Giao lưu các thế hệ nhận Giải thưởng Kovalevskaia

GS. TS Nguyễn Thị Doan khẳng định: Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành biểu tượng của tinh thần vượt khó, sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học nữ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ tại nước ta.

Sáng 1/4, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu các tập thể, cá nhân nhận giải thưởng Kovalevskaia trong suốt 40 năm tại Việt Nam(1985 – 2025) và trao học bổng Kovalevskaia năm 2025.

Giải thưởng là biểu tượng của tinh thần vượt khó, sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học nữ

Tham dự chương trình có GS. TS Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước,  Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. GS. TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; GS. TS. Neal Koblitz, Giám đốc Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia cùng nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các nhà khoa học nữ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại chương trình giao lưu các thế hệ nhận Giải thưởng trong 40 năm (1985-2025) và trao học bổng Kovalevskaia năm 2025.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại chương trình giao lưu các thế hệ nhận Giải thưởng trong 40 năm (1985-2025) và trao học bổng Kovalevskaia năm 2025.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, chương trình Giao lưu các thế hệ nhận Giải thưởng trong 40 năm (1985-2025) và trao học bổng Kovalevskaia năm 2025 là một sự kiện rất có ý nghĩa, đánh dấu chặng đường bốn thập kỷ vinh danh và tôn vinh những đóng góp to lớn của các nhà khoa học nữ Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại hành trình bền bỉ của giải thưởng mà còn là cơ hội để kết nối, giao lưu, chia sẻ giữa các thế hệ nhà khoa học nữ, truyền cảm hứng cho những lớp trí thức trẻ tiếp bước con đường khoa học.

Nhìn nhận lại hành trình 40 giải thưởng Kovalevskaia tại Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học lỗi lạc thế kỷ 19 Sofia Vasilyevna Kovalevskaya (Xô-phi-a Va-xi-li-ép-na Cô-va-lép-xờ-cai-a) và đã được trao tại Việt Nam từ năm 1985, trở thành giải thưởng quốc tế đầu tiên dành riêng cho các nhà khoa học nữ, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của phụ nữ trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt trong khoa học tự nhiên - Một lĩnh vực then chốt của nền kinh tế tri thức.

Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, GS. TS Nguyễn Thị Doan phát biểu.
Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, GS. TS Nguyễn Thị Doan phát biểu.

“Suốt 40 năm qua, giải thưởng đã vinh danh 22 tập thể và 57 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, sinh học, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin.... Các nhà khoa học nữ được trao giải không chỉ có những đóng góp quan trọng cho nền khoa học nước nhà mà còn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, truyền động lực cho nhiều thế hệ nữ trí thức dấn thân vào con đường khoa học - một hành trình vinh quang nhưng cũng đầy thử thách. Những tấm gương nhà khoa học xuất sắc được nhận giải thưởng qua các năm và hành trình mà các chị phấn đấu đã cho chúng ta thấy những gam màu tươi sáng, đầy cảm xúc và ý nghĩa, thể hiện những nét đẹp về trí tuệ, tâm hồn và bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam nói chung, của các nhà khoa học nữ nói riêng, giống như Nhà toán học Kovalevskaia đã từng nói “Bạn không thể trở thành nhà toán học nếu không có tâm hồn của một nhà thơ””, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ.

Trong hành trình 40 năm có mặt tại Việt Nam, Giải thưởng Kovalevskaia đã được trao cho nhiều tấm gương nhà khoa học nữ đạt nhiều thành tích nổi bật, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội của đất nước như: Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý (sinh năm 1936), trường Phổ thông trung học chuyên Nguyễn Huệ - đạt giải thưởng năm đầu tiên, năm 1985; GS.TS khoa học Phạm Thị Trân Châu (sinh năm 1938), đạt giải năm 1988 và sau đó là thành viên rất tích cực của Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam; PGS. TS. Anh hùng lao động, nhà nông học Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1944) đạt giải năm 2000; GS.TS Bác sỹ Trần Vân Khánh (sinh năm 1973), đạt giải năm 2017; GS.TS. toán học Lê Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1970) đạt giải năm 2011; Tập thể phòng Hóa hữu cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đạt giải năm 1994; tập thể nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, đạt giải năm 2020...

