Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam ổn định trong tuần qua

Thị trường nông sản đầu tháng 10 ghi nhận nhiều tín hiệu tiêu cực khi giá cà phê xu hướng suy yếu trong khi giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam ổn định trong tuần qua.

Giá cà phê thế giới giảm

Cụ thể, tại Lâm Đồng: 46.100 đồng/kg, Đắk Lắk: 46.500 đồng/kg, Đắk Nông: 46.400 đồng/kg, Gia Lai: 46.400 đồng/kg, Kon Tum: 46.400 đồng/kg. 

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2022 giảm 29 USD/tấn, giao dịch ở mức 2.153 USD/tấn; giao tháng 1/2023 giảm 29 USD/tấn, giao dịch ở mức 2.146 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 4,15 cent/lb, giao dịch ở mức 221,55 cent/lb; giao tháng 3/2023 giảm 4,3 cent/lb, giao dịch ở mức 212,55 cent/lb.

Thị trường nông sản đầu tháng 10 đìu hiu - Ảnh 1.

Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE tiến về mốc 2,3 USD/pound.

Tổng Cục Thông kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 9 sẽ đạt 100.000 tấn (khoảng 1,66 triệu bao), giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế cả niên vụ 2021/2022 xuất khẩu cà phê sẽ tăng 6,14% so với niên vụ trước.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 9, nước ta đã xuất khẩu 38.000 tấn cà phê, tương đương với kim ngạch 92,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giai đoạn 01/9-15/9 đã giảm đến 25% về lượng và giảm 10% về giá trị. Tuy nhiên, luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn tăng 12% về lượng và tăng 38% về giá trị.

Đối với thị trường Anh, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh tăng mạnh từ 16,33% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 29,92% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Bộ Công thương khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) bước sang năm thứ 2 thực thi đang hỗ trợ ngành cà phê Việt Nam mở rộng thị phần tại Anh.

Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam ổn định trong tuần qua

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch từ 63.500 - 66.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi giao dịch ở mức 63.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Đồng Nai: 64.500 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk: 64.500 đồng/kg; Bình Phước: 65.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 66.000 đồng/kg.

Thị trường nông sản đầu tháng 10 đìu hiu - Ảnh 2.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong nửa đầu tháng 9/2022 đạt 5.983 tấn tiêu các loại, giá trị kim ngạch 23,87 triệu USD.

Như vậy, 8,5 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt 166.672 tấn, giảm 18,30% về lượng nhưng lại tăng 7,98% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.989 USD/tấn, giảm 1,99% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 8/2022.

Tuần 19 - 23/9, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) có báo cáo cho thấy phản ứng trái chiều, chỉ có giá tiêu nội địa Sri Lanka ghi nhận sự gia tăng trong bối cảnh đồng tiền các nước đều giảm so với USD.

Theo đó, giá tiêu Ấn Độ giảm do đồng Rupee giảm 1% so với USD (80,11 INR/USD). Giá tiêu Indonesia cũng giảm do đồng Rupiah giảm 1% so với USD (15.000 IDR/USD) và khan hiếm nguồn cung nên xuất khẩu tiếp tục giảm.

Giá tiêu nội địa Malaysia giảm do đồng Ringgit Malaysia giảm 1% so với USD (4,56 MYR/USD). Trong khi đó giá tiêu Malaysia giao dịch trên thị trường quốc tế tiếp tục ổn định và không thay đổi.

Tuần trước, giá tiêu nội địa Việt Nam giảm. Trong khi đó giá tiêu Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế ổn định.

Tuy nhiên vài ngày qua, đồng USD đã giảm nhiệt, dù vẫn giữ mức cao kỷ lục 20 năm qua. Điều này giúp giảm áp lực lên các thị trường hàng hóa nói chung, hồ tiêu nói riêng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, xuất khẩu hồ tiêu của nước này trong 7 tháng đầu năm đạt 6.991 tấn, giảm 69,04% so với mức 22.580 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Campuchia với thị phần chiếm đến 90,1%, ở mức 6.299 tấn.

Các thị trường tiêu thụ hàng đầu khác gồm: Đức (608 tấn), Đài Loan-Trung Quốc (21 tấn), Pháp (15,1 tấn), Malaysia (13,6 tấn), Bỉ (13,2 tấn), Cộng hòa Séc (8,2 tấn), Nhật Bản (2,9 tấn) ), Thụy Điển (2,8 tấn) và Canada (1,3 tấn).

Do thiếu kho bãi và cơ sở sấy khô nội địa, cùng với chi phí đắt đỏ liên quan đến việc xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường xa hơn nên hồ tiêu Campuchia vẫn chủ yếu được bán sang Việt Nam.

Thị trường cao su biến động trái chiều

Giá cao su hôm nay tăng giảm trái chiều tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2022 ghi nhận mức 225,2 JPY/kg, tăng 0,9 JPY/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 11, 12 và tháng 1/2023, tháng 2/2023 đều ghi nhận mức tăng nhẹ gần 1%.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 10/2022 đứng ở mức 11.905 nhân dân tệ/tấn, giảm 1,12%, giảm 135 nhân dân tệ/tấn.

Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm ở các kỳ hạn tháng 11, tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023 ở mức giảm mạnh hơn 1%.

Thị trường nông sản đầu tháng 10 đìu hiu - Ảnh 3.

Giá cao su kỳ hạn được giao dịch quanh mức 134 USD cent/Kg.

Hoạt động xuất nhập khẩu cao su của doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm và lãi suất liên tục tăng tại các nước châu Âu và Mỹ. Lạm phát tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu khiến cho các quốc gia này liên tục điều chỉnh lãi suất. Điều này khiến cho các hoạt động xuất, nhập khẩu cao su của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời cũng tác động đến tiêu thụ hàng hóa tại các thị trường.

Theo thông tin từ Hiệp hội cao su Việt Nam, giá cao su giảm do thị trường thế giới biến động và sức tiêu thụ tại Trung Quốc còn chậm khiến lợi nhuận cuối năm của ngành kém khả quan.

Cụ thể, giá bán cao su đã có giai đoạn biến động mạnh trong quý II/2022 khi phục hồi trong tháng 6 rồi lại giảm nhanh vào tháng 7. Thị trường bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá cao su trên thị trường thế giới có chiều hướng tiếp tục đi xuống trong tháng 9 do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại. Chưa kể, giá cao su thường có sự tương quan nghịch với sức mạnh đồng USD. Diễn biến đi lên của đồng Đô la trong thời gian qua cũng dự báo giá cao su vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.

Chính vì sự biến động giá, đặc biệt là biến động thị trường nên Trung Quốc hiện đang giảm lượng nhập khẩu cao su Việt Nam. Điều này làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su vào thị trường này giảm lợi nhuận lớn trong 3 tháng gần đây.

Đại diện Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết, mảng kinh doanh cao su đang gặp nhiều khó khăn do thị trường không ổn định, giá bán giảm và tiêu thụ chậm. Ngoài ra, các chi phí đầu vào tăng đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu. Trong khi đó, mảng nông nghiệp cao su vốn chiếm tỷ trọng lớn về vốn đầu tư và doanh thu của VRG.

HÀ MY