Giá vàng liên tục biến động, thay đổi theo từng phút khiến giới đầu tư hoa mắt

Chiều qua (10/3), các tiệm vàng ở Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 67,8 - 69,62 triệu đồng/lượng (mua - bán). TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra giảm 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán vẫn cao từ 1,8 - 1,82 triệu đồng/lượng. Giá vàng liên tục biến động, thay đổi theo từng phút khiến giới đầu tư hoa mắt.

Trên thị trường thế giới lúc 6h30 sáng nay (11/3), giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.998 USD/ounce, tương đương 55,12 triệu đồng/lượng. Mức này đang rẻ hơn 14,5 triệu đồng/lượng so với giá trong nước khi quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa gồm thuế, phí.

Các chuyên gia cho rằng thị trường vàng đang bùng nổ sau một năm hoạt động mờ nhạt, trong đó yếu tố địa chính trị chính là bước đệm khiến giá vàng thăng hoa. Theo thống kê, kim loại quý đã tăng 9,4% so với mức giá đóng cửa cuối năm 2021. Vào tháng 2, vàng nhanh chóng vượt qua mức kháng cự 1.900 USD/ounce và đạt mức cao kỷ lục là 2.078 USD/ounce vào ngày 8/3.

"Chiến sự nóng ở Ukraine và mối lo lạm phát gia tăng nhanh trên toàn cầu đã đẩy giá vàng tăng vọt. Không những thế, những lệnh cấm vận mới mà Mỹ, phương Tây áp lên Nga đang làm thị trường rung lắc. Theo quy luật tự nhiên, giới đầu tư sẽ tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, tìm kênh trú ẩn an toàn nên vàng sẽ tỏa sáng", ông Jutla - đồng sáng lập MarketOrders nói.

Trong phiên giao dịch hôm qua, không ít khách bị "say sóng" vàng vì giá kim loại quý biến động liên tục. Trong đó, lúc 9h là thời điểm giá vàng được giao dịch thấp nhất tại 65,8 - 67,62 triệu đồng/lượng, còn 16h là lúc giá được niêm yết ở mức giá cao nhất trong ngày ở 68 - 69,8 triệu đồng/lượng.

Nhà phân tích Daniel Briesemann từ hãng Commezbank thông tin, từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, các quỹ ETF vàng đã chứng kiến lượng lớn tiền đổ vào. Thậm chí, ông Matt Badiali - Giám đốc điều hành Mangrove Investor - còn cho rằng, chiến sự ở Ukraine đã nhắc nhở mọi người về địa vị thực sự của vàng - một kim loại quý luôn hấp dẫn giới đầu tư qua các thời kỳ. "Cuộc khủng hoảng đã khiến giới đầu tư luôn phải đặt ra những câu hỏi kiểu: Nếu không có internet thì tiền số sẽ đi đâu về đâu; Làm thế nào để truy cập vào tài khoản ngân hàng nếu tiền đã bị đóng băng; Mọi người có thể mua thứ gì nếu tiền đang mất giá nhanh chóng.

Theo tôi, giải pháp cho những vấn đề trên là vàng và các kim loại quý khác. Khi sống trong thời bình, nhu cầu về tiền mặt của mọi người không nhiều. Chúng ta có thể nghĩ nhiều về tiền số về không gian ảo nhưng khi bạn đói, điện và internet không phải là thứ quan trọng nhất. Nếu tôi không thể truy cập internet, tôi không thể định giá thức ăn cho bạn nhưng bạn có thể đổi cho tôi một chiếc vòng cổ hoặc một chiếc nhẫn để lấy một ổ bánh mì, ông Matt Badiali nói. Ông này còn dự báo giá kim loại quý sẽ tăng cao trong thời gian tới. Trong vòng 5 - 10 năm tiếp theo, 1.600 USD/ounce có thể là mức giá sàn của vàng.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), đánh giá trong những ngày qua, giá vàng SJC trong nước biến động rất mạnh, không bị chi phối nhiều bởi giá vàng thế giới. Có những thời điểm giá vàng thế giới chỉ tăng vài chục USD mỗi ounce nhưng giá trong nước lại tăng tới 6 - 7 triệu đồng/lượng. Ngược lại, có thời điểm giá vàng thế giới tăng mạnh, vượt mốc 2.050 USD/ounce, giá trong nước lại giảm 3 - 4 triệu đồng/lượng, ông Trọng dẫn chứng. Theo ông, giá vàng miếng trong nước hiện nay không đi cùng nhịp với giá thế giới mà bị tác động chính bởi tâm lý của nhà đầu tư và có yếu tố yếu tố phòng thủ của các công ty vàng mà lý do là thương hiệu vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, sự chênh lệch giá cao giữa vàng miếng và vàng nhẫn có nhiều lý do. Còn nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước liên tục vênh cao so với thế giới do thị trường vàng ở Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới.

Cụ thể, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 quy định: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng.

Tổng Hợp