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố toàn bộ chuyến đi từ châu Âu đến Mỹ và ngược lại sẽ bị dừng trong 30 ngày tới, trừ nước Anh, để ngăn COVID-19.

Dow Jones giảm 1.464,94 điểm, tương đương 5,86%, xuống 23.553,22 điểm. S&P 500 giảm 140,85 điểm, tương đương 4,89%, xuống 2.741,38 điểm. Nasdaq giảm 392,2 điểm, tương đương 4,7%, xuống 7.952,05 điểm, theo Reuters.

Dow Jones hiện thấp hơn 20,3% so với đỉnh hôm 12/2, đồng nghĩa rơi vào thị trường giá xuống, giảm ít nhất 20% từ đỉnh gần nhất. S&P 500 và Nasdaq đang thấp hơn 19% so với đỉnh ngày 19/2.

Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 11/3 là 15,1 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 11,92 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch gần nhất.

Nhà đầu tư thêm lo ngại sau khi Nhà Trắng yêu cầu giữ bí mạt các cuộc họp cấp cao về virus corona. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố toàn bộ các chuyến đi từ châu Âu đến Mỹ và ngược lại sẽ bị dừng trong 30 ngày tới, trừ nước Anh, để ngăn COVID-19 .

Dow Jones giảm gần 1.465 điểm trong phiên giao dịch ngày 11/3.
Dow Jones giảm gần 1.465 điểm trong phiên giao dịch ngày 11/3.

"Các quy tắc mới sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 13/3. Những hạn chế này sẽ được điều chỉnh theo tình hình thực tế", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng tối 11/3.

“Một ngày nhiều tin xấu, số người nhiễm virus tăng, các quan điểm trái chiều về kích thích kinh tế và thị trường phản ứng theo. Căn bệnh đó được gọi là đại dịch và mọi thứ mất phanh”, Peter Tuz, Chủ tịch Chase Investment Counsel, Charlottesville, bang Virginia, nói.

Ở diễn biến khác, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo tổ chức này đánh giá Covid-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó.

"Chúng tôi lo ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan, tính chất nghiêm trọng của dịch lẫn sự thờ ơ đáng báo động của nhiều bên. Do đó, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được coi là đại dịch", Tedros nói trong cuộc họp báo ở Thụy Sĩ hôm nay. 

Tedros cho biết số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua. "Chúng tôi dự đoán số ca nhiễm, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tăng lên cao hơn nữa trong vài ngày và vài tuần tới", ông nói thêm.

Mike Ryan, người đứng đầu chương trình phản ứng khẩn cấp của WHO, cho biết trong cuộc họp báo rằng việc tổ chức này dùng từ "đại dịch" để miêu tả Covid-19 không làm thay đổi cách đối phó của họ. 

WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1 khi có chưa tới 100 trường hợp nhiễm nCoV bên ngoài Trung Quốc. Hiện dịch xuất hiện ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 122.000 người nhiễm, hơn 4.300 người tử vong và hơn 67.000 người bình phục. Trong đó, Trung Quốc đại lục ghi nhận gần 81.000 ca nhiễm, hơn 3.100 ca tử vong và gần 62.000 người bình phục.

WHO gọi Iran và Italy, hai vùng dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc đại lục, là các "tiền tuyến mới" trong cuộc chiến chống Covid-19. "Họ đang bị ảnh hưởng nặng nề nhưng tôi đảm bảo với các bạn rằng các quốc gia khác sẽ sớm rơi vào tình cảnh đó", Ryan nói.

Giới chuyên gia đánh giá việc WHO tuyên bố đại dịch có thể gây tác động chính trị và kinh tế lớn. Động thái này có thể khiến thị trường thế giới thêm biến động và dẫn đến hạn chế đi lại, thương mại nghiêm ngặt hơn. 

TUYẾT HƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương