Dòng sản phẩm chung cư bình dân (có giá khoảng 25 triệu đồng/m2) rất được quan tâm, đặc biệt tại các thành phố công nghiệp lớn. Nguồn cầu lớn, nhưng nguồn cung nhà giá rẻ lại vô cùng hạn chế và bị lấn lướt bởi nhà ở cao cấp. Vì thế, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân là rất cần thiết.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm.
Trong khi thu nhập sụt giảm, thì giá nhà ở lại đang có xu hướng tăng, nguồn cung khan hiếm, khiến cho mục tiêu mua nhà của nhiều gia đình trẻ trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Kết quả khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, chỉ một vài năm trước, giá căn hộ bình dân được định vị trên dưới mức 20 triệu đồng/m2 đã là cao, thì nay giá tối thiểu đã tăng lên 25 triệu đồng/m2, đây là điều rất đáng lo, nhất là trong bối cảnh thu nhập người dân sụt giảm mạnh do bệnh dịch.
Trong khi nguồn cung ở TP.HCM có dấu hiệu cải thiện ngay khi kết thúc giãn cách xã hội với hàng loạt dự án mới bắt đầu mở bán, thì Hà Nội chỉ ghi nhận một vài dự án mới được mở bán kể từ đầu tháng 11/2021, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nam Thành phố và số lượng căn hộ đưa ra thị trường cũng rất ít ỏi, chỉ 300-400 sản phẩm/dự án.
Thực tế giá của BĐS vẫn không ngừng tăng ngay cả khi dịch bệnh xảy ra. Lý do của thực tế này là do nguồn cung ngày càng khan hiếm và khi nhu cầu khan hiếm tăng cao khiến giá nhà đất khó mà giảm. Theo như hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng trong thời gian qua chưa thấy dự án nào giảm giá. Chỉ có hiện tượng tặng quà khủng và khuyến mại lớn ở một số dự án nhằm kích cầu thay vì phải giảm giá
Trong cả nước, ngay cả lúc có dịch hay sau dịch, giá bán những căn hộ hạng trung và cao cấp hầu như không có biến động. Một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện cũng được đẩy giá lên cao gần bằng với phân khúc trung cấp. Giá đất nền tại các dự án khan hiếm và thuộc sản phẩm được ưa chuộng nên giá loại này có biến động tăng.
Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), hiện nay những căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng ( 35 triệu/m2), cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình , cá nhân. Những căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ trở xuống và những căn nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường. Giá bán căn hộ ở TPHCM cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, và cao gấp 10 lần nhóm thu nhập trung bình, 17 lần lao động phổ thông và 28 lần so với người trẻ mới đi làm.
Thời gian qua, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19. Tuy vậy, theo số liệu khảo sát từ các công ty nghiên cứu thị trường, giá nhà ở vẫn tiếp tục tăng bất chấp dịch bệnh. Báo cáo về thị trường Việt Nam quý 4/2021 của Savills Việt Nam cho thấy, giá nhà đã lập đỉnh suốt 12 tháng không ngừng nghỉ.
Theo đó, trong quý 4/2021, nguồn cung căn hộ mới tăng 42% so với quý 3/2021 tương đương khoảng 4.500 căn nhưng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giai đoạn tiếp theo của 6 dự án cung cấp 3.600 căn, tương đương 80% nguồn cung mới; 20% còn lại đến từ 4 dự án mới. Tính cả năm 2021, nguồn cung sơ cấp xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua với hơn 33.600 căn, giảm 21% theo năm. Nguồn cung mới và hàng tồn kho ở mức thấp. Số lượng căn bán được đạt 4.200, tăng 72% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ đạt 19%, tăng 7 điểm % theo quý và giá tiếp tục tăng quý thứ 12 liên tiếp.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, mặc dù nhu cầu nhà ở còn rất lớn nhưng thị trường BĐS trong năm 2022 vẫn gặp khó về nguồn cung, do "nút thắt cổ chai" về pháp lý trong Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS vẫn chưa được tháo gỡ. Thiếu hụt nguồn cung nhà ở từ các dự án mới cho thị trường là một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư thứ cấp và người môi giới lợi dụng đẩy giá bán, gây ra các “cơn sốt” đất hoặc chính các chủ đầu tư đẩy giá bán nhà tăng cao. Một khi nút thắt này được tháo gỡ, sẽ tạo ra sự phát triển lành mạnh hơn, nhất là việc phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền.
Tổng Hợp