Các nhà khoa học, nữ trí thức chụp ảnh lưu niệm cùng GS. TS. Neal Koblitz,  Giám đốc Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia. 
Các nhà khoa học, nữ trí thức chụp ảnh lưu niệm cùng GS. TS. Neal Koblitz,  Giám đốc Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia. 

Bên cạnh đó, Quỹ Giải thưởng cũng đã quan tâm trao học bổng cho 12 em nữ sinh (mỗi em nhận được trong 3 năm) để động viên các em nữ sinh khối khoa học tự nhiên, tiếp thêm động lực để các em tiếp nối con đường nghiên cứu khoa học, đạt được thành công trong học tập và công việc như em Trần Thị Như Quỳnh, sinh năm 2002, được nhận học bổng Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia kể từ năm 2018 trong suốt 3 năm học Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học dữ liệu - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đứng đầu Hội đồng bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp năm 2024, hiện Như Quỳnh là kỹ sư trí tuệ nhân tạo - Tổng công ty Dịch vụ số Viettel.

GS. TS. Nguyễn Thị Doan,Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cùng GS. TS. Neal Koblitz và PCT Hội LHPN Việt Nam tại chương trình giao lưu.
GS. TS. Nguyễn Thị Doan,Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cùng GS. TS. Neal Koblitz và PCT Hội LHPN Việt Nam tại chương trình giao lưu.

Chia sẻ tại buổi giao lưu các tập thể, cá nhân nhận giải thưởng Kovalevskaia trong suốt 40 năm tại Việt Nam(1985 – 2025) và trao học bổng Kovalevskaia năm 2025, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, GS. TS Nguyễn Thị Doan khẳng định Giải thưởng uy tín này đã trở thành biểu tượng của tinh thần vượt khó, sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học nữ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ tại nước ta.

Ban lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam tham dự chương trình giao lưu các thế hệ nhận giải thưởng Kovalevskaia và trao học bổng năm 2025.
Ban lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam tham dự chương trình giao lưu các thế hệ nhận giải thưởng Kovalevskaia và trao học bổng năm 2025.

Cũng theo GS. TS. Nguyễn Thị Doan, Quỹ Sophia Kovalevskaia được thành lập là sáng kiến và sự đóng góp về tài chính của bà GS.TS Ann Kobitz - người Mỹ và chồng bà là GS.TS. Neal Koblitz nhằm động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển dưới hình thức trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Giao lưu với các nhà khoa học và nữ sinh nhận học bổng Kovalevskaia năm 2025. 
Giao lưu với các nhà khoa học và nữ sinh nhận học bổng Kovalevskaia năm 2025. 

“Những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học được vinh danh không chỉ mang lại những bước tiến đột phá trong khoa học, mà còn góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao sức khỏe nhân dân và cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ việc ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp, đến nghiên cứu y dược giúp chữa trị bệnh hiểm nghèo, các nữ khoa học Việt Nam đã chứng minh vai trò quan trọng của mình trong công cuộc đưa đất nước thoát nghèo và phát triển bền vững”, GS. TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam nói.

 Chia sẻ của các NKH nhận giải thưởng Kovalevskaia và nữ sinh yêu khoa học 

Trong phần giao lưu với các nhà khoa học đạt giải thưởng Kovalevkaia với nữ sinh nhận học bổng Quỹ Kovalevskaia Việt Nam, GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, một trong 2 nhà khoa học nữ trẻ tuổi nhất vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2011 khi chị mới 41 tuổi và cũng là nữ giáo sư toán học thứ 2 của Việt Nam cho biết, Giải thưởng là niềm vinh dự, tự hào và là động lực to lớn để chị tiếp tục nỗ lực, phấn đấu.

