'Gã khổng lồ' bất động sản Trung Quốc Evergrande lỗ hơn 81 tỷ USD trong 2 năm

Tập đoàn Evergrande Trung Quốc đã công bố khoản lỗ tổng hợp 81 tỷ USD trong báo cáo doanh thu quá hạn vào cuối ngày 17/8.

Nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới đã rơi vào tình trạng vỡ nợ vào năm 2021 và đã công bố chương trình tái cơ cấu nợ nước ngoài vào tháng 3, sau khi phải vật lộn để hoàn thành các dự án cũng như trả nợ cho các nhà cung cấp và người cho vay.

Công ty cho biết khoản lỗ ròng của Evergrande trong năm 2021 và 2022 lần lượt là 476 tỷ nhân dân tệ (66,36 tỷ USD) và 105,9 tỷ nhân dân tệ (14,76 tỷ USD) do giảm tài sản, trả lại đất, tổn thất tài sản tài chính và chi phí tài chính.

Trong năm hoạt động bình thường cuối cùng, năm 2020, Evergrande đã công bố khoản lãi ròng 8,1 tỷ nhân dân tệ.

Đống nợ khổng lồ của Evergrande trong những năm gần đây đã trở thành nguồn gốc gây lo ngại nghiêm trọng về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc, với các vụ vỡ nợ và các dự án bất động sản bị bỏ hoang trên khắp đất nước.

'Gã khổng lồ' bất động sản Trung Quốc Evergrande lỗ hơn 81 tỷ USD trong 2 năm - Ảnh 1.

Tòa nhà trụ sở của Tập đoàn Evergrande ở Thâm Quyến được chụp vào ngày 11/1/2022 tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Ảnh: Getty

Theo hai nhà phân tích Daniel Fan và Adrian Sim của Bloomberg Intelligence, Evergrande có thể tiến gần hơn đến việc nối lại giao dịch cổ phiếu ở Hồng Kông sau khi báo cáo kết quả kinh doanh và kế hoạch tái cơ cấu nợ có khả năng được phê duyệt. Họ cho rằng Evergrande đang đứng trước áp lực đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ do tính đến cuối năm ngoái, lượng tiền mặt của tập đoàn chỉ còn 4,3 tỷ nhân dân tệ so với khoản nợ ngắn hạn khoảng 587 tỷ nhân dân tệ.

Những khó khăn của Evergrande đã trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng lĩnh vực nhà ở chưa tìm ra lối thoát của Trung Quốc. Trong tháng 6, giá nhà mới xây ở Trung Quốc bắt đầu giảm trở lại lần đầu tiên trong năm nay, cho thấy nhu cầu của khách hàng suy giảm.

Kết quả tài chính của Evergrande được kiểm toán bởi Prism, một công ty kiểm toán nhỏ có trụ sở ở Sydney. Tuy nhiên, Prism từ chối đưa ra ý kiến đối với các báo cáo tài chính của Evergrande vì không thể thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và phù hợp

Ivan Li, nhà quản lý quỹ của Loyal Wealth Management ở Thượng Hải, nhận định: "Việc tái cấu trúc nợ không nhất thiết dẫn đến sự hồi sinh của Evergrande. Tập đoàn này cần có thêm nguồn tài chính để hỗ trợ các hoạt động".

Evergrande cũng đang đối mặt với 1.519 vụ tranh chấp pháp lý và tụng liên quan đến tổng số tiền 395 tỉ nhân dân tệ tính đến cuối tháng 12.

Việc tái cấu trúc thành công là yếu tố sống còn với Evergrande vì tập đoàn này có thể bị hủy niêm yết ở Hồng Kông nếu thời gian đình chỉ giao dịch kéo dài 18 tháng.

Evergrande là "nạn nhân" chính của cuộc chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh đối với thị trường bất động sản sau khi giới hoạch chính sách đưa ra chính sách "ba lằn ranh đỏ" để giảm đòn bẩy tài chính của các nhà phát triển bất động sản.

Kể từ cuối năm 2021, Evergrande đã phải chật vật hoàn thành các dự án và trả nợ cho các nhà cung cấp cũng như chủ nợ.

Doanh số bán nhà theo hợp đồng của Evergrande đã giảm xuống còn 31,7 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022, từ mức 723 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020. Tính đến cuối tháng 12 -2022, tập đoàn có tổng cộng 1.241 dự án ở các giai đoạn xây dựng và hoàn thiện khác nhau.

Hôm 17-7, Fu Linghui, người phát ngôn của Cục Thống kê quốc gia, Trung Quốc nói rằng, thị trường bất động sản của đất nước sẽ trở lại đúng quỹ đạo sau khi chiến dịch giảm đòn bẩy đối với một số nhà phát triển gánh nợ nần lớn kết thúc.

Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan, tính đến cuối năm ngoái, khoảng 50 nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đã vỡ nợ đối với một số lô trái phiếu nước ngoài trị giá tổng cộng 100 tỉ đô la Mỹ trong hai năm qua.

(Nguồn: CNBC/SCMP)

LAN ANH