"Bản thân tôi được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2011 trong lĩnh vực toán học. Lúc đó tôi đang là PGS, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên. Đến năm 2015, tôi trở thành nữ giáo sư toán học thứ 2 của Việt Nam sau giáo sư Hoàng Xuân Sính. Và đến năm 2016 tôi trở thành nữ hiệu trưởng trường đại học khoa học, Đại học Thái Nguyên. Với những thành công ấy, tôi mong muốn truyền đến các thế hệ học sinh, sinh viên của mình, đặc biệt là học sinh nữ. Mặc dù là phụ nữ nhưng các em vẫn có thể hoàn toàn tự tin. Bản thân tôi tốt nghiệp từ một ngôi trường ở miền núi, điều kiện học tập rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể thành công như những người được đào tạo tại những trường đại học lớn trong nước hay quốc tế. Tôi cũng dẫn dắt một nhóm nghiên cứu trong nhiều năm và những thành viên đến từ nhiều trường đại học trong toàn quốc. Rất nhiều thành viên là nữ. Điều đặc biệt là tất cả những học viên mà tôi hướng dẫn chính đều là nữ, bởi tôi muốn dành cơ hội cho phụ nữ nhiều hơn. Và sau nhiều năm thì nay họ đều trưởng thành, trở thành những PGS, TS, có rất nhiều thành tựu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học", GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ.

GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ tại chương trình giao lưu.
GS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ tại chương trình giao lưu.

Nữ GS. toán học cũng cho biết thêm, 5năm gần đây, chị làm tham mưu cính sách để hỗ trợ cho gần 1 triệu trẻ em học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được đến trường, không phải bỏ học, để khoảng cách giữa giáo dục ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn được thu hẹp hơn.

"Từ tháng 3/2025, tôi được giao nhiệm vụ tham mưu làm chính sách phát triển đội ngũ giảng viên đại học, đội ngũ GS, PGS. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57 NĐ - CP về đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số quốc gia. Nếu như ở trình độ thấp thì phụ nữ cùng gần như không kém gì nam giới nhưng càng lên cao thì tỷ lệ chị em phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học công nghệ càng giảm dần nên tôi mong muốn làm sao tỷ lệ chị em phụ nữ được tham gia nghiên cứu khoa học tăng lên. Dù điều ấy rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện", Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hà, Nguyên trưởng Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại chương trình giao lưu.
PGS. TS. Nguyễn Thị Hà, Nguyên trưởng Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại chương trình giao lưu.

Từng vinh dự được nhận giải giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể nghiên cứu khoa học, PGS. TS. Nguyễn Thị Hà, Nguyên trưởng Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Giải thưởng Kovalevskaia với chị và Nhóm nghiên cứu không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm khi đạt được giải thưởng đó và thấy mình phải tiếp tục phấn đấu để xứng đáng với giải thưởng.

"Chúng tôi được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 và thấy rất tự hào. Dù giải thưởng không có ý nghĩa nhiều về mặt kinh tế, vật chất nhưng tôi nghĩ giá trị tinh thần thì không có gì so sánh được. Sau khi đạt giải thưởng, nhóm nghiên cứu có rất nhiều cán bộ nữ trẻ có trình độ cao đi học từ các quốc gia phát triển về công tác tại bộ môn. Chúng tôi tiếp tục phát huy được các hướng nghiên cứu của công trình đã đăng ký giải thưởng đó là nghiên cứu xử lý tập hợp chất thải theo hướng công nghệ phù hợp với đặc điểm của Việt Nam và hướng thứ 2 là phân tích đánh giá chất lượng môi trường. Nhóm nghiên cứu đã có nhiều chị là chủ trì và tham gia vào các dự án nghiên cứu cấp nhà nước, các dự án hợp tác với quốc tế. Khoảng hơn 10 dự án. Các dự án cấp bộ ngành địa phương thì khoảng 20 dự án. Tất cả các dự án hợp tác với các nước đều đều tập vào hướng xử lý nước thải nhiễm phèn, nhiễm mặn để cung cấp nước sạch cho các vùng khó khăn, khan hiếm nước ở vùng ĐBSCL hay là các dự án hợp tác với Nhật Bản, Nga về các công nghệ phù hợp ứng dụng phần mềm mô phỏng về kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến. Chúng tôi cũng có những dự án nghiên cứu về ứng dụng các phần mềm mô phỏng để tối ưu hóa các hệ thống xử lý chất thải hiện có. Và đặc biệt là đi theo định hướng tận dụng các chất thải điển hình của Việt Nam đó là phế phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải từ các nguồn khác nhau để tạo ra các sản phẩm có giá trị như các vật liệu để xử lý môi trường, các viên nén nhiên liệu hay phân bón. Và các công nghệ chúng tôi hướng đến đều là công nghệ chị phí thấp để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham gia đánh giá tác động môi trường, các thành phần ô nhiễm như ô nhiễm vi nhựa, ô nhiễm dư lượng kháng sinh, các vi sinh vật kháng kháng sinh và các thành phân ô nhiễm mới nổi. Với những đóng góp cho nghiên cứu khoa học thì tôi nghĩ nhóm nghiên cứu xứng đáng với giải thưởng mà mình đã đạt được. Tôi rất mong các bạn nữ trẻ tiếp tục phát huy để đóng góp nhiều hơn nữa, có những thành tựu tốt hơn nữa để xứng đáng với giải thưởng và có những đóng góp ý nghĩa cho cộng động.", PGS. TS. Nguyễn Thị Hà nhắn nhủ các nhà khoa học nữ hãy nỗ lực và đóng góp nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học.

GS. TS. Trần Tuấn Anh, PCT Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Thành viên Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đánh giá cao sự cống hiến của các nhà khoa học nữ. Theo ông, các nhà khoa học nữ sẽ khó khăn hơn nhiều so với nam giới bởi họ vừa phải lo chu toàn gia đình mà vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

"Tất cá những hồ sơ gửi để xét chọn giải thưởng đều rất xuất sắc và xứng đáng", GS. TS. Trần Tuấn Anh nhận xét. 

Đỗ Hà My, một trong ba nữ sinh chuyên toán được nhận học bổng Kovalevskaia chia sẻ tại chương trình.
Đỗ Hà My, một trong ba nữ sinh chuyên toán được nhận học bổng Kovalevskaia chia sẻ tại chương trình.

Chia sẻ về niềm đam mê toán và hành trình đến với học bổng Kovalevskaia, nữ sinh Đỗ Hà My, lớp 12A2 chuyên toán, trường THPT chuyên KHTN Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong 3 em học sinh được nhận học bổng của Quỹ Kovalevskaia Việt Nam trong suốt 3 năm vừa qua cho biết, em rất vinh dự khi được tham gia buổi giao lưu và có cơ hội được nghe những câu chuyện truyền cảm hứng từ những thế hệ đi trước.

Bản thân em thấy các nhà khoa học nữ rất nhiều nỗ lực và kiên trì. Đồng thời em cũng thấy mình cần phải cố gắng hơn rất nhiều. Em xuất thân không phải là một học sinh giỏi toán nhưng em có thể khẳng định là mình rất yêu môn học này. Có đôi khi em thậm chí còn ở mức trung bình của lớp nhưng với suy nghĩ là mình không thể bỏ toán, một môn học em rất yêu thích chỉ vì em không giỏi nó. Theo kim chỉ nam này, em đã luôn cố gắng và từ trung bình, từng bước lên học sinh khá và giỏi và qua đó đạt được một trong những ước mơ lớn nhất của cuộc đời em đó  là đỗ vào lớp chuyên toán. Sau khi đỗ chuyên, em cũng có tâm lý muốn thả lỏng bản thân và do đó em rơi vào thời điểm hoang mang với một lượng kiến thức rất lớn trong lớp chuyên và ngày càng khó. Tuy nhiên, bản thân em lại may mắn khi gặp được các thầy cô tại trường THPT chuyên KHTN rất tận tụy và tâm huyết. Và em được truyền lửa để có thể tự tin, kiên định hơn trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học", Hà My kể.

"Từ rất nhiều thất bại và kinh nghiệm trong quá khứ thì em nhận thấy rằng tất cả những môn học đều có vẻ đẹp riêng nhưng toán là ngôn ngữ chung của khoa học. Điều em yêu thích nhất ở toán là sự tư duy sáng tạo. Mỗi bài toán đều có nhiều cách giải và mỗi cách giải lại đem đến một góc nhìn tư duy sáng tạo rất mới. Với em, trong khoa học không có phân biệt giới tính, chỉ có tư duy sáng tạo, đam mê và quyết tâm thì mới có thể thành công được. Qua đây, em muốn gửi 1 lời nhắn nhủ đến các bạn nữ sinh là các bạn hãy quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Nếu có quyết tâm, em tin rằng tất cả các bạn sẽ theo đuổi được đam mê trên con đường học tập và nghiên cứu của mình", Hà My nhắn nhủ các nữ sinh đam mê khoa học.

Giải thưởng Kovalevskaia tại Việt Nam rất thành công và có tầm ảnh hưởng.

Điểm lại lịch sử Giải thưởng Kovalevskaia dành cho các nhà khoa học nữ, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam cho biết, đến nay giải thưởng uy tín này đã có tuổi đời 40 năm tại Việt Nam. Quỹ Sophia Kovalevskaia được thành lập là sáng kiến và sự đóng góp về tài chính của bà GS.TS Ann Kobitz - người Mỹ và chồng bà là GS.TS. Neal Koblitz nhằm động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển dưới hình thức trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

GS. TS. Neal Koblitz,  Giám đốc Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tổ chức trao Giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1985, cách đây 40 năm. Sau đó, Giải thưởng này cũng được hỗ trợ ở một số quốc gia và khu vực khác – như miền Nam châu Phi và các nước Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, Giải thưởng Kovalevskaia tại Việt Nam là thành công và có tầm ảnh hưởng nhất trong số đó.
GS. TS. Neal Koblitz,  Giám đốc Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tổ chức trao Giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1985, cách đây 40 năm. Sau đó, Giải thưởng này cũng được hỗ trợ ở một số quốc gia và khu vực khác – như miền Nam châu Phi và các nước Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, Giải thưởng Kovalevskaia tại Việt Nam là thành công và có tầm ảnh hưởng nhất trong số đó.

Chia sẻ tại chương trình giao lưu các tập thể, cá nhân nhận giải thưởng Kovalevskaia trong 40 năm qua tại Việt Nam và trao học bổng năm 2025, GS. TS. Neal Koblitz,  Giám đốc Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tổ chức trao Giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1985, cách đây 40 năm. Sau đó, Giải thưởng này cũng được hỗ trợ ở một số quốc gia và khu vực khác – như miền Nam châu Phi và các nước Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, Giải thưởng Kovalevskaia tại Việt Nam là thành công và có tầm ảnh hưởng nhất trong số đó.

“Trong vài năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tham dự lễ trao giải và trực tiếp trao chứng nhận cho các nhà khoa học nữ đạt giải. Đây là sự công nhận ở cấp độ cao nhất mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác. Tôi tin rằng Giải thưởng Kovalevskaia có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, GS. TS. Neal Koblitz, Giám đốc Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia bày tỏ tin tưởng giải thưởng uy tín này sẽ tiếp tục được trao cho các nhà khoa học nữ xuất sắc tại Việt Nam và sẽ phát triển hơn trong tương lai.

Từng vinh dự được trao học bổng Kovalevskaia trong những năm học chuyên toán, trường Phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và nay là kỹ sư trí tuệ nhân tạo tại Tổng công ty dịch vụ số Viettel, Trần Thị Như Quỳnh không giấu nổi xúc động khi có mặt tại chương trình giao lưu các tập thể, cá nhân nhận giải thưởng Kovalevskaia trong 40 năm qua tại Việt Nam và trao học bổng năm 2025. Quỳnh cho biết, chính học bổng Kovalevskaia đã tạo động lực rất nhiều cho em trong việc học tập và nghiên cứu sau này. Sau tốt nghiệp cấp 3, nữ sinh chọn ngành Khoa học dữ liệu tại trường Đại học Khoa học tự nhiên để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Kỹ sư Trần Thị Như Quỳnh từng vinh dự được trao học bổng Kovalevskaia trong những năm học chuyên toán, trường Phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và nay là kỹ sư trí tuệ nhân tạo tại Tổng công ty dịch vụ số Viettel.
Kỹ sư Trần Thị Như Quỳnh từng vinh dự được trao học bổng Kovalevskaia trong những năm học chuyên toán, trường Phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và nay là kỹ sư trí tuệ nhân tạo tại Tổng công ty dịch vụ số Viettel.

“Học bổng này ngoài hỗ trợ em về mặt tài chính thì còn có giá trị tinh thần. Sau khi tốt nghiệp THPT, em tiếp tục học ngành khoa học dữ liệu tại trường Đại học Khoa học tự nhiên và thực sự em thấy mình đi rất đúng hướng, từ toán sang học khoa học dữ liệu rồi sang ứng dụng AI. Trước đó, khi còn học tại trường ĐH Khoa học tự nhiên, em đã có cơ hội trao đổi với GS. TS. Neal Koblitz. Em thấy mình rất may mắn được gặp giáo sư và sau này cũng nhận được nhiều sự hướng dẫn, định hướng từ các thầy. Hiện tại em đang làm kỹ sư AI tại Viettel. Em muốn chia sẻ với các em nữ sinh nhận học bổng hôm nay và nhiều sinh viên là hãy cứ đam mê và cháy hết mình với tình yêu khoa học rồi thành công sẽ đến”, kỹ sư AI Trần Thị Như Quỳnh chia sẻ.

Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia cũng đã trao 3 suất học bổng trị giá 500 USD cho 3 nữ sinh lớp 12 chuyên toán xuất sắc của trường phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia cũng đã trao 3 suất học bổng trị giá 500 USD cho 3 nữ sinh lớp 12 chuyên toán xuất sắc của trường phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các đại biểu, nhà khoa học và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện giao lưu các thế hệ nhận giải thưởng Kovalevskaia và trao học bổng năm 2025.
Các đại biểu, nhà khoa học và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện giao lưu các thế hệ nhận giải thưởng Kovalevskaia và trao học bổng năm 2025.

Cũng trong chương trình Giao lưu các thế hệ nhận Giải thưởng trong 40 năm (1985-2025) và trao học bổng Kovalevskaia năm 2025 sáng 1/4, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia cũng đã trao 3 suất học bổng trị giá 500 USD cho 3 nữ sinh lớp 12 chuyên toán xuất sắc của trường phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây sẽ là nguồn động viên để các em phấn đấu, nỗ lực hơn trong học tập để trở thành những nhà khoa học có nhiều đóng góp trong tương lai.

Bảo Long - Hoàng Toàn

Giao lưu các nhà khoa học đạt giải thưởng Kovalevskaia

Giao lưu các nhà khoa học đạt giải thưởng Kovalevskaia

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Chi hội Nữ trí thức trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tổ chức Toạ đàm “Giao lưu các nhà khoa học đạt giải thưởng Kovalevskaia”